Thanh niên chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu
15:23 19/03/2014 1388
Công tác tuyên truyền, giáo dục “Sáng kiến thanh niên thích ứng với biến đổi khí hậu” của 12 nhóm thanh niên ở 3 thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ đã góp sức giúp những hộ nghèo triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2012, Tổ chức Thách thức để thay đổi (CtC) của nước Anh phối hợp với Thành đoàn của 3 thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn và Cần Thơ tổ chức chương trình “Sáng kiến thanh niên thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Tham quan mô hình trồng rau thủy canh do thanh niên Đà Nẵng thực hiện. |
Được tuyển chọn từ 60 nhóm tham gia đóng góp sáng kiến vào công tác xây dựng khả năng thích ứng của cộng đồng tại khu vực đô thị, 12 sáng kiến đã được lựa chọn triển khai với số tiền từ 500-5.000 USD, đồng thời được hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên môn từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Hầu hết, các nhóm thanh niên khi đề xuất giải pháp luôn gắn liền với quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với từng vùng. Qua đó tạo cơ sở cho quá trình nghiên cứu, mở rộng mà không làm mất đi bản sắc của từng địa phương.
Tại Đà Nẵng, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đất trồng rau sạch trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ…
Nhận thấy vấn đề “nóng” của các hộ nông dân tại các khu vực này là thiếu đất để trồng trọt, cây trồng lại dễ bị hư hại do ngập lụt, nhóm DN03 (Đà Nẵng) đã thực hiện dự án “Trồng rau thủy canh” (trồng rau trong thùng xốp bằng dung dịch pha từ muối khoáng) ở vùng bị ngập lụt.
Ông Trần Hữu Vinh, Bí thư Chi bộ khu vực Bá Tùng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng), nơi đang triển khai dự án, cho biết năng suất đạt khá cao, chỉ từ 6 ly dung dịch đã thu hoạch được hơn 2 kg rau sạch. So với phương pháp trồng đất thường, nguồn rau sản xuất ra đảm bảo độ an toàn, nguyên liệu đầu vào lại rẻ, đỡ tốn nhân công và công chăm sóc so với cách trồng truyền thống. Đặc biệt rất thiết thực để trồng tại khoảng sân nhà khi quỹ đất thu hẹp và tiện lợi di dời trong mùa mưa.
Đến nay, nhóm đã triển khai dự án cho 16 hộ dân tại quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ, đạt kết quả khá tốt. Ngoài ra, nhóm đã tập huấn, giới thiệu về dự án của mình cho gần 300 lượt người dân trên địa bàn Thành phố.
Sáng kiến “Lựa chọn công nghệ phù hợp và đề xuất dây chuyền công nghệ xử lý nước nhiễm mặn ứng dụng xử lý nước nhiễm mặn phục vụ cấp nước cho một vùng ở TP. Quy Nhơn” của nhóm QN07 là một trong những dự án gây chú ý.
Anh Đặng Nguyên Thoại, trưởng nhóm QN07, Đại học Quy Nhơn, chia sẻ: Nhiều khu vực ở TP. Quy Nhơn đang phải sử dụng nước bị nhiễm mặn cao hơn tiêu chuẩn cho phép 3 lần. Dự án này đã giúp người nghèo có hệ thống nước sạch để sinh hoạt, từ đó cải thiện sức khỏe người dân trong vùng.
Nhóm QN07 đã lắp đặt thành công và bàn giao 15 hệ thống thiết bị xử lý nước nhiễm mặn cho những hộ gia đình chính sách tại TP. Quy Nhơn. Kết quả 100% hộ gia đình được lắp đặt thiết bị đều hài lòng với chất lượng nước sau khi xử lý; 80% hộ gia đình khác có nguyện vọng tham gia vào giai đoạn bổ sung của dự án. Phân tích chất lượng nước đầu ra cho thấy các chỉ tiêu đều đạt tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế.
Đến từ TP. Cần Thơ, nhóm CT24 cũng đã triển khai 1 dự án khá đặc biệt, tập trung vào cộng đồng dân tộc Khmer khó khăn. Đó là dự án lắp đặt hệ thống thu nước mưa từ mái nhà để tái sử dụng (qua bình lọc) cho sinh hoạt và làm mát mái nhà trong mùa hè. Để thực hiện dự án này, nhóm đã đi tìm hiểu thực tế những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất của Cần Thơ, đặc biệt là cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer, tìm tòi phương pháp và kiên nhẫn hướng dẫn bà con thực hiện. Chú trọng vào công tác truyền thông, dần dần nhóm đã góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng bà con người dân tộc Khmer và nhận được sự ủng hộ của nhiều gia đình khi đồng ý tham gia vào dự án.
Trong 12 dự án đã triển khai, còn nhiều dự án phù hợp với thực tiễn như tìm loại rau thích hợp giúp bà con nông dân ở Quy Nhơn vượt qua ngày bão lũ; đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương của ngư dân sống ven biển tại TP. Đà Nẵng… Các dự án đã tạo nên một bức tranh đa dạng về khả năng tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu.