Thái Nguyên: Bí thư Chi đoàn dám nghĩ, dám làm

17:04 19/05/2014     1303

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, có việc làm ổn định, nhưng anh Đào Văn Hiệp, sinh năm 1982, Bí thư Chi đoàn tổ 11B, phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên vẫn luôn tìm hướng phát triển kinh tế. Và anh đã chọn mô hình nuôi cua đồng, bước đầu đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Anh Hiệp với mô hình nuôi cua của mình
Anh Hiệp với mô hình nuôi cua của mình


Hiệp là công nhân Công ty Kim khí Gia Sàng, với mức thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống, không có tích luỹ. Không bằng lòng với công việc làm công ăn lương, với sức trẻ và niềm hăng say lao động, Hiệp luôn trăn trở làm sao khai thác được triệt để quỹ đất, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Hơn nữa, với cương vị là Bí thư Chi đoàn, Hiệp nghĩ mình phải mạnh dạn đi tiên phong trong phát triển kinh tế, không sợ thất bại. Gia đình có gần 1ha đất nông nghiệp nhưng 1 năm chỉ canh tác được 1 vụ, thời gian còn lại đất để hoang rất lãng phí.

Qua tìm hiểu trên mạng Internet, Hiệp nhận thấy cua là loài có giá trị dinh dưỡng cao, được nhiều người ưa thích nhưng nguồn cung thường không ổn định, trong khi đầu ra rất dễ tiêu thụ. Sau thời gian tìm hiểu, đến năm 2011, với số tiền 70 triệu đồng vay mượn từ anh em, bạn bè, tôi bàn với vợ cải tạo 300m2 ao để nuôi cua. Lứa đầu tôi nuôi khoảng 800kg cua đồng. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên để ao bị cạn nước, đàn cua nhà đã bị chết 80%. Lúc đó, vừa thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nhưng tôi không nản chí. Hết 8 giờ làm việc ở Công ty, về nhà tranh thủ tìm hiểu thông tin trên sách, báo, Internet về các chăm sóc cua. Mỗi lần mua cua giống về, tôi tuyển chọn từng con giống khỏe mạnh, không bị bệnh tật, đầy đủ càng và chân. Dần dà, tôi rút kinh nghiệm khi thả cua không nên thả trực tiếp xuống ao mà phải thả từ mé bờ ao cho cua tự bò xuống ao, ruộng tránh hiện tượng cua bị sốc môi trường. Ruộng, ao nuôi cua phải có che chắn xung quanh để cua khỏi bò đi. Ngoài ra, tôi còn thả bèo, nuôi cây mon để làm bóng mát cho cua và luôn giữ mực nước trong ao ổn định, không để cạn. Thức ăn chủ yếu của chúng là cám gạo, hến, các loại cá nhỏ... phải còn tươi, không bị ôi thiu, nấm mốc.

Hiện nay, gia đình anh Hiệp nuôi trên 5 tạ cua giống. Cứ 4 tháng là gia đình anh được bán 1 lứa, được khoảng 700kg, với giá bán 100 nghìn đồng/kg. Ban đầu gia đình anh phải đem bán ở chợ nhưng nay đã có các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đến tận nơi đặt mua hết. Nhận thấy mô hình nuôi cua đồng không mất nhiều công chăm sóc, chi phí ít, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tháng 1-2014, anh Hiệp tiếp tục cải tạo 1.000m2 đất ở rìa sông để nuôi cua. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, trên diện tích ao sẵn có, anh còn thả thêm các loại cá như: chép, trôi và cả lươn, trạch. Mỗi năm, gia đình anh còn thu hoạch được 3 tạ cá các loại với giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg và 4 tạ lươn, trạch với giá bán 180 nghìn đồng/kg. Tổng thu nhập trung bình mỗi năm gia đình anh cũng có trên 150 triệu đồng (trừ chi phí).

Ngoài ra, gia đình anh còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua, anh Hiệp nói: Ao nuôi nuôi cua phải chủ động được nguồn nước sạch, không bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, nhất là thuốc bảo vệ thực vật. Người nuôi cần thay nước định kỳ khoảng 1 tuần/lần để kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh. Nuôi cua đồng chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, nguồn giống chỉ cần đầu tư lúc đầu, nếu được chăm sóc tốt sẽ sinh sản rất nhanh. Hơn nữa, đây là giống nuôi có khả năng chống chịu bệnh tật cao, chi phí chăn nuôi thấp.

Không chỉ đi tiên phong trong phát triển kinh tế, anh Hiệp còn luôn chia sẻ kinh nghiệm với các thanh niên có nhu cầu đến tìm hiểu. Chưa bằng lòng với những thành quả đã đạt được, hiện nay, anh Hiệp còn đang tiếp tục tìm hiểu và thử nghiệm mô hình nuôi cóc, nuôi cá Bống tai tượng.

Anh Nguyễn Ngọc Đức, Bí thư Chi đoàn phường Tân Lập nhận xét: Anh Hiệp là Bí thư Chi đoàn gương mẫu, không ngại khó, ngại khổ, hết mình vì công việc chung. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh đã được nhiều đoàn viên thanh niên ở các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh lên tham quan, học tập kinh nghiệm. Thành công bước đầu từ mô hình nuôi cua thương phẩm của gia đình anh đã góp phần mở ra hướng làm kinh tế mới cho thanh niên địa phương.