Tạo động lực thúc đẩy thanh niên phát triển

16:55 17/06/2020     2970

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi), anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã có những chia sẻ xung quanh việc sớm đưa Luật vào cuộc sống, tạo động lực thúc đẩy thanh niên phát triển, khẳng định vị thế.

Thưa anh, Luật Thanh niên (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới tiến bộ nào?

Luật Thanh niên (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ chín gồm 7 chương, 41 điều. Có nhiều điểm mới của Luật (sửa đổi) so với Luật 2005, và đó cũng chính là những điểm tiến bộ.

Thứ nhất, đó là việc giành toàn bộ chương II với 4 điều để xác định trách nhiệm của thanh niên, bao gồm trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước và xã hội, gia đình và bản thân. Việc xác định trách nhiệm của thanh niên trong Luật không chỉ là sự đòi hỏi, kỳ vọng, mong muốn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội với thanh niên mà đó còn là sự định hướng lối sống, văn hoá, những phẩm chất cần có của mỗi thanh niên trong quá trình hoàn thiện, phát triển. Đó cũng là những gợi mở để các tổ chức có liên quan thiết kế, tạo môi trường, điều kiện, cơ chế để thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình.

Thứ hai, Luật đã tiếp cận được các nhóm chính sách thiết yếu thúc đẩy thanh niên phát triển, sát với nhu cầu thực tế của thanh niên. Đó là các chính sách về học tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, chăm lo sức khoẻ thanh niên, bảo vệ Tổ quốc… Đây là các nhóm chính sách cần có, cần được cụ thể hóa để tạo môi trường cho thanh niên phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân tốt của đất nước.

Thứ ba, các nhóm đối tượng thanh niên được đề cập trong Luật tập trung hơn, đặc biệt là quan tâm đến các nhóm thanh niên tích cực, có khả năng dẫn dắt, tác động, ảnh hưởng tốt tạo sức lôi cuốn thanh niên tham gia. Thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên tài năng được xác định rõ hơn về nội dung chính sách riêng. Luật cũng đã đề cập đến lực lượng thanh niên Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ tư, các tổ chức của thanh niên như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam đã được quy định các điều kiện thuận lợi để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ. Đây là môi trường tốt để tập hợp, đoàn kết, phát huy thanh niên và phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước về thanh niên tham mưu xây dựng chính sách, giám sát quá trình thực hiện Luật và các chính sách cho thanh niên.

T.Ư Đoàn có lộ trình đưa Luật vào cuộc sống, vào thanh niên như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của thanh niên cũng như khẳng định được vị thế của thế hệ trẻ, thưa anh?

Triển khai Luật Thanh niên được xem là nhiệm vụ quan trọng của T.Ư Đoàn. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ- cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, cũng như các bộ, ngành khác trong quá trình xây dựng các văn bản dưới Luật, hiện thực hoá các chính sách đã xác định trong Luật. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan mà còn cần sự chủ động của T.Ư Đoàn trong nắm bắt nhu cầu, điều kiện cụ thể của thanh niên để chính sách thiết thực, tạo động lực thúc đẩy thanh niên trong rèn luyện, học tập, lao động, khẳng định và phát triển.

T.Ư Đoàn sẽ đổi mới phương thức tuyên truyền, giới thiệu về Luật đến thanh niên. Hiểu Luật, hiểu trách nhiệm, hiểu những cơ chế, chính sách dành riêng cho mình sẽ giúp thanh niên chủ động trong tiếp cận cơ hội, khắc phục những hạn chế và nhanh chóng trưởng thành, phát triển nhanh hơn và có nhiều đóng góp hiệu quả hơn cho sự phát triển của đất nước.

Cảm ơn anh!

 

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.


“Chúng tôi sẽ chủ động đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho thanh niên, cho Đoàn- Hội những nhiệm vụ, công trình có thể phát huy tiềm năng, trí tuệ, năng lượng dồi dào, phong phú của tuổi trẻ. Các nhiệm vụ giao cho Đoàn sẽ được chúng tôi đổi mới nội dung, phương thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động”.

 

 

 

Nguồn TPO