Thay lời tưởng niệm
12:59 19/03/2013 2127
Công tác tuyên truyền, giáo dục Ngày 14 -3 cách đây 25 năm, 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến không cân sức để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa.
Những ngày qua, báo chí trong nước, trong đó có những tờ báo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ đăng nhiều bài viết xúc động về cuộc chiến đấu ngoan cường, anh dũng của các chiến sĩ hải quân Việt Nam.
Cám ơn các nhà báo đã một lần nữa giúp cho bạn đọc cả nước, trong đó có rất nhiều bạn trẻ biết đến những điều chưa kể về những người chiến sỹ tuổi trẻ can trường, son sắt một lòng yêu nước…
Tôi từng 2 lần đến quần đảo Trường Sa, đặt chân lên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Đát Lát, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Lớn, Đá Lát, Trường Sa lớn… Cũng đã 2 lần qua vùng biển Gạc Ma, nhìn về đảo nhỏ mà lòng nhói đau vì mảnh đất thân yêu của Tổ quốc gần đó nhưng không đến được; mà căm, mà giận những kẻ cướp biển, cướp đảo.
Cám ơn các nhà báo đã một lần nữa giúp cho bạn đọc cả nước, trong đó có rất nhiều bạn trẻ biết đến những điều chưa kể về những người chiến sỹ tuổi trẻ can trường, son sắt một lòng yêu nước…
Tôi từng 2 lần đến quần đảo Trường Sa, đặt chân lên các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Đát Lát, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Lớn, Đá Lát, Trường Sa lớn… Cũng đã 2 lần qua vùng biển Gạc Ma, nhìn về đảo nhỏ mà lòng nhói đau vì mảnh đất thân yêu của Tổ quốc gần đó nhưng không đến được; mà căm, mà giận những kẻ cướp biển, cướp đảo.
Đồng đội ơi, an nghỉ nhé! Ảnh: Nguyễn Á
Những lần đi thăm đảo, được ăn, ở, sinh hoạt, tìm hiểu cuộc sống và huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Hải quân Việt Nam, tôi hiểu sâu sắc về những vất vả, gian lao, hy sinh to lớn của bộ đội Hải quân, và cũng hiểu tình cảm của thanh niên, của nhân dân đối với bộ đội Hải quân.
Tôi nghĩ: Gian lao, vất vả, hy sinh, thì bộ đội Hải quân gian lao, vất vả, hy sinh nhiều nhất, cả trong thời bình lẫn thời chiến.
Trên đất liền, dù khó khăn đến đâu, xa xôi cách trở đến đâu vẫn có hạnh phúc là được lăn mình trên đất, được nghe chim hót, tiếng suối chảy; được thoải mái rau xanh, được gặp gỡ nhiều người hoặc khi người thân đau ốm, việc trọng, có thể cắt phép về nhà.
Hải quân, nhất là cán bộ, chiến sĩ giữ đảo, nhà giàn, Hải đội, không thể như vậy. Đảo nhỏ, thân thuộc đến độ các chiến sĩ có thể quen từng viên sỏi, gốc cây. Thời bình mà cũng như là thời chiến, có chiến sĩ trẻ vừa cưới vợ đã phải biền biệt cả năm trời, con sinh ra không về kịp, nhớ vợ mà không thể gần gũi, bố mẹ mất không kịp về chịu tang… Phải ý chí lắm, quyết tâm lắm, can trường lắm mới có thể vượt qua khó khăn, thử thách đó.
Mỗi lần đi biển, tôi đều được tham gia lễ tưởng niệm chiến sĩ hải quân hy sinh. Tôi từng nghĩ: Có những chiến sĩ hy sinh đến hai lần. Lần thứ nhất là khi ngã xuống; lần thứ hai là không còn thân xác để trở về đất liền. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đã ngã xuống, dù hàng chục năm, như anh Lý Tự Trọng, người Đoàn viên thanh niên Cộng sản đầu tiên của chúng ta, sau 80 năm bị thực dân Pháp tử hình, vẫn có ngày được về quê. Còn khi các chiến sĩ hải quân ngã xuống, hy sinh trên biển – là ở lại mãi mãi với muôn trùng khơi.
Trong 64 chiến sỹ ngã xuống ở Gạc Ma, được biết, có một ít xương cốt đã được tìm thấy trong thân chiếc tàu Hải quân đắm sau 20 năm hòa lẫn với nước biển. Không phân biệt được của ai, tất cả đều trộn lẫn…
Dù các anh không về, nhưng đồng chí, đồng đội, nhân dân và thế hệ trẻ luôn hướng đến các anh. Và thật sự các anh đã về trên từng trang viết của các nhà báo, nhà văn, nhà thơ… Và các anh đã về khi rất nhiều, rất nhiều bạn đọc được đọc những dòng chữ viết về các anh…
Thành kính viết những dòng tưởng nhớ và tri ân các anh!