Tập làm phó chủ tịch xã

17:49 18/03/2012     5488

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Những ngày thực tập ở xã cũng đã hết. 23 đội viên dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện làm phó chủ tịch xã ở các huyện nghèo của tỉnh Nghệ An lại khăn gói vào Quảng Bình tiếp tục “vượt rào” lần cuối.
Chắc chắn các em sẽ có những báo cáo thực tập đầy ý nghĩa và sẽ có nhiều đề tài, mô hình phát triển kinh tế thuyết phục. Nhưng vẫn là chưa đủ, cửa ải khó khăn nhất, thước đo tín nhiệm cho họ là những lá phiếu của hội đồng nhân dân để quyết định những “ông trẻ”, “bà trẻ” ấy có xứng đáng là phó chủ tịch xã hay không. Khó nhọc đấy, cam go đấy!

“Ông trẻ”, “bà trẻ”  về bản

Dù đôi khi còn bẽn lẽn, nhưng Trà My rất có dáng của một nữ phó chủ tịch
Dù đôi khi còn bẽn lẽn, nhưng Trà My rất có dáng của một nữ phó chủ tịch
Dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện về các xã nghèo đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới trẻ trong cả nước. Nghệ An được phân bổ 26 người, nhưng đã có 128 thanh niên đăng ký tham gia. Qua ba vòng loại, một cuộc phỏng vấn, thật là ngang sức ngang tài. Và, 23 gương mặt xuất sắc nhất, xứng đáng nhất đã được lựa chọn.

Tôi đã theo chân một số đội viên về huyện Tương Dương để tập làm phó chủ tịch xã. Cảm nhận đầu tiên của tôi là không hề dễ dàng tí nào. Chưa nói đến điều kiện làm việc, trình độ dân trí, tỉ lệ hộ nghèo... mà chỉ cần những cơn mưa rừng não nề cũng có thể “quật ngã” các cô, các cậu. Về đây, hình như điều thuận lợi duy nhất mà các “ông trẻ”, “bà trẻ” nhận được là tấm lòng của dân bản. Nghe nói sắp có thêm một phó chủ tịch rất trẻ, bà con mừng lắm, ai cũng bảo: “Nó còn trẻ, nó giỏi mới được làm phó chủ tịch để giúp dân bản thoát nghèo. Ta mừng lắm. Ta hết lòng giúp đỡ nó mà”. Nghe những lời ấm áp ấy từ bà con, tôi mừng thay cho các bạn trẻ.

11 giờ trưa ở xã Thạch Giám. Lô Thị Trà My hớt hải về từ đám tang đồng chí xã đội phó. “Hôm qua còn vui vẻ tổ chức ngày 8.3 cho chị em, thế mà hôm nay đã ra đi rồi” - Trà My buồn bã thông báo cho chúng tôi về cái chết bất ngờ của đồng chí xã đội phó. Tôi nhận ra, dự tang lễ, hiểu về tang lễ cũng như phong tục, tập quán, đời sống tâm linh của bà con cũng là việc mà một phó chủ tịch xã cần phải học.

Tuy còn rất trẻ, thỉnh thoảng còn tỏ ra bẽn lẽn, ửng hồng đôi má, nhưng Trà My rất có dáng của một cán bộ lãnh đạo. Ăn nói khúc chiết, cuốn hút, lại thêm nụ cười rất tươi... Cô sinh năm 1986, nhà ở huyện Con Cuông. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I, Trà My xin làm hợp đồng cho dự án 30A. Năm 2011, nhận được thông tin về dự án trí thức trẻ tình nguyện về các xã nghèo, cô đã làm hồ sơ ngay. “Em thấy mình đầy đủ các tiêu chuẩn để trở thành một phó chủ tịch xã. Và em tin mình sẽ làm tốt. Thế là nộp hồ sơ, không hề do dự” - Trà My cho biết.

Bốn tuần ở xã, Trà My đã rất thông thạo tình hình các bản. Cô cho biết, đã dự họp với cả 9 bản trong xã, bà con quý lắm. Họp với bà con, ngoài việc sinh hoạt với dân, tìm hiểu tâm tư tình cảm..., nhiệm vụ của Trà My còn rất nặng nề, là tham vấn họ để lập đề án phát triển kinh tế của xã. Theo cô, mô hình phù hợp với các điều kiện ở đây là trồng cỏ VA06 và chăn nuôi bò nhốt chuồng. “Thạch Giám có đàn gia súc lớn, nhưng diện tích trồng cỏ rất ít, trong lúc đất trống còn nhiều. Bà con lại có thói quen chăn nuôi gia súc thả rông, dễ mắc dịch bệnh, chết rét... Đợt rét vừa rồi, đứng nhìn trâu bò chết mà lòng em quặn đau” - cô tâm sự.

Riêng tôi lại rất ấn tượng về câu chuyện ứng xử như một phó chủ tịch xã thực thụ của Trà My. Hôm ấy cô dự họp với bản Thạch Dương để xét đối tượng được cấp bò dự án. Bản có đến 56 hộ nghèo, nhưng bò thì chỉ được 8 con. Ai cũng giơ tay khẳng định, mình vừa nghèo nhất, vừa đủ các điều kiện để được nuôi bò. Cuộc bình chọn rất căng thẳng, cán bộ của bản hết sức lúng túng. Trà My phải quyết định chia số hộ dân ra thành 8 nhóm, mỗi nhóm bầu chọn ra một hộ nghèo đáp ứng được các tiêu chí theo quy định. Chẳng mấy chốc, 8 hộ gia đình đủ tiêu chuẩn đã được lựa chọn, không ai tị nạnh ai.

Chẳng thế mà ông Lương Văn Ngoạn - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Giám - chắc nịch: “Huyện mà điều Trà My đi làm phó chủ tịch xã khác là chúng tôi sẽ kiện đấy”.

