Tâm sự đời và nghề của tân phó giáo sư tuổi 8X
09:03 26/02/2015 1209
Công tác tuyên truyền, giáo dục Sinh năm 1981, ở tuổi 34, tiến sỹ Hoàng Quý Tỉnh đã vinh dự được phong tặng danh hiệu phó giáo sư và trở thành một trong hai người trẻ nhất trong tổng số hơn 500 phó giáo sư được trao giấy chứng nhận năm 2014 tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
“Đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi,” phó giáo sư Hoàng Quý Tỉnh xúc động nói.
Rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè đã đến chia vui cùng tân phó giáo sư trẻ nhất năm 2014. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Duyên với nghề sư phạm
Là một phó giáo sư, Phó trưởng Khoa Giáo dục Mầm non, đã có con học lớp 2, nhưng nếu vô tình gặp Tỉnh ở sân trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có thể nhiều người nghĩ anh chỉ là một sinh viên với dáng người nhỏ nhắn, phong thái giản dị cùng cặp kính cận dày.
Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, trưởng thành từ chiếc nôi trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Hoàng Quý Tỉnh lựa chọn đầu quân vào ngành Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. “Nhưng như cái duyên, tôi lại đến với nghề giáo khi đỗ trong cuộc thi tuyển của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành giảng viên khoa Giáo dục Mầm non,” phó giáo sư Tỉnh chia sẻ.
Nói về những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, thầy Tỉnh vẫn nhớ cảm giác bỡ ngỡ khi trở thành “hoàng tử” giữa “rừng” sinh viên nữ. “Đó có lẽ là đặc điểm thú vị nhất của khoa giáo dục mầm non,” thầy Tỉnh cười tươi nói.
Sau gần 10 năm gắn bó với nghề giáo, hàng trăm học trò đã ra trường và trở thành giáo viên mầm non ở khắp mọi miền Tổ quốc, thầy Tỉnh bảo anh thực sự thấy hạnh phúc với nghề, dù nhà giáo không dư giả về kinh tế.
Trong cái se lạnh của mùa Đông Hà Nội, bên chén trà nóng trong khuôn viên yên tĩnh của Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Tỉnh chợt chùng giọng khi chia sẻ về cuộc sống: “Để có thể gắn bó với nghề giáo, những người giảng viên trẻ như chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt là trong việc tự bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin, chúng tôi phải đạt được học vị Tiến sĩ trước 35 tuổi, phải có chứng chỉ TOEFL 500 điểm hoặc các chứng chỉ tương đương, còn nếu không phải có bằng đại học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cũng như bao người, chúng tôi phải lo đảm bảo cuộc sống gia đình."
“Nhưng điều quan trọng nhất là biết tự cân bằng trong cuộc sống để giữ được chữ tâm với nghề. Chính những người thầy của tôi đã dạy tôi điều đó, và tôi lại theo gương các thầy để sống thanh thản giữa những cám dỗ vật chất của cuộc đời,” thầy Tỉnh thổ lộ.
Phó giáo sư gắn bó với trẻ em
Là Phó Chủ nhiệm khoa Giáo dục Mầm non, với chuyên ngành sinh học, thầy Tỉnh đảm nhiệm các môn học như Sinh lý học trẻ em, Sinh lý học thần kinh cấp cao trẻ em…
Thầy Tỉnh (đứng giữa) trong chuyến đi thực tế tại Yên Bái. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Những đề tài nghiên cứu của thầy cũng gắn liền với trẻ như đề tài Nghiên cứu một số đặc điểm hình thái cơ thể trẻ em người dân tộc Thái, H’mông, Dao ở tỉnh Yên Bái và các yếu tố liên quan (năm 2010); Đánh giá thực trạng phát triển chiều cao của trẻ mầm non 3-6 tuổi và tìm hiểu những yếu tố liên quan (năm 2012);, Ứng dụng phần mềm nhân trắc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong đánh giá sự phát triển cơ thể trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội và tìm hiểu những yếu tố liên quan (năm 2014). Các đề tài này đều được xếp loại xuất sắc.
Những đề tài nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm nhân trắc học của trẻ em Việt Nam, tập quán dinh dưỡng của các vùng miền, các dân tộc thiểu số liên quan đến sự phát triển của trẻ em, từ đó thầy Tỉnh đưa ra những cảnh báo và những kiến nghị để khắc phục những nguy cơ thiếu hụt chiều cao, cân nặng, những bất thường trong quá trình sinh trưởng của trẻ.
Tất cả các nghiên cứu trên đều đã giúp anh nâng cao kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tế, bổ sung tích cực cho việc biên soạn giáo trình cũng như cho các bài giảng trên lớp thêm sinh động, làm tăng thêm hiệu quả của những bài học cho sinh viên, học viên.
Thầy Tỉnh bảo, những chuyến đi với anh không chỉ có ý nghĩa bồi đắp chuyên môn mà việc đặt chân đến những vùng miền khó khăn của Tổ quốc, trò chuyện với người dân nghèo trên nương rẫy, nhìn những trẻ em vùng dân tộc thiểu số co ro trong giá rét và thiếu thốn đã cho anh nhiều trải nghiệm hơn cả những công trình nghiên cứu, đó là ý nghĩa và giá trị về cuộc sống, về tình người, để thấy trân trọng hơn cuộc đời, yêu thương hơn những gì mình có.
Kết thúc năm 2014 với thành tích trở thành phó giáo sư trẻ nhất, thầy Tỉnh cho biết đó là vinh dự nhưng cũng là áp lực để bản thân phải tự hoàn thiện hơn, nỗ lực trong công tác, giảng dạy, quản lý và nghiên cứu để xứng đáng với danh hiệu cao quý này.