Tiếp bước cha anh, tuổi trẻ làm tốt trách nhiệm của mình
09:25 30/01/2018 5073
Công tác tuyên truyền, giáo dục Ngày 29/01, tại TP.HCM, Trung ương Đoàn, Thành Đoàn TP.HCM phối hợp các tỉnh Đoàn cụm miền Đông Nam bộ và Đoàn thanh niên Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Quân khu 7 tổ chức tọa đàm “Vai trò của học sinh, sinh viên và trí thức trẻ miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”.
Tham dự có các đồng chí: Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư Trung ương Đoàn; Nguyễn Minh Triết - UV.BTV, Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn; cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên và các cô chú từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 50 năm trước và hơn 200 cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu.
|
||
Đêm hội Quang Trung bừng khí thế
Theo đồng chí Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TP.HCM, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc chiến của nhân dân ta, làm lung lay ý chí xâm lược của địch, buộc chúng phải từng bước “xuống thang” trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Học sinh, sinh viên và trí thức trẻ ở miền Nam lúc bấy giờ nói chung và Sài Gòn - Gia Định nói riêng là một trong những lực lượng chủ công trong các phong trào đấu tranh, nhất là đấu tranh bằng các hình thức vũ trang chính trị, biệt động, công khai. Đóng vai trò ở nhiều mặt trận, với nhiều nhiệm vụ khác nhau, học sinh, sinh viên và trí thức trẻ đã thể hiện truyền thống yêu nước, tham gia tích cực trong những ngày Xuân Mậu Thân lịch sử với khí phách vô cùng hào hùng.
Là người trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc tổng tiến công, đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, không thể quên hình ảnh hàng ngàn học sinh, sinh viên tham gia hoạt động cứu trợ, phục vụ hơn 22.000 đồng bào lánh nạn, tị nạn. Thông qua ngọn cờ công khai của Tổng hội Sinh viên, Thành đoàn đã tập hợp đông đảo hàng ngàn học sinh, sinh viên, tạo được thanh thế chính trị trong các giới đồng bào.
Các nhân chứng lịch sử và các đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ảnh Ngô Tùng |
Trong các phong trào học sinh, sinh viên và trí thức trẻ thời điểm ấy phải kể đến “Đại hội văn nghệ học sinh sinh viên mừng Tết Quang Trung” tại Đại học Quốc gia Hành chính (nay là Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM). Mục đích chính nhằm tập hợp hàng vạn quần chúng nhân dân để đấu tranh. Chương trình với nhiều tiết mục tuyên truyền bảo vệ văn hóa dân tộc, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, ca ngợi đất nước với nhạc cảnh Việt Nam gấm vóc, tiếng trống hào hùng, Hịch tướng sĩ…. Đêm hội đã thu hút hơn 12.000 thanh niên, sinh viên, học sinh để đánh một đòn tiến công chính trị ngoạn mục, trực diện vào đầu não Mỹ - ngụy Sài Gòn. Thể hiện sự sáng tạo, dũng cảm của lực lượng học sinh, sinh viên và trí thức trẻ Sài Gòn thời ấy.
Sống lại không khí hào hùng của đêm hội Quang Trung, đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành đoàn, chia sẻ: 50 năm nhìn lại mới thấy được hết bản hùng ca lịch sử của tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định. “Đó là đêm hội đúng nghĩa và hoành tráng nhất. Trên sân khấu tiếng hát hòa nhịp của hàng vạn người hòa trong hàng trăm ngọn đuốc trên tay của các học sinh, sinh viên làm sáng rực một góc trời. Tổng hội Sinh viên, đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên thỏa sức bày binh bố trận, một trận đồ ngoạn mục với đầy cạm bẫy bằng đủ âm thanh, ánh sáng. Tiếng hát và khí thế của đêm hội vang dội nhưng sâu lắng như lời hẹn ước kín đáo rung động trái tim tuổi trẻ Sài Gòn. Đúng 5 ngày sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nổ ra” - Đêm hội như đang diễn ra trước mắt đồng chí Nhật Tân. Cũng chính nhờ đã huy động được sức mạnh lực lượng từ đêm văn nghệ, các cơ sở Đoàn đã tập trung được lực lượng hỗ trợ đồng bào tránh nạn chiến sự an toàn.
Theo đồng chí Phạm Chánh Trực, điều làm nên chiến thắng của quân và dân ta trong trận đánh Xuân Mậu Thân chính là nhờ vào thế trận lòng dân ngay trong đô thị Sài Gòn. Chính sự chở che, bảo vệ của người dân trong các căn hầm chứa bí mật đã giúp chiến sĩ ta chiến thắng kẻ thù ngay trung tâm đầu não của chúng. Nhờ lòng dân mà ta có thể giấu được vũ khí, nuôi giấu, che chở, tiếp tế lương thực, thuốc men cho lực lượng. Và đây là thế trận địch không thể ngờ tới giúp quân ta tạo ra được đòn quyết định, tạo ngòi pháo cho mũi tiến công kẻ thù.
