Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Hơn 1000 thanh, thiếu niên tại Hà Nội hưởng ứng chiến dịch Hành động xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái với khẩu hiệu “Đừng vung tay, hãy cầm tay!” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đồng tổ chức.
Chiều ngày 10/12, đông đảo đoàn viên, thanh niên đã tham gia “Ngày hội thanh niên” hưởng ứng chiến dịch truyền thông xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại công viên Thống Nhất, Hà Nội. Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.
Thanh niên cùng chung tay tuyên truyền xoá bỏ nạn bạo lực phụ nữ và trẻ em gái
Trong những năm qua, cùng với các cấp, ngành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động ,giáo dục ĐVTN xây dựng những mô hình cộng đồng không có bạo lực gia đình. Đồng thời, Đoàn Thanh niên cũng đã huy động cộng đồng, đặc biệt là nam thanh niên và trẻ em trai cùng hành động để xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Các câu lạc bộ (CLB) của Đoàn, Hội như “CLB Gia đình trẻ”; “CLB Tiền hôn nhân”; “CLB Kỹ năng sống” được hình thành, duy trì và mở rộng đã bước đầu nâng cao được nhận thức, xây dựng thái độ và hành vi ứng xử tốt của thanh niên, học sinh, sinh viên trong việc nói không với bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em gái.
Đ/c Nguyễn Mạnh Dũng kêu gọi ĐVTN, học sinh, sinh viên xoá bỏ bạo lực phụ nữ và trẻ em gái
Trong không khí sôi động và sự hưởng ứng nồng nhiệt của ĐVTN, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng đã kêu gọi các cấp bộ Đoàn và các bạn thanh thiếu niên cùng chung tay xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái bằng các hoạt động cụ thể như: Tăng cường nhận thức cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình bằng các hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, sân khấu hoá; Lồng ghép nội dung vào sinh hoạt định kỳ và các hoạt động khác có liên quan của Đoàn, Hội; Tuyên truyền, vận động cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn quan tâm và tăng cường vai trò, trách nhiệm giáo dục cho con em mình về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình;
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình hoạt động hiệu quả của Đoàn, Hội; Thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, đào tạo, tập huấn phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ và thanh niên, học sinh, sinh viên; Các cấp Đoàn, Hội phối hợp với các tổ chức kiên quyết đấu tranh chống lại những hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái; Xây dựng các chương trình liên tịch, khai thác nguồn lực trong và nước để hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình hiệu quả dành cho thanh thiếu niên hơn nữa.
Ông Arthur Erken (ngoài cùng, bên phải) khẳng định “nam giới phải đi đầu trong việc thay đổi xã hội”. Mọi người cần coi trọng người phụ nữ- những người vợ, người mẹ, con gái và chị em gái như chính mình
Đông đảo các bạn thanh niên cho rằng, tuổi trẻ cần phát huy tính xung kích để gắn kết các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh với nhau trong việc nói không với bạo lực phụ nữ và trẻ em gái
Thanh niên giương cao khẩu hiệu “Đừng vung tay, hãy cầm tay!”
Đạp xe tuyên truyền xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
Thiếu nhi sôi nổi hưởng ứng Ngày hội thanh niên trong chiến dịch “Hãy hành động xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”
Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi của thanh niên và các em thiếu nhi như các tiết mục văn nghệ sôi động; nhảy flashmode; đạp xe diễu hành tuyên truyền xoá bỏ bạo lực phụ nữ và trẻ em gái;… đã thu hút được sự chú ý của đông đảo quần chúng. Được biết, đây là một trong 43 hoạt động hưởng ứng chiến dịch “Hãy hành động xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phát động từ ngày 18/11 đến ngày 16/12/2014.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhận, mà còn dẫn đến thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội, từ đó dẫn đến kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia. Theo số liệu Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố: Năm 2010, 58% phụ nữ đã từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tinh thần trong đời; 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công cộng. Trong năm 2012, chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP của Việt Nam.