Thí sinh “chỉ biết bò” đi thi đại học trên đôi vai sư thầy

08:32 03/07/2014     1209

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Do khuyết tật bẩm sinh không thể đi lại được, em Nguyễn Mạnh Dương quyết tâm từ Hải Dương lên Hà Nội thi đại học với sự trợ giúp của sư thầy trụ trì chùa Cảnh Linh.

Do khuyết tật ở chân không thể đi lại được, từ nhỏ Dương đều phải nhờ bà mẹ cõng hay đạp xe đưa đến trường. Với niềm đam mê công nghệ, máy tính, điện tử, Dương quyết tâm dự thi khối A vào Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong kỳ thi đại học năm nay.

Nguyễn Mạnh Dương (cựu học sinh lớp 12 THPT Hà Bắc, Thanh Hà, Hải Dương) tâm sự, do mẹ phải đi làm tại công ty giày da, không xin nghỉ được nên nhờ sư thầy Thích Thanh Ngọc trụ trì chùa Cảnh Linh đưa lên Hà Nội để thi.

“Mẹ muốn đưa em đi nhưng mẹ không được xin nghỉ 3-4 ngày ở xưởng giày. Mẹ bắt đầu làm thêm ở đây được hơn 4 tháng. Bố mẹ bỏ nhau được vài năm, điều kiện gia đình khó khăn, một mình mẹ nuôi em ăn học”, Dương bắt đầu câu chuyện buồn của mình.

Dương sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh như cậu bé bình thường khác trong niềm vui hân hoan của gia đình. Nhưng 4 tháng sau khi chào đời, chân tay của em cử động yếu, chân tay nắm chặt, quắp lại. Bố mẹ khóc cạn nước mắt, cầu cứu hết các bệnh viện Hải Dương, Hà Nội để khám, châm cứu, chạy điện nhưng đều… vô vọng.

Khi cậu học lớp 4, bố mẹ cậu tiếp tục đưa cậu đến Hải Phòng để mổ với tia hy vọng cuối cùng. Nhưng việc mổ này chỉ khiến cho được đôi chân của cậu ngày càng yếu đi. Những ngày tháng chữa trị tiêm thuốc, phẫu thuật khiến cậu đau đớn, gầy gò. Nói xong, Dương khoe cơ thể hiện nay của mình chỉ khoảng hơn 40 kg.

Dương không biết rõ bệnh của mình, chỉ nghe nói hai chân bị bại liệt hay bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người ông. Còn đôi tay, đôi chân của em teo lại yếu đi nên Dương không thể làm được việc nặng, việc học đối với em cũng khó khăn.

Dương nhớ lại: “Từ khi bắt đầu đi học mẫu giáo đến hết lớp 12 bà ngoại và mẹ chở đi học, đến lớp chỉ có ngồi một chỗ trong lớp, hết giờ mẹ đến cõng ra xe đưa về. Ở trong nhà em di chuyển bằng cách bò bằng chân, tay, lớn lên khỏe hơn thì bám vào cầu thang, đồ vật để đi, nhiều lần bị ngã…”.

Nhớ lại kỷ niệm buồn ngày đi học, Dương thường bị bạn bè trêu trọc “đứa không chân”, “không đi lại được”, thậm chí bị bạn bè lấy đồ dùng học tập mà cậu không lấy lại được.

Dương hồi tưởng: “Lúc đó còn nhỏ thấy các bạn chơi ngoài sân trường, em thích lắm, em thường bò ra cửa lớp để xem. Ngày nhỏ em ao ước một lần được chơi nhảy dây với các bạn ấy….Bị bạn bè chê bai, trêu chọc em cũng buồn nhưng chẳng để ý mà phấn đấu học tập thật giỏi để không phụ lòng của bà và mẹ”.

Sư thầy Thích Thanh Ngọc thương hoàn cảnh tật bệnh của em nên nhận nuôi Dương từ khi em lên 8 tuổi cho biết, ngày xưa Dương chỉ bò thôi chứ không tự vịn vào gậy đi được. Hơn chục năm nay em chỉ bò đến nỗi chiếc quần nào của em cũng sờn rách đầu gối.

Hai thầy trò vui vẻ tiếp phóng viên.

Thầy Thích Thanh Ngọc (chủ trì chùa Cảnh Linh) quyết tâm đồng hành cõng Dương đi thi đại học.

Dù đôi tay có yếu, sức khỏe không tốt để ngồi học lâu nhưng Dương khoe rằng, hồi nhỏ cậu viết chữ gần như đẹp nhất trường. Từ tiểu học đến cấp 2, Dương đạt học sinh giỏi; nhưng đến cấp 3 do chuyện gia đình, bố mẹ chia tay nhau Dương học sa sút nên chỉ đạt học sinh tiên tiến. Cũng vì gia đình khó khăn với lại không tự đi lại được nên Dương không đi học thêm ở đâu, chỉ tự học tại nhà.


Mặc dù đôi tay yếu nhưng chữ của Dương được đánh giá đẹp.
Mặc dù đôi tay yếu nhưng chữ của Dương được đánh giá đẹp.
Do mâu thuẫn, bố mẹ Dương ly hôn cách đây hơn 6 năm, hai mẹ con chuyển về ở với bà ngoại. Nhiều lần chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, Dương buồn và từng nghĩ em là gánh nặng cho gia đình vì không đi lại được.

“Lúc đấy nghĩ đến sự vất vả của bà và mẹ nuôi ăn học, yêu thương vô điều kiện nên em tự nhủ phải cứng rắn để bước tiếp, phấn đấu đạt được ước mơ để giúp đỡ gia đình”, Dương trải lòng.

Dương hơi lo lắng, hồi hộp về kỳ thi này. Chiều nay, em lên Hà Nội bị say xe ô tô và cảm thấy hơi mệt.
Dương hơi lo lắng, hồi hộp về kỳ thi này.
Chiều nay, em lên Hà Nội bị say xe ô tô và cảm thấy hơi mệt.


Thu nhập từ vườn vải nhỏ của ông bà ngoại không đủ nuôi cả gia đình, thời gian gần đây, mẹ của Dương - cô Đặng Thị Tươi (37 tuổi) đi làm thêm ở xưởng giày gần nhà.

Cô Tươi cho biết, mỗi ngày đi làm từ 7 giờ sáng đến 5 chiều, có những hôm tăng ca đến 9 giờ tối với số tiền công 80 nghìn đồng/ ngày. Kể về đứa con trai của mình, cô Tươi tự hào: “Mỗi lần cháu mang giấy khen về khoe tôi rất vui. Dương rất tự lập, lạc quan, cháu luôn cố gắng đạt thành tích học tập, tôi thường động viên cháu nỗ lực vào đại học để sau này có nghề nghiệp ổn định”.

Chiều nay 2/7, em đã có mặt ở Hà Nội để sáng mai đến trường làm thủ tục dự thi. Sư thầy Thích Thanh Ngọc cho biết trong những ngày thi này, thầy sẽ cõng em đi thi tạo điều kiện cho em thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học của mình.

Trước kỳ thi quan trọng này, Dương cho biết em khá hồi hộp, lo lắng nhưng sẽ làm hết sức mình không phụ sự kỳ vọng của mẹ .