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Bí thư Thành Đoàn, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh TTXVN |
Vì độc lập, ngại gì hy sinh
Nhớ lại hình ảnh các đồng đội hy sinh trong đòn tấn công hiểm ác của kẻ thù, bà Trương Mỹ Lệ, nguyên quyền Bí thư Thành đoàn, thấy như sự việc mới diễn ra ngày hôm qua. Lần đó, khi đang làm nhiệm vụ dẫn một tiểu đoàn quân chủ lực chuẩn bị vào nội thành. Giữa đường, đụng độ lính Mỹ dẫn quân đi càn, quân ta dốc lực chiến đấu và tổ giao liên quyết định ở lại sát cánh cùng các anh. “Phát hiện chỗ chúng tôi trú ẩn, giặc dụ ra hàng, cả đội kiên quyết thà hy sinh hơn đầu hàng giặc. Trong giây phút sinh tử khi địch tàn ác ném lựu đạn xuống hầm trú ẩn, không chần chừ nghĩ suy, đồng chí Phạm Thị Thu Vân, ôm choàng lấy bé Đào (khi ấy mới 12 tuổi, cùng tổ giao liên) và tiếp theo là chị Sáu Thủy, Chín Phương gần đó cũng lập tức dùng người che chắn cho bé Đào. Chính nhờ sự chở che ấy mà Đào may mắn sống sót, còn 3 đồng chí ấy đã hy sinh anh dũng”, bà Trương Mỹ Lệ nghẹn ngào kể lại.
Vì sao họ có thể hy sinh thân mình khi tuổi đời chỉ mới 19, 20, thậm chí chưa ai có người yêu? Đến giờ phút này, bà Trương Mỹ Lệ vẫn nhớ như in tính cách của từng đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. “Tất cả vì lý tưởng, vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Chúng tôi ngày ấy không nghĩ đến tư lợi riêng mà mọi hành động, mọi hy sinh đều hướng về Tổ quốc thân yêu”, bà Trương Mỹ Lệ bày tỏ.
Cũng chính lý tưởng ấy mới có thể giúp bà Lê Thị Hiền (bí danh Năm Lan), chiến sĩ võ trang Nguyễn Văn Trỗi có thể vững vàng ý chí, tiếp tục cầm súng chiến đấu khi chứng kiến người đồng đội đang hứa hôn cùng mình và các đồng chí khác hy sinh. Với bà Hiền, thà hy sinh thân mình vì đất nước chứ không đầu hàng kẻ thù, làm tay sai cho giặc.
Còn trong trí nhớ của ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy, xuất phát từ lòng yêu nước, quyết hy sinh vì độc lập nên ngày ấy lớp lớp thanh niên có niềm tin vào Đảng, vào ngày giải phóng. Tình yêu đó to lớn đủ để họ có thể hy sinh cả tính mạng khi tuổi đời còn rất trẻ.
Mang theo cây đàn guitar 50 năm trước phục vụ trong đêm văn nghệ, ông Hoàng Đôn Nhật Tân đã giúp không khí buổi tọa đàm thêm sôi động hơn với bài hát Dậy mà đi.
|
Theo đồng chí Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong, Xuân Mậu Thân đã qua 50 năm, nhưng từ những câu chuyện của các cô chú đã giúp tuổi trẻ Việt Nam hiểu hơn về giá trị cũng như những đóng góp, hy sinh xương máu to lớn của cha ông. Chiến thắng ấy được đúc kết từ sự mưu trí, dũng cảm, ý chí, sức mạnh, tinh thần bất khuất của tuổi trẻ. Những câu chuyện được kể ra hôm nay chính là hành trang không thể thiếu, giúp tuổi trẻ ngày nay tự hào về truyền thống cha ông. Tinh thần của tuổi trẻ nói chung, vai trò của học sinh sinh viên tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân được thể hiện rõ bằng tất cả tinh thần và lực lượng.
Đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh: "Những cột mộc đáng tự hào của lịch sử dân tộc như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn là điểm tựa tinh thần quý giá đối với người thanh niên trong tiến trình hội nhập, là hành trang quý báu để người trẻ khẳng định rõ hơn bản sắc, vị trí của đất nước Việt Nam trong sân chơi toàn cầu".
“Trong điều kiện vô cùng khó khăn cha ông ta vẫn làm được, thì tuổi trẻ ngày nay cũng phải làm được. Chúng ta phải biết ơn, trân trọng những công lao ấy để hiểu và làm tốt hơn công việc, sứ mệnh, trách nhiệm của mình. Khi tin vào sự dẫn dắt của Đảng, chúng ta sẽ biết chung tay vì sự phát triển của đất nước”, đồng chí Lê Quốc Phong nhắn nhủ.