Thanh niên tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992

20:26 02/03/2013     4394

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Sáng 1/3, Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp bộ Hội, cán bộ Hội, hội viên và các tầng lớp thanh niên đối với việc sửa đổi Hiến pháp.

ỹ
Đồng chí Phan Văn Mãi- Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Đồng chí Phan Văn Mãi- Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và đồng chí Nguyễn Phi Long- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam chủ trì hội nghị.

Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng, nhân tố đảm bảo sự ổn định chính trị- xã hội và chủ quyền quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Là đạo luật cơ bản của Nhà nước, Hiến pháp có hiệu lực phát lý cao nhất trong hệ thống pháp luật. Lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của đất nước, cần sự tham gia rộng khắp, thực chất của nhân dân.

Đánh giá vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đa số ý kiến đều cho rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần giữ lại quy định tại Điều 66 của Hiến pháp hiện hành.

cnc
Đại biểu Thào Thị Thùy Linh

Đại biểu Thào Thị Thùy Linh- dân tộc Mông tỉnh Yên Bái nhấn mạnh việc cần thiết giữ lại, bổ sung, phát triển Điều 66 của Hiến pháp, theo đó, “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là điều khoản nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong xã hội, bởi thanh niên là bộ phận rất quan trọng của xã hội, tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc. Thanh niên có mạnh dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên; sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên và phụ thuộc vào việc bồi dưỡng, rèn luyện, đào tạo các thế hệ trẻ. Đại biểu cũng mong muốn các quy định của Hiến pháp sẽ được thực hiện 1 cách có hiệu quả.

Đại biểu Trịnh Công Thanh- Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội mong muốn giữ lại Điều 66 trong Hiến pháp hiện hành nhằm khẳng định vị trí, vai trò của thanh niên là chủ nhân hiện tại và tương lai của đất nước, là chỗ dựa để những thanh niên khuyết tật có thể phấn đấu hòa nhập cùng xã hội.

Đại đức Thích Thanh Cường- Hội phật giáo Hải Dương cũng cho rằng, Điều 66 đã quy định rất cụ thể và rõ ràng thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.
PGS Bùi Thế Duy, Giám đốc Học viện thanh thiếu niên Việt Nam, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam góp ý việc giữ lại điều 66 là rất cần thiết trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên, tạo tiền đề cho việc xây dựng các luật định về thanh niên.

Đồng quan điểm cần phải có quy định cụ thể đối với thế hệ trẻ trong dự thảo Hiến pháp nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 25 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên, Tiến sỹ Trần Văn Miều - Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên kiến nghị cần bổ sung thêm nội dung tuổi trẻ phải có trách nhiệm học tập rèn luyện để trở thành công dân tốt và nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, các đại biểu tham gia Hội nghị đã có nhiều đóng góp ý nghĩa, thiết thực về các vấn đề quan trọng khác của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.