Thanh niên Bắc Ninh làm giàu trên đồng đất quê hương

08:47 20/02/2014     1585

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: “Cuộc sống không ai giống ai. Mỗi người đều tìm cho mình một hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Với ước mong lập nghiệp trên chính đồng đất quê hương, tôi đã quyết tâm lựa chọn nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và thả cá theo mô hình kinh tế trang trại V.A.C…”
Đó là câu nói của anh Phạm Văn Dương, Bí thư Chi Đoàn thôn Lai Đông, xã Trung Chính, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Anh là một trong ba thanh niên tiêu biểu của Bắc Ninh được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2013. 
Đ/c Phạm Văn Dương – Bí thư Chi đoàn thôn Lai Đông, xã Trung Chính, huyện Lương Tài – tỉnh Bắc Ninh đang chăm sóc gia súc
Đ/c Phạm Văn Dương – Bí thư Chi đoàn thôn Lai Đông, xã Trung Chính, huyện Lương Tài – tỉnh Bắc Ninh đang chăm sóc gia súc



Ý tưởng lập nghiệp trên đồng đất quê hương của Phạm Văn Dương xuất phát từ khi anh tham gia công tác Đoàn, được đi nhiều nơi và chứng kiến các mô hình kinh tế trang trại V.A.C tiêu biểu của các đoàn viên, thanh niên khác trong và ngoài tỉnh. Hơn nữa, anh cũng nhận thấy người dân quê mình sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp nên nguyên liệu rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi. Xác định được những điều kiện thuận lợi thực tế ở địa phương, năm 2009, anh bàn bạc với gia đình, người thân mạnh dạn nhận thầu hơn 2.000 mét vuông ruộng trũng của địa phương để đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và thả cá theo mô hình V.A.C. Ban đầu anh gặp phải rất nhiều khó khăn do sự  phản đối quyết liệt từ phía gia đình, bởi vốn đầu tư quá lớn so với khả năng kinh tế sẵn có. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của mình, anh đã giải thích, thuyết phục được gia đình ủng hộ. Với số vốn tự có của gia đình, kết hợp với vay mượn bạn bè, ngân hàng, anh thuê máy móc, nhân công đào đắp, quy hoạch khu ruộng trũng thành ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Phạm Văn Dương bộc bạch: “Bắt tay vào làm thực tế, mọi việc đều không hề dễ dàng như bản thân nghĩ ban đầu. Một khó khăn nữa mà tôi gặp phải là thiếu kiến thức về chăn nuôi, đàn vật nuôi phát triển không tốt, có xảy ra dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao, thậm chí còn thua lỗ, nhiều lúc đã nghĩ tới việc buông xuôi. Tuy nhiên, anh vẫn quyết tâm làm lại.. Việc đầu tiên anh làm là tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Đoàn thanh niên và địa phương tổ chức. Mặt khác, tự tìm tòi nghiên cứu các loại tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi trên sách, báo, Internet, để ứng dụng vào mô hình của mình. Khi nắm vững được về kỹ thuật và những kinh nghiệm tích lũy ban đầu, anh tiếp tục đầu tư chăn nuôi theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, từng bước mở rộng khu chăn nuôi. Cứ như vậy, mô hình trang trại V.A.C đã không ngừng phát triển và cho thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, mô hình trang trại V.A.C của anh được xây dựng khang trang, khoa học với 5 dãy chăn nuôi lợn kiên cố, khu chăn nuôi gia cầm và ao thả cá. Bình quân hàng năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Không những làm giàu cho bản thân, gia đình, anh còn sẵn sàng giúp đỡ nhiều đoàn viên, thanh niên khác trong thôn cùng phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức như: cho vay con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi, giúp một phần vốn cho thanh niên bắt đầu khởi nghiệp…

Mặc dù bận rộn với công việc chăn nuôi nhưng Phạm Văn Dương vẫn tích cực tham gia công tác Đoàn ở cơ sở. Với phẩm chất nhanh nhẹn, nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong mọi việc, đặc biệt có khiếu thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt nên anh được đoàn viên, thanh niên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi đoàn thôn Lai Đông .