Trăn trở “đầu ra” của những trí thức trẻ Dự án thí điểm 600
09:12 07/11/2013 2468
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Mong muốn có một "đầu ra" vững chắc là trăn trở chung của các trí thức trẻ ở các huyện nghèo trong cả nước nói chung và huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nói riêng.
"Mặc dù đã có nhiều thành quả trong cương vị phó chủ tịch xã nhưng 10 đội viên trí thức trẻ (TTT) thuộc Dự án 600 TTT về làm phó chủ tịch xã ở 62 huyện nghèo của cả nước đang thực hiện nhiệm vụ tại huyện vùng cao Trạm Tấu vẫn gặp không ít trở ngại. Đó là những bỡ ngỡ với tập quán của đồng bào, bất đồng về ngôn ngữ, cơ sở vật chất vùng cao thiếu thốn, đi lại khó khăn, lại là lần đầu tiên trong vai trò lãnh đạo nên không khỏi lúng túng trong triển khai chỉ đạo, điều hành " - đó là nhận xét của đồng chí Giàng A Câu - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu khi nói về 10 đội viên trí thức trẻ đang công tác tại huyện.
Thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 TTT về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo của Bộ Nội vụ, huyện Trạm Tấu có 10 đội viên về công tác tại 10 xã vùng cao, trong đó 5 đội viên được phân công phụ trách về lĩnh vực văn hóa - xã hội, 5 đội viên được phân công lĩnh vực kinh tế - nông lâm nghiệp.
Thực hiện Dự án thí điểm tuyển chọn 600 TTT về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo của Bộ Nội vụ, huyện Trạm Tấu có 10 đội viên về công tác tại 10 xã vùng cao, trong đó 5 đội viên được phân công phụ trách về lĩnh vực văn hóa - xã hội, 5 đội viên được phân công lĩnh vực kinh tế - nông lâm nghiệp.
Để các đội viên yên tâm công tác, huyện đã tạo mọi điều kiện cơ sở vật chất để đội viên yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc giải quyết quyền lợi, chế độ, chính sách cho đội viên cũng được đảm bảo theo đúng Quyết định 70/2009/QĐTTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút TTT... như: được hỗ trợ ban đầu 10 tháng lương tối thiểu chung; trợ cấp thêm hàng tháng bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo; được thanh toán tiền tàu xe đi, về thăm gia đình khi nghỉ lễ, tết, theo quy định, được hưởng các chế độ phụ cấp như cán bộ, công chức xã trên cùng địa bàn và được hưởng thêm chính sách thu hút của địa phương.
Trí thức trẻ Hoàng Minh Thuật (bên phải ngoài cùng) trao đổi với lãnh đạo xã Bản Công về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Ban thường vụ Huyện ủy đã dành 1 tuần tổ chức tập huấn riêng cho 10 TTT về công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, phổ biến 5 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 14 của Đảng bộ huyện do chính các lãnh đạo chủ chốt của huyện trao đổi...
Với những kiến thức đã được học, được tập huấn, các đội viên TTT đã bước vào công việc với tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến cao, vì vậy đã tạo được sự đổi thay rõ rệt ở từng địa phương, điển hình như đội viên Mùa A Ninh ở Xà Hồ, đội viên Mùa A Lâu ở Tà Xi Láng vận động được 30 hộ gia đình không cho con tảo hôn, 27 hộ gia đình cho con đi lấy chồng không thách cưới cao, 13 hộ gia đình có người chết đưa vào quan tài... Ở các xã: Trạm Tấu, Pá Hu, Tà Xi Láng, Xà Hồ, Bản Công…, các đội viên đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động thành công người Mông vùng cao trồng ngô 2 vụ.
Tại xã Phình Hồ, đội viên Đặng Phúc Long còn mạnh dạn thuê 1ha đất để trồng ngô vụ xuân mô hình. Tại xã Làng Nhì, đội viên Lò Văn Khởi đã mạnh dạn xây dựng mô hình dự án nhỏ lẻ đối với hộ gia đình về chăn nuôi gà, lợn bản địa. Tại xã Túc Đán, đội viên Vàng A Giàng đã mạnh dạn phát động mô hình trồng rau xanh đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tập thể chung, bên cạnh đó có phương án chuyển đổi cây lâm nghiệp từ cây keo sang trồng cây trẩu và cây hồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng địa phương.
