Thanh niên tham gia góp ý vào dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)
21:02 21/03/2015 2097
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Nhiều ý kiến đầy trách nhiệm của các giảng viên trẻ, đoàn viên, sinh viên đã tập trung góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Diễn đàn.
Sáng ngày 21/3, tại Học viện TTN Việt Nam (Hà Nội), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn “Phổ biến, lấy ý kiến thanh niên về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)”.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Tuyết – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Phan Chí Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Long Hải - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam; cùng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các Ban Trung ương Đoàn và hơn 200 cán bộ Đoàn, giảng viên trẻ, đoàn viên, sinh viên của các trường Đại học, Học viện trên địa bàn Thành phố đã tham dự Diễn đàn.
Thanh niên tham gia xây dựng pháp luật
Bộ luật Dân sự năm 2005 là một trong những đạo luật lớn và quan trọng bậc nhất của Việt Nam, có vai trò đặc biệt trong việc cụ thể hóa và bảo đảm thực hiện các quyền dân sự của cá nhân, cũng như bảo đảm môi trường pháp lý nền tảng cho tổ chức và hoạt động của các pháp nhân.
Đ/c Nguyễn Long Hải - Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam định hướng thảo luận tại Diễn đàn |
Các bạn sinh viên Học viện TTN Việt Nam tham dự Diễn đàn |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Bộ luật Dân sự 2005 vẫn còn những hạn chế, bất cập do yêu cầu về thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và đặc biệt là yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Do đó, việc xây dựng Bộ luật dân sự (sửa đổi) là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Ở Việt Nam, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, với 25.087.764 người, chiếm 27,7% dân số, có mặt ở tất cả các vùng miền, các lĩnh vực, ngành nghề của xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn luôn đánh giá cao thanh niên, coi thanh niên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Pháp luật đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong tham gia quản lý nhà nước và xây dựng chính sách, pháp luật, đó là: được “bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà mình quan tâm; tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách, pháp luật khác”; “các cơ quan, tổ chức trước khi quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên có trách nhiệm lấy ý kiến của thanh niên hoặc tổ chức thanh niên”. Như vậy, thanh niên có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật.
Thực hiện Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), trong những ngày qua, Bộ luật dân sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân cả nước, đã có nhiều ý kiến thiết thực, phù hợp của các tổ chức, cá nhân gửi về Bộ Tư pháp, về cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng trong nhân dân.
Hòa chung trong đợt sinh hoạt chính trị pháp lý này, với sức trẻ, trí tuệ, sáng tạo và trách nhiệm của mình, nhiều bạn trẻ đã chủ động nghiên cứu, trao đổi, thảo luận để đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể để cùng với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét quyết định.
Quang cảnh Diễn đàn |
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải trao đổi với Ban biên tập tại Diễn đàn đã cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) để thanh niên biết và hiểu hơn về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của thanh niên, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm công dân, của thanh niên trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Long Hải chia sẻ thêm, thông qua Diễn đàn “Phổ biến, lấy ý kiến thanh niên về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)” lần này, các bạn trẻ sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các bạn thanh niên khác trong cùng đơn vị, cùng lớp cùng trường, cùng chi đoàn, chi hội cùng tham gia thảo luận, chia sẻ suy nghĩ, quan điểm của mình để làm sao có thật nhiều ý kiến của thanh niên góp ý vào Bộ luật dân sự (sửa đổi).
”Chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến chất lượng, hiệu quả của các đại biểu. Các ý kiến góp ý của đại biểu sẽ được Ban Tổ chức Diễn đàn tổng hợp đầy đủ và trung thực gửi đến Tổ biên tập Bộ luật dân sự (sửa đổi)”, Đồng chí Nguyễn Long Hải nói.
Nhiều ý kiến đầy trách nhiệm của người trẻ
Tại Diễn đàn, Ban tổ chức đã dành thời gian và không gian để chuyên gia trao đổi một cách tổng quát nhất về Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng như định hướng thảo luận nhằm giúp các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về một số nội dung chủ yếu có liên quan trực tiếp tới thanh niên, như: các quyền nhân thân, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, vấn đề đại diên, giao dịch dân sự, như: hợp đồng vay tài sản và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như: cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng ủy quyền, thừa kế, quyền sở hữu trí tuệ ... đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung của Bộ luật dân sự có liên quan trực tiếp tới thanh niên.
Đại biểu Đỗ Thị Thúy Hằng – Đoàn TN Bộ Tư Pháp nêu ý kiến xác định lại giới tính của người chưa thành niên và quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính (Điều 40 dự thảo BLDS sửa đổi) đã cho rằng, theo quy định của dự thảo BLDS hiện nay thì: người đại diện theo pháp luật có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên trong các trường hợp luật định.
Đoàn viên Đặng Kiều Trang - Đoàn TN Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Thúy Hằng cho rằng, Dự thảo nên có sự cân nhắc đối với quy định này, bởi việc tiến hành phẫu thuật xác định giới tính không nên áp dụng cho đối tượng là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), hãy để cho người đó tự quyết định về giới tính, về bản thân con người mình.
