Tin vào đổi mới, tin vào tuổi trẻ
09:26 02/01/2014 1760
Công tác tuyên truyền, giáo dục Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện rõ nét niềm tin vào đổi mới, sáng tạo, niềm tin vào tuổi trẻ đối với tương lai đất nước.
>> Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Trong thông điệp đầu năm mới 2014, một lần nữa, vấn đề đổi mới và hoàn thiện thể chế lại được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh như một yếu tố tiên quyết để bảo đảm cho sự phát triển đất nước trong dài hạn.
Điều này được thể hiện ngay từ tiêu đề cũng như dung lượng dành cho vấn đề thể chế trong bài viết của Thủ tướng. Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đề cập đến vấn đề này. Trước đó, câu chuyện về thể chế đã được Thủ tướng nhắc đến trong bản báo cáo về tình hình KTXH trình bày trước kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013.
Trong thông điệp đầu năm mới 2014, một lần nữa, vấn đề đổi mới và hoàn thiện thể chế lại được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh như một yếu tố tiên quyết để bảo đảm cho sự phát triển đất nước trong dài hạn.
Điều này được thể hiện ngay từ tiêu đề cũng như dung lượng dành cho vấn đề thể chế trong bài viết của Thủ tướng. Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đề cập đến vấn đề này. Trước đó, câu chuyện về thể chế đã được Thủ tướng nhắc đến trong bản báo cáo về tình hình KTXH trình bày trước kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với thanh niên ngày 14/12/2012. |
Theo đó, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những yếu kém, hạn chế hiện nay là “nhận thức trên một số vấn đề về chủ trương, quan điểm đã được đề ra vẫn còn khác nhau dẫn đến đổi mới thể chế, chính sách còn ngập ngừng, thiếu nhất quán”. Bài học kinh nghiệm là “trong bối cảnh mới, phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển”.
Trong bài viết đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ đã phân tích rõ hơn, cụ thể hơn về yêu cầu đổi mới thể chế mà bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước đặt ra.
Từ bối cảnh quốc tế, đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Yêu cầu đó cũng đến từ tình hình nội tại của đất nước, khi những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển và “đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”.
Những đòi hỏi mạnh mẽ và gay gắt đó của thực tiễn cuộc sống đã được Chính phủ nhiều lần nhìn nhận. Gần nhất, trong ngày cuối cùng của năm 2013, tại buổi làm việc với Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh cải thiện năng lực cạnh tranh là yêu cầu cấp thiết, dứt khoát chúng ta phải có những bước cải thiện, nếu không sẽ tụt hậu.
Vậy chúng ta sẽ trả lời như thế nào trước những đòi hỏi, yêu cầu đó? Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng khẳng định: “Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại” và “nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Nói cách khác, đổi mới và hoàn thiện thể chế là đáp án chung cho bài toán “năng lực cạnh tranh” trên toàn cầu và cả bài toán “động lực phát triển” trong nước. Đó cũng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đồng thời là một nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 xác định.
Phần sau bài viết của Thủ tướng tập trung làm rõ các giải pháp cho vấn đề “hoàn thiện thể chế”. Tất nhiên, trong khuôn khổ một bài viết, khó có thể đưa ra câu trả lời đầy đủ, hoàn chỉnh cho một vấn đề vĩ mô và quan trọng như vậy, song những giải pháp được đưa ra là “then chốt”.
Sẽ không dễ dàng để thực hiện những giải pháp đó, bởi vì đột phá thể chế cũng là thay đổi cách tư duy, cách suy nghĩ của chính chúng ta, mà tư duy thì bên cạnh khả năng vượt trước thực tiễn, trong nhiều trường hợp lại có sức ỳ rất lớn, với đủ các loại rào cản hữu hình, vô hình.
Nhưng cùng với những giải pháp đổi mới cụ thể đã được triển khai trong cuộc sống, những thông điệp trở đi, trở lại và ngày càng được nhấn mạnh của Chính phủ rõ ràng đã củng cố niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, bởi chúng thể hiện những tâm tư, những trăn trở ngày đêm về con đường đổi mới, với quyết tâm rất cao và hướng đi ngày một cụ thể hơn.
Các đoàn viên thanh niên trong buổi đối thoại với Thủ tướng |
Năm mới, bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành những dòng trân trọng để nói về tuổi trẻ. “Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế hệ trẻ nước ta được trang bị kiến thức ngày càng cao và phần lớn thường xuyên truy cập internet để giao lưu, học hỏi, khám phá và chiêm nghiệm thực tế. Thế hệ này đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế”.
Cũng trong những ngày cuối cùng của năm 2013, đối thoại với các sinh viên tại Đại hội đại biểu Hội Sinh viên toàn quốc lần thứ 9, lãnh đạo Chính phủ đã kết thúc bằng những lời nhắn nhủ, rằng “lớp trẻ phải đi đầu, phải quyết tâm khơi dậy sáng tạo, ý tưởng mới… Hãy hoài bão, hãy sáng tạo và cổ vũ cho sáng tạo”.
Còn nhớ, trong dịp Tết Bính Tuất-Tết Nguyên đán đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946, trong bức thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Có lẽ, những lời nhắn gửi tuổi trẻ của lãnh đạo Chính phủ cũng bắt nguồn từ suy nghĩ đó.
Tin vào đổi mới, sáng tạo, tin vào tuổi trẻ, đó chính là Mùa Xuân mới của tư duy và hành động.