Tri thức trẻ trên vùng cao Minh Hóa
10:31 29/11/2013 2008
Công tác tuyên truyền, giáo dục Được cống hiến sức trẻ đó là niềm mơ ước, khát khao của các bạn tri thức trẻ thuộc Dự án 600 về làm Phó Chủ tịch các xã nghèo ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đã có gần 2 năm gắn bó với bà con nhân dân, các trí thức trẻ đã và đang khẳng định mình, được người dân yêu thương, đùm bọc.
Tri thức trẻ đến với vùng cao |
Cống hiến cho quê hương
Với vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng khi tiếp xúc thấy Hương là một người khá tự tin, sau khi cầm tấm bằng cử nhân ra trường, nghe tin có đợt tuyển chọn Dự án 600 tri thức trẻ về làm PCT xã tại các huyện còn khó khăn, Hương đã rất thích thú và ngay hôm sau đã đến nộp hồ sơ đăng ký. Sau 1 năm làm phó chủ tịch UBND xã, Ngô Thị Hương đã biết khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hương đã cùng với chính quyền địa phương xây dựng phương án phát triển kinh tế để bước vào vụ hè thu năm 2013, lần đầu tiên xã Hóa Phúc sẽ thực hiện sản xuất 2 vụ/1 năm. Giờ đây bà con ở vùng quê này đã quen với hình ảnh Hương thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ họ trong cuộc sống cũng như giúp họ phát triển kinh tế - xã hội.
Với đặc thù là xã có gần 50% hộ nghèo, có 2 thôn phân bố cách nhau 4,5 km, kinh tế chủ yếu dựa vào cây lạc, cây ngô, không có ruộng trồng lúa nước nên đời sống người dân đang rất khó khăn. Với đề án ban đầu của xã đề nghị là tăng cường thêm 1 cán bộ có trình độ chuyên môn về nông nghiệp, Hà Ngọc Thành đã đáp ứng được yêu cầu và có điều kiện thuận lợi để phát huy hết năng lực của bản thân. Sau khi đảm nhiệm chức danh phó chủ tịch xã, đội viên dự án Hà Ngọc Thành đã tham gia cùng với chính quyền và người dân phát triển sản xuất, xây dựng các trang trại, trồng rừng bám sát các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Ông Đinh Văn Hải cho biết: “Thành luôn quan tâm đến cuộc sống, sản xuất của bà con nhân dân chú Thành thường xuyên quan tâm, hỏi han gia đình, thường xuyên vào dịp đầu năm, giữa năm, cuối năm đều qua lại gia đình, hướng dẫn cách làm trang trại, trồng cây, nuôi con, kỹ thuật phòng bệnh”.
Là xã miền núi, biên giới có 18 bản nằm phân bố trên địa bàn rộng kéo dài hơn 40 km, đời sống của người dân còn rất khó khăn. Sau khi được HĐND bầu vào chức danh phó chủ tịch xã với số phiếu ủng hộ đạt 100%, đội viên Phạm Văn Bắc đã mang hết nhiệt huyết của 1 trí thức trẻ để cùng với Đảng bộ và chính quyền địa phương xây dựng kinh tế, xã hội. Từ ngày Bắc nhận công tác tại đây thì anh luôn năng nổ, hoạt bát, có nhiều sáng tạo, giúp cho xã hoàn thành khá nhiều công việc. Ngày đầu tiên về đã tham gia Đề án Nông thôn mới, anh đã về tận các hộ dân để tìm hiểu nguyện vọng, tâm tư và tập hợp lại trình Đảng ủy, Uỷ ban để xây dựng kế hoạch đảm bảo hợp lòng dân. Một trong những kết quả nổi bật nhất sau 1 năm công tác của đội viên Phạm Văn Bắc là thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở. Hiện nay, xã Trọng Hóa là xã duy nhất của tỉnh ta chưa hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Phạm Văn Bắc đã vận động con em tự ý bỏ học trở lại trường, huy động trẻ vào lớp 1, lớp 6 và tham gia khảo sát thực trạng cơ sở vật chất để các trường học có điều kiện thực hiện dạy chương trình phổ cập bắt đầu từ tháng 6 năm 2012 và đến năm 2016 sẽ hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.
Có thể nhận thấy rằng, thành công bước đầu của những đề án mà các trí thức trẻ đã mang lại cho người dân các xã nghèo vươn lên đã chứng minh bản lĩnh và trí tuệ của người trẻ nơi gian khó. Chúng ta hãy tin tưởng vào một ngày không xa, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết của những trí thức trẻ sẽ đưa xã nghèo đi lên.