Trao đổi sách - Mô hình mới hiệu quả cần nhân rộng trong học đường
18:23 23/02/2012 3947
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: “Kết nối tri thức” – là tên chương trình Ngày hội trao đổi sách lần đầu tiên được đội Tình nguyện xung kích Đoàn thanh niên Học viện báo chí và tuyên truyền tố chức, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của Sinh viên trong việc thực hiện chỉ thị 03/BCT về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngày hội trao đổi sách, đơn giản được hiểu là ngày mà các bạn sinh viên mang tới những cuốn giáo trình, sách tham khảo mình đã học qua và không dùng tới nữa để đổi lấy những cuốn sách mà mình cần tới từ các bạn sinh viên khác. Mục đích của chương trình là tạo ra cầu nối giữa các sinh viên trong trường, là dịp để sinh viên các khóa giao lưu trao đổi những cuốn sách với nhau bởi những cuốn sách cũ với người này nhưng mới với người khác. Đây là hoạt động mang ý nghĩa tiết kiệm hiệu quả, làm giảm áp lực chi phí trong học tập, tạo ra niềm vui mới trong sinh viên. Thông qua chương trình ban tổ chức (BTC) hy vọng nhiều sinh viên sẽ thấy được lợi ích của sách và trân trọng những cuốn sách mình có cũng như biết chia sẻ với các bạn của mình tài sản ấy bởi vì “Sách là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công”.
Đông đảo các bạn sinh viên mang tới những cuốn giáo trình, sách tham khảo mình đã học qua |
Ý tưởng chương trình bắt nguồn từ những trăn trở của cô sinh viên chuyên ngành báo truyền hình Thu Trà trong một lần sắp xếp lại số sách và giáo trình cũ; Trà chia sẻ: em đã tự hỏi, tại sao không đem tặng số tài liệu học tập này cho các sinh viên khóa dưới? Những tài liệu này đã được sử dụng, giờ giữ lại cũng chỉ để trong hộp, trong khi đó có rất nhiều sinh viên cần đến chúng, thậm chí nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn không có điều kiện mua thêm sách tham khảo và từ đó em bắt tay vào xây dựng ý tưởng tổ chức Ngày hội trao đổi sách, từ việc phác thảo sơ lược trên giấy em mạnh dạn đề xuất ý tưởng lên Đoàn trường và không ngờ lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình đến vậy. Trong vòng 1 tháng rưỡi, ý tưởng đã trở thành hiện thực khi ngày hội trao đổi sách chính thức được tổ chức ngày 11/2/2012 vừa qua.
Tuy mới lần đầu tiên tổ chức nhưng chương trình đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các bạn sinh viên tham gia. Nhiều sinh viên tìm thấy niềm vui trong những cuốn sách mới, thấy được ý nghĩa của chương trình đã gọi bạn bè của mình cùng đến tham gia trao đổi sách.
Chương trình bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định tạo sự lan tỏa trong sinh viên; theo con số thống kê của BTC có khoảng 400 lượt sinh viên tham gia ngày hội với hơn 2000 cuốn sách được trao đổi tạo cơ hội để “tài sản tri thức” đến được tay các bạn sinh viên.
Bạn Báo Thị Nga - quản lý xã hội K31 hào hứng cho biết: “Hôm nay tôi đổi được 26 cuốn sách, phần lớn là số giáo trình cần dùng trong kỳ học tới, các sách tham khảo, sách tiếng Anh và một vài tiểu thuyết kinh điển. Chưa bao giờ tôi có nhiều sách “mới” trong một lúc như thế này. Đổi sách không mất tiền giúp tôi tiết kiệm được một số tiền khá lớn”.
