Thanh niên xã Yang Trung - Kông Chro với việc phát huy, giữ gìn giá trị truyền thống

10:50 30/08/2013     2226

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Không cần phải đến từng nhà, vận động từng người như trước, mỗi khi tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên, thì thanh niên làng TNang xã Yang Trung tự động tập trung đông đủ ở khu nhà rông truyền thống.

Công trình Nhà rông TN xã Yang Trung - Kôngchro
Công trình Nhà rông TN xã Yang Trung - Kôngchro

Nói là khu nhà Rông bởi không chỉ có nhà Rông truyền thống như nhiều làng khác, mà thanh niên làng TNang đã xây dựng được cho mình một nhà Rông riêng để sinh hoạt Chi đoàn, được duy trì định kỳ 1 tháng/1 lần, nội dung sinh hoạt phong phú: từ việc triển khai các hoạt động phong trào do Đoàn cấp trên phát động đến việc nhận xét, góp ý cho từng đoàn viên, đặc biệt là các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng được lồng ghép trong nội dung sinh hoạt. Nhờ đó mà Chi đoàn làng TNang là một trong những tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh trong nhiều năm qua. Việc xây dựng nhà Rông truyền thống của thanh niên luôn là niềm tự hào của mỗi đoàn viên thanh niên làng TNang và trở thành câu chuyện hấp dẫn cho những ai có dịp ghé thăm làng, bởi phải mất hơn 2 năm từ 2007 đến 2009 nhà Rông mới được hoàn thành với kinh phí hơn 70 triệu đồng và đặc biệt hơn khi từng công đoạn làm nhà, thậm chí đến từng cái cọc dựng cũng đều chứa đựng nhiều kỷ niệm với từng đoàn viên thanh viên. Anh Đinh Rơch - Bí thư Chi đoàn làng TNang, Yang Trung hồ hởi cho biết: “Hồi dựng nhà, mỗi người được phân công một nhiệm vụ, nam thì vào rừng hái lá tranh, dựng nhà còn nữ thì nấu ăn, lo nước uống cho các bạn nam. Mệt nhưng rất vui vì mình xây dựng nhà Rông cho đoàn viên, thanh niên để sinh hoạt và góp phần giữ gìn truyền thống mà”. Anh Đinh Văn Dý - Phó Bí thư Đoàn xã Yang Trung cho biết thêm: “Hồi đó khi làm nhà Rông thì Đoàn Thanh niên có tham khảo ý kiến của nhiều người già trong làng và cũng họp bàn bạc thiết kế làm theo kiểu gì. Ở đây các cột có hình chóp là tượng trưng cho búp măng non, với ý nghĩa tre già thì măng mọc, các thế hệ thanh niên trong làng tiếp tục tiếp nối và giữ gìn truyền thống”.

Niềm tự hào của Chi đoàn làng TNang không chỉ có nhà Rông thanh niên mà còn là đội cồng chiêng khá quy mô với 86 thành viên. Ban đầu chỉ có một hai người nhờ người lớn trong làng hướng dẫn, sau rồi người biết chỉ lại người chưa biết, người mới tham gia nhìn theo những người trước mà học theo. Đến giờ, trong làng thanh niên nào cũng đều có thể tham gia sinh hoạt cồng chiêng. Ở làng TNang, không cần phải chờ đến dịp lễ lạc của làng mà những điệu xoang, tiếng cồng chiêng đã là hoạt động thường xuyên trong mỗi lần sinh hoạt Chi đoàn. Nét văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy trong lớp thanh niên của làng TNang theo cách đó. Em Đinh Thị Duei - Thanh niên làng TNang cho biết: “Em hiện đang là học sinh lớp 11 trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. Nghỉ hè em mới về thăm làng, em rất vui khi được cùng sinh hoạt với Chi đoàn làng và múa cồng chiêng như thế này. Sau khi vào năm học, trở lại trường em sẽ chỉ lại cho các bạn khác điệu múa truyền thống của dân tộc em”.

Kinh phí để mua bộ cồng chiêng chỉ là một phần trong quỹ đoàn được tạo dựng nên nhờ hoạt động vần đổi công trong thanh niên và phong trào lao động gây quỹ. Tận dụng sức trẻ và nhiệt huyết của thanh niên, Chi đoàn làng TNang đã đứng ra nhận nhiều công việc trong làng để gây quỹ. Từ số tiền vài triệu ban đầu, Chi đoàn mua được đám rẫy hơn 1,2 ha trồng các loại cây ngắn ngày như bắp, đậu… Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đã mang về cho Chi đoàn hơn 40 triệu đồng. Ngoài việc mua sắm cồng chiêng và một số trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn nghệ, nguồn quỹ Chi đoàn chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn bằng cách mua bò, dê sinh sản trao luân phiên cho các hộ. Điều đáng mừng là hiệu quả mang lại từ phong trào gây quỹ hoạt động đoàn như Chi đoàn làng TNang không phải là duy nhất ở Kông Chro. Trao đổi với chúng tôi đồng chí Đinh Văn Súy - Phó bí thư Huyện đoàn Kông Chro cho biết: “Phong trào gây quỹ hoạt động ở các Chi đoàn xã Yang Trung và nhiều địa phương trong toàn huyện Kông Chro được thực hiện rất tốt tạo hiệu quả trong công tác đoàn kết - tập hợp thanh niên, hỗ trợ được cho đoàn viên khó khăn dần ổn định cuộc sống. Hình thức gây quỹ cũng rất phong phú và được đoàn viên hưởng ứng nhiệt tình”.

Mặc dù quy định về độ tuổi đoàn viên sinh hoạt trong tổ chức Đoàn là dưới 35 tuổi nhưng ở làng TNang có 100% đồng bào Bahnar, lại có không ít người tuổi đời đã ngoài 40 vẫn còn rất hăng hái và nhiệt huyết với phong trào Đoàn Thanh niên. Việc phát huy hiệu quả trong sử dụng nguồn quỹ Chi đoàn đối với nhiệm vụ tập hợp thanh niên cũng như nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức Đoàn là sự lý giải thuyết phục nhất cho vấn đề này. Thiết nghĩ, đây là môt mô hình hay cần phải nhân rộng đến các chi đoàn, nhất là chi đoàn có đông đoàn viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta học tập và làm theo.