Tọa đàm trực tuyến "Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo - sau 1 năm nhìn lại"
20:33 05/05/2012 3282
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Sáng ngày 4/5 tại Hà Nội, Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo- sau 1 năm nhìn lại”.
Tham dự toạ đàm có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án; đồng chí Vũ Đăng Minh, Vụ Trưởng Vụ công tác Thanh niên Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án; đồng chí Lò Quang Tú, Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn; đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng; đồng chí Đặng Việt Cường,Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum; đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An và một số đội viên của Dự án tại các tỉnh: Bắc Kạn, Yên Bái, Quảng Nam, Kon Tum.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm trực tuyến |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã khẳng định dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch xã cho các huyện nghèo trong cả nước là một dự án quan trọng. Là một giải pháp rất tốt về tăng cường cán bộ ở cơ sở, để mà thực hiện mục tiêu, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững của chương trình 30a.
Theo đồng chí Vũ Đăng Minh cho biết, đến thời điểm này, Ban Quản lý Dự án đã tập huấn cho 559 đội viên, năm 2011 có 4 lớp, hiện đã xong và đã đưa các đội viên về cơ sở. Năm 2012 đã khai giảng 5 lớp, bắt đầu từ 24/2, một số đội viên đã đi thực tế tại các xã. Trong tuần tới sẽ đánh giá các lớp cho các tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, Phú Thọ.
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết thêm: Trong tổng số chỉ tiêu 600, thì 20 tỉnh đã tuyển 559 đội viên, còn thiếu 41. Do 2 nguyên nhân sau: Có tỉnh chưa tuyển đủ vì điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, như Lai Châu còn thiếu 12 đội viên. Tính bình quân tất cả các địa phương thì 85% các đội viên là trong tỉnh, riêng Lai Châu thì trên 80% là người ngoài tỉnh. Điện Biên cũng thiếu 4, Quảng Trị, Bắc Giang thiếu 1.
Nguyên nhân thứ hai là, trong quá trình thực hiện dự án, một số tỉnh có thay đổi về số lượng. Ví dụ Nghệ An trước kia có nhu cầu 38 đội viên, nhưng trong nhiệm kỳ đầu khóa 2011-2016, tỉnh này đã bổ sung được 14 cán bộ, nhu cầu giảm còn 26 đội viên. Hoặc như Lai Châu, đầu dự án được giao 64 chỉ tiêu, nhưng trong đầu nhiệm kỳ HĐND, tỉnh đã được bổ sung thêm 14 cán bộ.
Hiện dự án đã nhận được văn bản của Quảng Nam đề nghị tăng thêm 8 đội viên, Điện Biên đề nghị tăng thêm 16 cho huyện Mường Nhé…
Trao đổi tại tọa đàm, bạn Bế Thị Liên, Phó Chủ tịch xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Thuận lợi lớn nhất là nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; nhưng khó khăn khác là tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều. Ngoài ra, cơ sở vật chất cũng hết sức thiếu thốn, hiện sinh hoạt đang ở nhà dân.
Thuận lợi với Bạn Hoàng Chính Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nọi, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái là con em dân tộc tỉnh Yên Bái, nên nắm bắt, hiểu rõ hơn các khó khăn của bà con vùng sâu vùng xa; bên cạnh đó từng công tác tại xã, tham gia hoạt động đoàn thanh niên, được tiếp cận với công việc của các đồng chí lãnh đạo xã. Bên cạnh đó, Hữu cũng cho rằng có một số khó khăn mà rào cản đầu tiên là phong tục tập quán, bất đồng ngôn ngữ, điều kiện tự nhiên, đường xá, giao thông (đây là xã vùng sâu vùng xa). Ngoài ra, trình độ của các đồng chí lãnh đạo trong xã chủ yếu là trung cấp, nên gặp khó khăn trong công tác triển khai, áp dụng khoa học kỹ thuật, các chương trình dự án đầu tư cho xã.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia tọa đàm đã trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; sự quan tâm tạo điều kiện của các tỉnh đối với các đội viên đang thực hiện dự án; trao đổi về chính sách đối với các đội viên sẽ được thụ hưởng khi tham gia dự án.
Qua buổi tọa đàm, các đại biểu đều tin tưởng bằng ngọn lửa tuổi trẻ đang bùng cháy mãnh liệt ở khắp mọi miền sâu, xa vất vả nhất của Tổ quốc, các bạn trẻ đã thực sự cống hiến sức lực và trí lực của mình cho những đồng bào còn khó khăn, thiếu thốn hơn mình. Đồng thời, mong muốn những bạn trẻ khác đang có tâm huyết sẽ tiếp tục tìm hiểu và lại lên đường đến với các xã nghèo để thực hiện được hoài bão cao đẹp của mình.