Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số
22:32 26/09/2023 5713
Công tác tuyên truyền, giáo dục ĐTN: Tham gia diễn đàn “Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hoá trong kỷ nguyên số”, các đại biểu thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác đã có nhiều tham luận, trao đổi đề cao vai trò, sứ mệnh của thế hệ trẻ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số.
Trong khuôn khổ Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VII, năm 2023, diễn đàn "Thanh niên với sứ mệnh chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số" là một trong 6 diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến lhu hút sự tham gia thảo luận sôi nổi của các đại biểu.
Mỗi thanh niên là một sứ giả văn hóa
Đại biểu Trần Thị Thu - Bí thư Đoàn thanh niên xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động, sáng tạo của các thế hệ cùng sinh sống trên lãnh thổ hình chữ S này. Đó là toàn bộ những giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa tổ chức đời sống xã hội được hình thành, được gìn giữ, được trao truyền qua thời gian và không gian.
Tuy nhiên, cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đã và đang đặt ra rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, khó khăn. Làm thế nào để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chấn hưng văn hóa trong thời đại 4.0 đã là câu chuyện của tất cả mọi người, đặc biệt là thanh niên, thế hệ trẻ hiện nay.
Chị Thu cho rằng, để phát huy vai trò của thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì chính thanh niên phải nhận thức rõ ý nghĩa tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. “Chỉ có nhận thức đúng thì mới giúp thanh niên có những hành động đúng, có kế hoạch hiệu quả nhất”, chị Thu nhấn mạnh.
Theo chị Thu, mỗi thanh niên phải là một sứ giả văn hóa, phải làm sao để quảng bá tốt nhất văn hóa địa phương mình, đất nước mình. Là lực lượng thích ứng nhanh, tiên phong nắm bắt và làm chủ công nghệ cùng sự linh hoạt, sáng tạo, thanh niên cần chủ động học tập, nghiên cứu và trang bị kiến thức để có nhiều phương thức, giải pháp gìn giữ và quảng bá văn hóa dân tộc trên không gian mạng.
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, chuyển đổi số mang đến nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá. Đó là, sự xâm nhập của những sản phẩm “độc hại”đang tác động và ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ..…Thanh niên cần tiếp tục, kiên trì, đổi mới phương thức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa. Tận dụng tối đa ưu thế của không gian mạng và quá trình chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của dân tộc, những giá trị văn hoá độc đáo, đặc sắc của dân tộc; về vị trí, vai trò của văn hoá đối với quá trình phát triển đất nước
Chị Thu cũng nhấn mạnh đến vai trò của thanh niên trong xây dựng và phát triển môi trường văn hóa số. Thanh niên cần tích cực đóng góp ý kiến, xây dựng nên môi trường hoạt động vui tươi, phù hợp với thời đại qua các cuộc thi, các hoạt động đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa như thời trang, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, … từ đó tạo nên sức lan tỏa lớn trong thanh thiếu nhi.
“Thế hệ trẻ là đối tượng thụ hưởng nhiều nhất của các sản phẩm văn hóa, đồng thời là đối tượng có khả năng sáng tạo lớn nhất, tiềm năng nhất, đông đảo nhất tạo ra những sản phẩm văn hóa xuyên quốc gia mang đậm đà bản sắc dân tộc”, chị Thu nhấn mạnh.
Kết hợp truyền thống với đổi mới
ĐB Trần Thị Quỳnh, Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Khuyến (tỉnh Nam Định), cho rằng trong kỷ nguyên số, thanh niên tham gia gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một trách nhiệm thiên liêng.
Thanh niên hiện nay có sự sáng tạo và động lực để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa số độc đáo. Tuy nhiên, vẫn còn một số thanh niên bị mất kết nối với văn hóa truyền thống do áp lực từ văn hóa quốc tế và môi trường số hóa, sự thiếu hiểu biết và tự hào về văn hóa dân tộc cũng có thể là một thách thức.
Theo chị Quỳnh, nguyên nhân của thực trạng này là do sự tiếp cận rộng rãi của văn hóa quốc tế thông qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội, có thể làm mất đi sự tập trung vào văn hóa dân tộc. Ngoài ra, thanh niên thiếu sự định hướng, giáo dục về văn hóa truyền thống cũng góp phần dẫn đến thực trạng này.
Chị Quỳnh cho rằng thanh niên có vai trò quan trọng tham gia gìn giữ truyền thống văn hóa và nghệ thuật dân tộc. Họ có thể học và truyền đạt các nghiên cứu, câu chuyện và nghệ thuật truyền thống, giúp cho di sản văn hóa của dân tộc không bị lãng quên. Ngoài ra, việc kết hợp truyền thống với sự đổi mới là cách để văn hóa dân tộc không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong thời đại số hóa.
"Sứ mệnh của thanh niên còn là sự kết nối và giao tiếp giữa các cộng đồng và văn hóa khác nhau. Họ có thể sử dụng mạng xã hội, video trực tuyến, và các công cụ số chia sẻ câu chuyện, hình ảnh và nghệ thuật liên quan đến văn hóa dân tộc. Điều này giúp kết nối với mọi người trên toàn thế giới, tạo cơ hội cho việc trao đổi và học hỏi từ các nền văn hóa khác nhau", chị Quỳnh nói.
Kiều Anh Tweet