Sóc Trăng: Kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ
10:00 10/10/2013 439
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Chiều ngày 8 - 10, Đoàn kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ của Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Trung ương Đoàn, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở làm Trưởng đoàn đến kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại tỉnh Sóc Trăng.
Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí: Hồ Thị Cẩm Đào - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Trung ương Đoàn, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở phát biểu tại buổi làm việc |
Trong 9 tháng đầu năm 2013, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở ở các loại hình tiếp tục được cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và các hoạt động dần đi vào nề nếp. Hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh ngày càng hiệu quả, tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở và hướng dẫn Ban Chỉ đạo huyện, thị, thành phố kiểm tra việc công khai, dân chủ trên các lĩnh vực. Vai trò giám sát của Mặt trận và các đoàn thể, Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát huy hiệu quả khá tốt. Đối với việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tiếp tục được triển khai thực hiện có chiều sâu trên cơ sở bám sát nội dung của Pháp lệnh 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Cụ thể, đối với những công việc công khai cho dân biết như: lĩnh vực về Tư pháp hộ tịch; địa chính xây dựng; phí, lệ phí; các chính sách an sinh xã hội…đều được niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, các nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, khóm. Ngoài ra, thông qua tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã thông tin cho cử tri một số nội dung cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và các chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến đời sống nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia giám sát theo quy định. Việc thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan theo Nghị định 71 cũng đi vào nề nếp; các cơ quan chính quyền tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, công khai dân chủ ra dân, tập trung giải quyết kiến nghị của dân, tổ chức đối thoại với nhân dân. Việc thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định 07 và trong công ty cổ phần, công ty TNHH theo Nghị định 87 cũng được lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm thực hiện như tổ chức đại hội công nhân, viên chức và hội nghị người lao động; thực hiện các chính sách, chế độ nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động…góp phần nâng cao nhận thức cho công nhân, lao động về thực hiện QCDC ở cơ sở và không để xảy ra tranh chấp lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện QCDC vẫn còn những hạn chế như: Ban Chỉ đạo một số xã, phường, thị trấn chất lượng hoạt động chưa cao, chưa làm tốt nhiệm vụ đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện ở ấp, khóm, khu dân cư; việc bàn bạc, ý kiến nhân dân ở một số nơi chưa tốt, nên còn một số công trình, dự án hay việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội vẫn còn tình trạng người dân thắc mắc…Tại buổi làm việc, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ của tỉnh kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị Chính phủ có văn bản quy định xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương không thực hiện đúng theo quy định về thực hiện QCDC cơ sở; Chính phủ cần bổ sung Nghị định 71 việc thực QCDC đối với cấp xã.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Trung ương Đoàn ghi nhận các ý kiến kiến nghị. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh tiếp tục đôn đốc Ban Chỉ đạo QCDC các cấp, các ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, người lao động, nhân dân về thực hiện QCDC, nhất đối với Nghị định 60 của Chính phủ về quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ Luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác dân vận trong các loại hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung phát huy hiệu quả công tác tiếp công dân, đối thoại với nhân dân. Ngoài ra, tăng cường kết hợp chẽ việc thực hiện QCDC cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, phát động các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” rộng khắp trên các lĩnh vực của đời sống, xã hội; quan tâm cải cách chế độ công vụ, thực hiện tốt các quy định về thái độ tiếp công dân; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở; quan tâm phối hợp với các ngành liên quan mở rộng các lớp tập huấn về QCDC cho cán bộ cơ sở, nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác thực hiện QCDC ở cơ sở, góp phần thực hiện tốt việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống nhân dân.
* Trước đó, Đoàn kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ của Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Trung ương Đoàn, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở làm Trưởng đoàn đến kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại thành phố Sóc Trăng và Phường 4 (TP.Sóc Trăng).
CHÍ BẢO
ảnh 1:
ảnh 2: Đoàn kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ của Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ của tỉnh