Mặc dù khát vọng cống hiến đã được khẳng định, song hành trình vận động đồng bào vùng cao cải tạo những phong tục không còn phù hợp với nếp sống mới của các TTT cũng gặp phải không ít những rào cản, khó khăn. Đội viên Mùa A Ninh ở xã Xà Hồ cũng là người con dân tộc Mông ở xã Pá Hu lên nhận nhiệm vụ, mặc dù rất thông thạo tiếng Mông cũng như thuộc làu các phong tục, tập quán bản địa nhưng trở ngại mà anh gặp phải lại là công tác vận động học sinh ra lớp.
Chia sẻ với tôi, Ninh cười: " Vì mình không phải người địa phương nên lời nói hình như chưa có trọng lượng, mình phải chật vật lắm mới vận động đảm bảo được tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần".
- Vậy tại sao Ninh không xin về xã nhà để cống hiến? Tôi hỏi.
- Thế thì còn gọi gì là TTT tình nguyện nữa! Phải ở những nơi vất vả mình mới rèn luyện được bản thân và chứng minh được năng lực của mình chứ - Mùa A Ninh khảng khái đáp.
Không thạo tiếng Mông, lạ lẫm với phong tục của đồng bào là rào cản của 6 đội viên khác, trong đó có Hoàng Minh Thuật - Phó chủ tịch UBND xã Bản Công được phân công phụ trách mảng kinh tế. "Gần 2 năm gắn bó với mảnh đất này, mình cố gắng vừa làm nhiệm vụ vừa học tiếng dân tộc thế nhưng không phải dễ . Hiện tại, đi đâu triển khai điều gì mình vẫn phải cần một phiên dịch viên đi cùng. Tóm lại, còn muôn vàn trở ngại mà mình phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa..." .
Tôi đã thấy được cái cố gắng ấy của Hoàng Minh Thuật khi cậu sinh viên thư sinh ngày nào giờ cũng quần xắn móng lợn, trở thành tay lái cừ khôi trên những con đường dốc trơn như đổ mỡ ra nương, ra ruộng, giống như những cán bộ xã lâu năm, anh trăn trở với cây ngô 2 vụ trên đất dốc.
Thành công của Thuật có được là uy tín của đồng bào dành cho anh được đánh đổi bằng những tháng ngày lặn lội ở cơ sở, ngày nghỉ không về thăm gia đình, không quản nắng mưa từ khi hạt ngô xuống hố cho đến khi trổ cờ phun râu, chắc hạt... Thế nhưng cái mốc 5 năm cũng làm Thuật trăn trở bởi khi thạo việc thì Dự án sẽ hết. Mong muốn của Thuật cũng như 9 đội viên khác ở Trạm Tấu là có "đầu ra" để các TTT yên tâm...
Đồng chí Giàng A Câu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trạm Tấu chia sẻ: "Tuyển các TTT có trình độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào các cơ quan ban, ngành của các xã sau khi hết dự án là một " đầu ra" có hậu nhưng cần có sự phối hợp chặt chẽ của Trung ương Đoàn với Bộ Nội vụ và các sở, ban, ngành liên quan. Huyện cũng mong muốn Trung ương Đoàn, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức các lễ tuyên dương TTT ở cả 62 huyện nghèo có thành tích xuất sắc để kịp thời động viên biểu dương những nỗ lực, cố gắng của họ với huyện nghèo…".
Khát khao cống hiến, mong muốn có một "đầu ra" vững chắc là mục tiêu chung của các TTT ở 62 huyện nghèo cả nước nói chung và huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu nói riêng. Song, với nỗ lực của họ, tôi tin những rào cản phía trước sẽ nhanh chóng được tháo gỡ..., vấn đề còn lại là mong một cơ chế, chính sách phù hợp để những TTT hôm nay tiếp tục được cống hiến sức trẻ cho sự phát triển chung của các huyện nghèo còn nhiều gian khó.