Đối với các sinh viên năm cuối, tham gia vào ngày hội trao đổi sách còn là cơ hội để các bạn chia sẻ, kết nối những tri thức của mình với các sinh viên khóa dưới. Những cuốn sách, giáo trình đã qua sử dụng được tặng lại cho các sinh viên khác là món quà tri thức vô cùng quý giá. Bạn Đào Xuân Công- sinh viên năm 4, ngành công tác chính trị, đã đem đến ngày hội hơn 50 cuốn sách, giáo trình và trở thành “đại gia sách” đầu tiên chia sẻ cảm xúc: “ Những cuốn sách tôi mang tới ngày hội là những cuốn sách tôi rất yêu quý và trân trọng, giữ gìn trong suốt 4 năm qua. Tuy nhiên còn nhiều bạn sinh viên cũng rất cần đến nó. Tôi mong rằng các bạn sinh viên khóa dưới sẽ tìm được những cuốn sách cần thiết và hữu ích nhất trong số sách ấy để làm giàu thêm vốn kiến thức hữu ích của mình cũng như có thể vượt qua các kỳ thi một cách tốt nhất. Tôi mong rằng chương trình sẽ giành được nhiều sự ủng hộ của chương trình để được tổ chức thường xuyên trong tương lai”. Không chỉ tham gia chương trình, Xuân Công còn khẳng định trong những ngày hội trao đổi sách lần 2, lần 3…sẽ vận động bạn bè, người than cũng tham gia, đồng thời quyên góp những cuốn sách cũ để đóng góp cho chương trình.
Trong đa số các ý kiến của những sinh viên tham gia chương trình đều đề cập tới sự hữu ích, mang ý nghĩa thiết thực, tiết kiệm…Đó cũng chính là mong muốn hiệu quả chương trình sẽ đem lại cho tất cả các sinh viên của BTC khi quyết định tổ chức ngày hội.
Với một phép tính đơn giản chúng ta có thể thấy tính hiệu quả của nó, nếu một sinh viên mỗi học kỳ cần tới 10 cuốn giáo trình mới. Giá mỗi cuốn giáo trình dao động từ 30.000đ đến 40.000đ; nếu cuốn giáo trình ấy đem đi phô tô sẽ có giá từ 10.000đ đến 20.000đ, và như vậy nếu đi mua giáo trình một học kỳ mỗi sinh viên sẽ phải bỏ ra 300.000đ đến 400.000đ. Trong 4 năm học số tiền dành cho việc mua giáo trình là 2.400.000đ – 3.200.000đ. (còn nếu chỉ dùng giáo trình phô tô, thì số tổng số tiền dành cho việc phô tô tài liệu cũng lên đến 800.000đ- 1.600.000đ). Những số tiền trên không phải là nhỏ đối với một sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đó là chưa tính đến số tiền dành để mua các tài liệu tham khảo, mua truyện đọc hay tiểu thuyết.
Anh Vũ Quốc Cường - Bí thư Đoàn Học viện cho biết: “Ngoài tạo ra cầu nối giữa các sinh viên với nhau, ngày hội trao đổi sách còn là một sáng kiến, giúp tiết kiệm rất nhiều cho sinh viên. Những tài liệu được sử dụng quay vòng sẽ tránh được tình trạng lãng phí sách của một số sinh viên. Trao đổi sách là hành động tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa to lớn thiết thực hưởng ứng phong trào “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Đúng với tên gọi “ngày hội” bên cạnh hoạt động trao đổi sách, BTC còn xây dựng sân khấu với các tiết mục văn nghệ, trò chơi để các bạn sinh viên có cơ hội tham gia nhiều hoạt động. Đồng thời nhiều sinh viên có cơ hội được mua sách với giá ưu đãi với sự tham gia cuả một số nhà sách uy tín. Ngoài ra để thắp lên ngon lửa nhân ái, BTC còn bán thiệp nhân ái do các trẻ em làng trẻ Hữu Nghị làm để gây quỹ nhân ái cho các em.
Thiết nghĩ, đây là một mô hình mới mang tính hiệu quả, tiết kiệm nhằm thiết thực hưởng ứng phong trào Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,cần thiết được nhân rộng trong tất cả các trường Đại học và ở tất cả các cấp học.