Thái Nguyên: Nữ thủ lĩnh Đoàn đam mê nghiên cứu khoa học
09:45 27/05/2014 1459
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Với những đề tài nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và sáng kiến, giải pháp được ứng dụng hiệu quả trong công tác Đoàn, vừa qua, chị Nguyễn Thị Lan (1987), Phó Bí thư chi Đoàn Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi Thái Nguyên, là một trong 2 cán bộ đoàn xuất sắc nhất toàn tỉnh vinh dự được nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2014.
Chị Lan kiểm tra, đánh giá tốc độ phát triển vườn cỏ giống |
Đam mê nghiên cứu
Mặc dù mới công tác 5 năm trong nghề, nhưng với niềm đam mê với những giống cây trồng, vật nuôi, chị đã tham gia 9 đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó nổi bật nhất là đề tài: “Áp dụng biện pháp đánh giá, tuyển chọn và xác định cơ cấu một số giống cây thức ăn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đồng cỏ thâm canh phục vụ chăn nuôi đại gia súc” đã được Hội đồng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Viện Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đánh giá cao.
Chia sẻ với chúng tôi về động lực để nghiên cứu đề tài, chị hóm hỉnh kể rằng: Thuở nhỏ nhà nhiều trâu, bò, hôm nào tôi cũng phải đi chăn dắt chúng khắp các đồng cỏ, bờ ruộng. Khổ nhất là vào mùa đông, gió thổi lạnh buốt, tôi vừa phải trông không cho chúng ăn lúa vừa phải giành bãi cỏ khô đét, trụi xác lơ với lũ trẻ trong làng để cho trâu, bò nhà mình được no bụng. Sau này khi “bén duyên” với nghề nghiên cứu cây trồng, vật nuôi, tuổi thơ vất vả đó đã thôi thúc tôi phải tìm tòi, chọn ra những giống cây thức ăn cho năng suất cao, đặc biệt chịu khô lạnh, phù hợp với điều kiện miền núi để đưa vào phục vụ cho công tác nuôi dưỡng đàn gia súc, đặc biệt là giải quyết vấn đề thiếu thức ăn cho vụ đông.
Sau những ngày không kể nắng mưa miệt mài chăm sóc, theo dõi, những giọt mồ hôi đổ mà chị đổ xuống đã “nảy mầm” thành đồng cỏ tốt tươi, mỡ màng, xanh ngắt một màu hy vọng giữa trời đông lạnh giá đầu năm 2013. Qua 3 năm nghiên cứu, chị đã tuyển chọn được một số giống cỏ phù hợp với điều kiện vùng núi, có khả năng chịu lạnh, chịu hạn tốt như giống cỏ Voi VA 06, Ghine TD58, Giống B. Mulato I và B. Mulato II, B. Brizantha và từ đó xây dựng vườn ươm nhân giống cung cấp hom giống cỏ các loại cho một số tỉnh như: Bắc Kạn, Hải Dương, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh....
Luôn tâm niệm “nói phải đi đôi với làm”, mặc dù khi đã trở thành người lãnh đạo (hiện chị đang giữ chức vụ Phó Trưởng trạm Nghiên cứu và sản xuất thức ăn chăn nuôi) song chị vẫn xắn tay cùng những công nhân tại Trung tâm bón phân, thu hoạch cỏ, cũng như chăm sóc đàn gia súc giống để làm gương cho mọi người noi theo. Chính vì thế nên dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng chị luôn được các đồng nghiệp trong cơ quan nể phục.
Tâm huyết với hoạt động Đoàn
Chị Nguyễn Thị Lan dự Lễ trao giải Lý Tự Trọng tại Hà Tĩnh |
Luôn đi đầu trong các phong trào Đoàn, đặc biệt phong trào “Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm”, hằng năm chị cùng Ban chấp hành chi đoàn tham gia xây dựng các nội dung hoạt động Đoàn, đưa ra những sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi và các mô hình trồng, chế biến cây thức ăn gia súc thông qua các chương trình tình nguyện do Thị đoàn Sông Công tổ chức.
Năm 2013, chị đã chủ trì phối hợp với thị Đoàn tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi trâu bò, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, kỹ thuật trồng chế biến thức ăn chăn nuôi cho 50 hộ nông dân trên xã Bá Xuyên và phường Mỏ Chè. Xây dựng 11 mô hình cây thức ăn chăn nuôi tại các xã Bình Sơn, Bá Xuyên với tổng diện tích trên 4.000m2. Tổ chức hội thảo về sử dụng phân bón cho 40 hộ nông dân và thanh niên tại hai xã Bá Xuyên và Bình Sơn nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác Đoàn, chị chỉ khiêm tốn nói: “Làm việc gì cũng cần xuất phát từ tấm lòng. Trong công tác tình nguyện chuyển giao kỹ thuật trồng cây thức ăn chăn nuôi cho bà con, tôi không chỉ tham gia 1 buổi, mà còn thường xuyên đến theo dõi sự phát triển của cây cho tới khi được cho thu hoạch. Dù vất vả, song mỗi khi nhận được những ánh mắt lấp lánh niềm vui và những cái xiết tay cảm ơn chân thành của người dân, tôi lại cảm thấy những nỗ lực của mình không hề vô nghĩa”.