“Là liều thuốc thử”

Ông Kha Văn Thường - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái - chậm rãi khi nhận xét về đội viên Vi
c
Vi Viết Kiều ấp ủ mô hình "nuôi gà thả vườn" ở xã Tam Thái
Viết Kiều: “Chúng tôi chỉ mới nói được rằng, anh Kiều hăng say học hỏi, nhiệt tình trong mọi hoạt động của xã. Còn nhận xét gì thêm nữa thì chưa dám đâu. Tất cả mới chỉ là ban đầu, anh Kiều còn phải phấn đấu nhiều”. Dẫu rất vui, rất mừng khi có thêm phó chủ tịch mới, nhưng phải thừa nhận rằng, cán bộ địa phương cũng rất thận trọng. Và ngay cả trí thức trẻ cũng phải nỗ lực hết mình, vì không phải ở đâu, lúc nào việc gì cũng thuận lợi.

Tôi hỏi Kiều: Liệu em đã nghĩ đến việc sau 5 năm, biết đâu mình không còn là phó chủ tịch nữa, không là công chức?  Kiều rất tự tin: “Em biết rõ điều đó, vì vậy con đường duy nhất của em là phấn đấu ngay từ bây giờ. Chỉ có phục vụ tốt thì nhân dân mới ghi nhận, em nghĩ mình sẽ làm được”. Tôi tin lời Kiều không phải bằng lời nói, mà bằng chính đề án cậu đang xây dựng: “Nuôi gà thả vườn”. Mô hình có vẻ giản đơn, nhưng để thay đổi được thói quen của bà con thì không đơn giản tí nào. Hơn nữa, với điều kiện khó khăn về mọi mặt như ở xã Tam Thái, mô hình này là khả thi và có thể thực hiện ngay.

Nếu như Trà My và Kiều đã từng tham gia các dự án thì Vi Văn Miên - thực tập sinh ở xã Tam Đình - chưa hề có một chút kinh nghiệm thực tế. Ra trường, Miên nộp hồ sơ dự tuyển làm phó chủ tịch xã luôn. Nhìn vị phó chủ tịch tương lai còn búng ra sữa thế này thật là ái ngại. Nhưng có làm việc, có đi bản với Miên mới biết người trẻ giỏi giang thật.

Cậu chia sẻ: Khi nộp hồ sơ dự tuyển làm phó chủ tịch xã, em nghĩ ngay về kế hoạch xóa nghèo. Vì vậy, kể cả khi học, khi đi thực tập và tới đây, em dành thời gian, công sức để trả lời bằng được câu hỏi: Làm sao để bà con ở xã Tam Đình thoát nghèo? Miên kể, chính vì câu hỏi ấy mà đề án của Miên đã thay đi đổi lại rất nhiều lần. Đầu tiên, Miên định xây dựng mô hình trồng cỏ, nhưng thổ nhưỡng, khí hậu ở đây không phù hợp. Thế là bỏ. Tại sao mình không bắt đầu bằng đặc sản của địa phương? Tại sao không để những cây, những con của Tam Đình trở thành hàng hóa? Tại sao người dân ở đây được tham gia nhiều lớp tập huấn, nhưng không mấy hiệu quả?

 
Vi Văn Miên kiểm tra chuồng trại chuẩn bị nuôi lợn đen


Về với dân, Miên đã nhận ra, bà con được tập huấn nhưng không có mô hình trình diễn, không có thực tế nên không thấy hiệu quả. Rồi có chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ cho dân phát triển chăn nuôi, Miên mừng lắm, cùng các anh cán bộ xã vận động  anh Lô Văn Phúc và ba hộ khác ở bản Quang Phúc thực hiện mô hình nuôi lợn đen bản địa. Theo Miên, đây là giống lợn quý có giá bán rất cao, là đặc sản của Tam Đình. Hôm chúng tôi có mặt, anh Phúc đã làm xong chuồng trại, chờ ngày tốt đón lợn về. Anh nói: “Mình vui lắm, tin tưởng cán bộ mới, mình sẽ làm đúng theo chỉ dẫn của cán bộ”.

Bên khu chuồng trại nhà anh Phúc, Miên thủ thỉ với tôi: “Hiệu quả công việc sẽ quyết định tất cả, anh ạ. 5 năm nữa, nếu bà con ở đây phần lớn thoát đói nghèo thì em chẳng phải lo gì công ăn việc làm cho mình nữa”.

Tôi mang theo những tâm tình của các bạn trẻ chia sẻ với ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - ông nói: “Đây là liều thuốc thử cho cả hai phía”. Ông Cảnh rất thẳng thắn: “Đưa trí thức trẻ về xã là một bước đột phá về công tác cán bộ, là cơ hội tốt không chỉ cho các bạn trẻ mà cho cả huyện và xã. Phải thay đổi đi lối tư duy cũ rích về công tác cán bộ, phải bỏ đi kiểu sống lâu lên lão làng”. Và ông cũng chia sẻ nhiều nỗi niềm băn khoăn: Với thời hạn 5 năm làm phó chủ tịch xã, rồi lại phải qua bầu cử, liệu các em có được môi trường làm việc tốt không. Nơi khát cán bộ họ sẽ đón nhận các em và tạo điều kiện thuận lợi, còn nơi có người ở đó đang chờ, liệu họ có gây trở ngại cho các bạn trẻ không. Biết đâu lợi dụng 5 năm này, một số cán bộ địa phương sẽ tìm cách để đánh bật anh em ra... “Theo tôi, nên sửa đổi theo hướng tăng biên chế và bổ nhiệm trực tiếp phó chủ tịch xã. Có như thế thì anh em mới an tâm để cống hiến”.