Tọa đàm “Về các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên”
17:12 21/08/2015 3432
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Đã có nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ và những đề xuất, kiến nghị tại buổi Tọa đàm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.
Chiều 21/8 tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Về các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên”.
Các đồng chí: Nguyễn Long Hải – Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam và Đỗ Xuân Lân – Quyền vụ trưởng Vụ phổ biên, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đồng chủ trì tọa đàm. |
Tại buổi tọa đàm, Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Long Hải khẳng định, nhiều văn kiện, văn bản của Đảng, Nhà nước đã xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Hằng năm, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các bộ, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên bởi đây là lực lượng xã hội to lớn, nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Những năm qua, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương tích cực triển khai thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương tới địa phương. Nội dung và hình thức tổ chức đa dạng, linh hoạt và dần hướng tới đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh thiếu niên trong đó, tiêu biểu là hoạt động phát huy vai trò của thanh thiếu niên tham gia xây dựng pháp luật, đề xuất các nhu cầu, nguyện vọng có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; duy trì và nhân rộng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở, chú trọng tới các giải pháp, mô hình giáo dục kỹ năng xã hội, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến. Việc nhân rộng và duy trì các mô hình hiệu quả được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để đưa pháp luật đến với thanh thiếu niên.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã dành thời gian đánh giá việc triển khai thực hiện các mô hình, kinh nghiệm, cách làm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên; làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân; những giải pháp tiếp tục hoàn thiện mô hình để đáp ứng nhu cầu của thanh thiếu niên nói riêng và yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung.
Quang cảnh buổi Tọa đàm |
Theo đồng chí Hoàng Minh Thanh - Cục C86, Tổng cục VIII, Bộ Công an cho rằng, giáo dục pháp luật cho phạm nhân, trại viên, học sinh trong độ tuổi thanh thiếu niên tại các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng là hoạt động có mục đích.
Từ tháng 6/2012 đến tháng 8/2015, các trại giam đã tổ chức 12.430 lớp giáo dục pháp luật cho trên 440 vạn lượt phạm nhân tham gia học tập, trong đó có 1.618 lớp giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma túy, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trên 566.357 lượt phạm nhân, tổ chức các cuộc thi như viết thư xin lỗi, vẽ tranh với chủ đề khát vọng hoàn lương để khơi gợi trong các em sự hướng thiện, cố gắng cải tạo tốt để sớm tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, “Giáo dục pháp luật góp phần hình thành tri thức, hiểu biết pháp luật phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân; giúp họ có khả năng hòa nhập cộng sống, biết sống và làm theo pháp luật sau khi chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính”, đồng chí Thanh nói.
Phó Trưởng Ban Chính sách của Trung ương Hội LHPN Việt Nam Đàm Thị Vân Thoa cho biết, trong những năm qua Hội đã xây dựng các mô hình lồng ghép hoạt động tuyên truyền theo các đề án và phát động phong trào “5 không - 3 sạch”, trong đó có nội dung của các gia đình cam kết không bạo lực, không vi phạm pháp luật ... Đồng thời, công tác tuyên truyền tập trung đến các đối tượng đặc thù, như: phụ nữ nông thôn, phụ nữ bị buôn bán trở về và với phụ nữ dân tộc thiểu số.. về Luật hôn nhân và gia đình để không tảo hôn, kết hôn đúng tuổi, đăng ký kết hôn ... qua đó đã những có tác động tích cực trong cộng đồng. Bên cạnh đó, Hội LHPN đã xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, công tác viên làm công tác tuyên truyền và đến nay đã tổ chức ở 63 tỉnh, thành tổ chức được gần 2.000 lớp tập huấn, riêng TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tổ chức được 800 lớp cho cán bộ, hội viên.
Tuy nhiên, đồng chí Thoa mong muốn làm sao có những tác động lâu dài để các mô hình truyền thông hoạt động ổn định lâu dài và có hiệu quả.
Đ/c Hoàng Minh Thanh - Cục C86, Tổng cục VIII, Bộ Công an trao đổi với buổi Tọa đàm |
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Nam Nguyễn Văn Trọng giới thiệu các mô hình tuyên truyền có hiệu quả của Đoàn thanh niên tỉnh Hà Nam |
Đại diện Tỉnh Đoàn Hải Dương giới thiệu với Tọa đàm về các mô hình của thanh niên đã và đang được triển khai trong tỉnh, như: Mô hình CLB tuổi trẻ với pháp luật; mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho thanh niên; mô hình Đội giáo dục đồng đẳng; mô hình Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin”; mô hình “Góc thân thiện”; mô hình KTX an ninh, trật tự và quản lý sinh viên ngoại trú ... Để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Tỉnh Đoàn Hải Dương nêu giải pháp nêu gương, cổ vũ những tấm gương thanh niên trong việc thực hiện tốt pháp luật cũng như góp phần bảo vệ pháp luật, như: gặp mặt thanh niên tiên tiến, biểu dương trên hệ thống thông tin đại chúng nói chung và của Đoàn, Hội ...
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Nam Nguyễn Văn Trọng cũng cho rằng, hạn chế của công tác này chính là còn nặng về hình thức, chưa chú trọng tới hiệu quả, một số địa phương còn thiếu linh hoạt trong lựa chọn hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phù hơp với trình độ, nhận thức của người được tuyên truyền.
Các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Tọa đàm sẽ được tổng hợp và gửi đến Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015”. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục có định hướng, giải pháp chỉ đạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các mô hình trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong thời gian tới.
Tweet