Trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên tham gia góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
19:49 01/03/2013 4033
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Sáng 28/2, Trung ương Đoàn phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội nghị “Lấy ý kiến trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”. Hơn 100 đại biểu là các chuyên gia pháp lý, trí thức trẻ, cán bộ, giảng viên trẻ và sinh viên thuộc hơn 10 trường Đại học khu vực Hà Nội tham dự.
Đồng chí Nguyễn Long Hải- Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Đồng chí Nguyễn Long Hải- Bí thư Trung ương Đoàn, Tiến sỹ Trương Quang Vinh- Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đồng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo lấy ý kiến cán bộ, đoàn viên thanh niên về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thông qua sinh hoạt chi đoàn, các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, mở chuyên trang, chuyên mục trên các báo giấy, báo điện tử… Trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên là đại diện cho trí tuệ thanh niên, là những nhân tố sáng tạo trong các phong trào cách mạng, đây sẽ là lực lượng đi đầu đem lại những tư duy mới mẻ, phong phú để làm giàu tính tri thức, tính mới, tính phù hợp cho Hiến pháp.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào một số vấn đề về: Quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (về học tập, nghiên cứu khoa học, nghề nghiệp, việc làm, điều kiện học tập, làm việc, chỗ ở, điều kiện vui chơi giải trí...); cơ chế đảm bảo thực hiện quyền con người. Vai trò của Đoàn Thanh niên trong động viên đoàn viên thanh niên thực hiện quyền làm chủ của mình; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên thanh niên; Các vấn đề về trọng dụng nhân tài, tài năng trẻ, vai trò lãnh đạo của Đảng; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường và chủ quyền quốc gia, biển đảo, bảo vệ Tổ quốc...
Bàn về vấn đề trọng dụng tài năng trẻ trong dự thảo Hiến pháp 1992, đại biểu Lâm Tùng- Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, Trung ương Đoàn TNCSHCM đã có một số hoạt động rất đáng ghi nhận nhằm tìm kiếm, tập hợp tài năng trẻ như: Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ VN; Lễ tuyên dương tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam; Giải thưởng quả cầu vàng... Tiêu biểu trong số đó là hai hoạt động trọng tâm được Trung ương Đoàn triển khai thực hiện trong thời gian gần đây là Đại hội tài năng trẻ Việt Nam diễn ra vào năm 2009 và Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học làm Phó Chủ tịch xã.
Đại biểu Lâm Tùng đề nghị được góp ý bổ sung nội dung “Trọng dụng nhân tài, tài năng trẻ” vào dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992 |
Với hàng loạt những giải thưởng, các cuộc thi tôn vinh tài năng trẻ, sáng tạo trẻ, các diễn đàn hội thảo tạo cầu nối giữa doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội với tầng lớp tri thức trẻ, Trung ương Đoàn TNCSHCM đã thực sự trở thành ngọn cờ tiên phong đi đầu trong việc trọng dụng nhân tài, tài năng trẻ, thực hiện đúng nhiệm vụ mà hiến pháp 1992 đã quy định. Tuy nhiên, để nguồn lực ấy được tận dụng một cách triệt để, có hệ thống, cần sự chung tay góp sức của tất cả các yếu tố cấu thành của xã hội. Và để thực hiện điều này, đại biểu Lâm Tùng đề nghị được góp ý bổ sung nội dung “Trọng dụng nhân tài, tài năng trẻ” vào dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992.
Đại biểu cũng hoàn toàn nhất trí quan điểm với Điều 66 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 36) trong đó quy định: Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hoá và học nghề phù hợp.
Đây là một phần Hiến pháp cần thiết phải bổ sung để làm tiền đề xây dựng các cơ chế một cách hiệu quá hơn trong quá trình sử dụng lao động trẻ chất lượng cao và qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính phủ với tầng lớp trí thức trẻ, góp phần định hướng về tư tưởng, quan điểm chính trị, tạo mong muốn, khát khao cống hiến của những người Việt trẻ hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.
Tham luận về các quyền học tập, quyền nghiên cứu khoa học trong bản dự thảo lấy ý kiến người dân về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, đại biểu Ngô Thu Trang- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật gia trẻ Hà Nội cho biết: Tại Điều 42: ''Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập'' , Điều 43: ''Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật''. Theo đó, trong Hiến pháp sửa đổi lần này, cần có quy định khung thể hiện rõ những chính sách cụ thể để đảm bảo và bảo vệ quyền học tập, quyền nghiên cứu khoa học của mọi người; và quy định đó như một nghĩa vụ mà nhà nước phải thực hiện. Khác với Hiến pháp 1992 hiện hành, chỉ quy định khái quát công nhận quyền và nghĩa vụ học tập và quyền nghiên cứu khoa học... Hiến pháp cần bổ sung thêm quy định: ''Nhà nước quản lý công tác giáo dục, đề ra các chiến lược, chính sách phát triển giáo dục; hoàn thiện nền giáo dục cho sát và phù hợp với yêu cầu của người dân; tạo điều kiện tối đa cho phát triển khoa học và nghiên cứu khoa học. Có sự đảm bảo của nhà nước.'' thì người dân mới có điều kiện phát huy toàn diện quyền của mình trong lĩnh vực học tập và nghiên cứu khoa học.
Hiến pháp sửa đổi lần này, cần có quy định khung thể hiện rõ những chính sách cụ thể để đảm bảo và bảo vệ quyền học tập, quyền nghiên cứu khoa học của mọi người, đại biểu Ngô Thu Trang nhấn mạnh |
Đại biểu Ngô Thu Trang cũng mong rằng, trong lần sửa đổi này, các quy định về vấn đề trên sẽ được xem xét và sửa đổi sao cho phù hợp nhất, mang lại lợi ích tốt nhất cho 'giới trẻ - ''thế hệ kế cận gánh vác tương lai'', tạo sự phát triển lành mạnh, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển bền vững.
Đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi HIến pháp 1992, Tiến sỹ Vũ Duy Hải - Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ sự băn khoăn khi chương I của bản Dự thảo đã có quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công Đoàn Việt Nam, nhưng chưa có điều nào quy định về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, một tổ chức quan trọng của hệ thống chính trị tại Việt Nam. Trong khi đó, Hiến pháp hiện hành vẫn quy định tại Điều 36 rằng: “Các đoàn thể nhân dân trước hết là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh …có trách nhiệm giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”. Theo Điều lệ Đảng, chỉ duy nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội được coi như đội dự bị tin cậy của Đảng. Bên cạnh đó, Nghị quyết Hội nghị TW 7, khóa X về công tác thanh niên cũng đã nhấn mạnh xây dựng tổ chức Đoàn là xây dựng Đảng đi trước một bước. Đại biểu Vũ Duy Hải cho rằng nên bổ sung thêm một Điều riêng về Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với nội dung "Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng”. Điều đó sẽ đáp ứng được ba yêu cầu mà Quốc Hội thông qua khi sửa đổi Hiến pháp 1992.
Sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, trong đó có vai trò đóng góp quan trọng của trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên. Ngoài ra, việc đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là trách nhiệm, quyền lợi chính trị của đoàn viên thanh niên, thể hiện tinh thần dân chủ, làm chủ của đoàn viên thanh niên đối với các vấn đề quốc gia, dân tộc.