Hằng lý giải ý kiến của mình, thực tế cho thấy nhiều trường hợp người liên giới tính từ bé được bố mẹ đưa đi phẫu thuật xác định giới tính nhưng sau khi lớn lên họ đã không hài lòng với giới tính được xác định nên đã đi phẫu thuật lại. Đây cũng là khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế về người liên giới tính, theo đó việc phẫu thuật đối với người liên giới tính chỉ nên được thực hiện khi người đó đã trưởng thành, được cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan để đưa ra một quyết định cho chính bản thân mình.
Tại khoản 4, Điều 40 của dự thảo BLDS (sửa đổi) hiện nay đang đưa hai phương án để lựa
"Các bạn trẻ tham gia góp ý vào dự thảo BLDS (sửa đổi) là cơ hội để thanh niên tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, chăm lo tốt hơn cho sự phát triển của thanh niên; đồng thời giúp thanh niên ngày càng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các hoạt động chính trị pháp lý của nước nhà". Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải nói. |
chọn việc thừa nhận hay không thừa nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính và đây đang là vấn đề được giới trẻ quan tâm. Về vấn đề này, Thùy Hằng đồng ý với phương án 2 và cho rằng, pháp luật nên ghi nhận quyền được phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người được chuyển giới và thừa nhận người chuyển giới, cho phép họ thay đổi giới tính thì tránh được những khó khăn và tranh luận không cần thiết khi định tội danh đối với những hành vi phạm tội mà có thể cấu thành tội hiếp dâm hoặc tội cưỡng dâm.
Đại biểu Trần Thị Tuyết Nhung – Học viện TTN Việt Nam trao đổi ý kiến về người mất năng lực hành vi dân sự tại điều 22, BLDS hiện hành quy định. Theo Tuyết Nhung nên bỏ quy định thủ tục tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự của Tòa án nhân dân và đề nghị sửa điều 22 như sau: ”Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nếu có kết luận của tổ chức giám đinh thì đương nhiên được xem là mất năng lực hành vi”.
Sinh viên Nguyễn Vũ Đức |
Đại biểu Tuyết Nhung cho rằng, nếu sửa đổi theo hướng này thì chế định giám hộ đối với người bị mất năng lực hành vi dân sự được thực hiện dễ dàng, thuận lợi hơn tránh gây ra những khó khăn, phiền hà về thủ tục cho nhân dân.
Trao đổi về thuật ngữ ”bên yếu thế” tại khoản 2, điều 138 của BLDS 2005 cũng như dự thảo BLDS sửa đổi, giảng viên trẻ Nguyễn Kim Oanh – Đại học Luật Hà Nội đã xác định bên yếu thế là những người chưa thành niên được quy định tại khoản 1, điều 37 Hiến pháp 2013 và điều 1 của Luật Bảo vệ Chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Tuy nhiên theo quy định của BLDS thì người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã được tham gia vào một số giao dịch dân sự phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Người chưa thành niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi được tham gia vào giao dịch trong phạm vi tài sản của họ trừ những giao dịch mà pháp luật quy định phải có đủ năng lực hành vi dân sự.
Theo Minh Oanh, người chưa thành niên là người phát triển chưa đầy đủ cả về tâm, sinh lý, thể chất và cả về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Do đó, khi tham gia vào các giao dịch nói chung và hợp đồng nói riêng, người chưa thành niên sẽ bị bất lợi trong quá trình đàm phán, ký kết cũng như thực hiện hợp đồng.
Ngoài các ý kiến nêu trên, nhiều ý kiến của các bạn trẻ, như: giảng viên trẻ Nguyễn Văn Hợi; các sinh viên: Nguyễn Vũ Đức và Dương Thị Yến ... cũng trao đổi nhiều nội dung đang được quan tâm về thành lập Hội; một số bộ phận trên cơ thể có được coi là tài sản; tài sản ảo có được coi là tài sản hay không ...
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại Diễn đàn |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, các ý kiến phát biểu tại diễn dàn của các bạn trẻ là rất thẳng thắn, thể hiện sự hiểu biết và có sự nghiên cứu rất kỹ Dự thảo BLDS (sửa đổi) để qua đó đã đặt ra những câu hỏi rất khó mà các nhà làm luật cũng như Ban soạn thảo đang quan tâm, có nhiều câu hỏi trùng với với việc trưng cầu ý kiến góp ý của nhân dân hiện nay. Đây sẽ là những ý kiến giúp Ban soạn thảo tiếp thu để điều chỉnh phù hợp, góp phần xây dựng BLDS sớm được hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn của xã hội, sự phát triển của đất nước và đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Thông qua Diễn đàn lần này đã tạo cơ hội để cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên chia sẻ, nêu quan điểm, chính kiến của mình về một số nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu trong dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm công dân của thanh niên.
Tweet