Quốc hội thông qua Luật Thanh niên sửa đổi với 91,3% tán thành

09:29 17/06/2020     12845

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Chiều 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Thanh niên sửa đổi, với 441/449, chiếm 91,3% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình

 

Rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước

Trước khi thông qua toàn bộ dự án luật, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Điều 4, về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên với tổng số 445/451 (92,13%) đại biểu tán thành.

Như vây, Điều 4 của Luật quy định: Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời thanh niên có các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về Điều 12, trách nhiệm với tổ quốc, có 443/449 (91,72%) đại biểu tán thành. Qua đó, Điều 12 nhấn mạnh trách nhiệm của thanh niên đối với tổ quốc là: Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu; Đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về thanh niên, công tác thanh niên; bảo đảm tạo điều kiện cho thanh niên phát huy vai trò, sứ mệnh của mình trong thời đại mới.

Theo ông Bình, về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mới, thanh niên có một vị trí đặc biệt quan trọng. Việc thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thanh niên và công tác thanh niên là định hướng và nhiệm vụ quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo này, dự thảo Luật đã thể chế hóa trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật để nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; quy định về chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình nhằm tạo điều kiện cho thanh niên phát triển, để thanh niên xứng đáng là “rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu, có vai trò quan trọng góp phần quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội…”;

Đồng thời để thanh niên Việt Nam nhận thức rõ và đầy đủ về trách nhiệm của mình, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”; “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.

Cách quy định như dự thảo Luật bảo đảm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, không chồng chéo với các luật chuyên ngành, đồng thời tạo hành lang pháp lý tạo điều kiện cho thanh niên khẳng định, phát huy và cống hiến.

Bên cạnh đó, sau khi Luật được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra giám sát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thanh niên, bảo đảm các chính sách được tổ chức thực thi có hiệu quả ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Về Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam (Điều 7), ông Phan Thanh Bình cho biết, đa số ý kiến đồng ý với quy định về Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ về thanh niên và công tác thanh niên. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị không quy định về Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam trong Luật vì đây là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua hơn 22 năm hoạt động, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các chiến lược, chính sách dành cho thanh niên; thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên.

Vì vậy, việc tiếp tục quy định Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ là cần thiết, một mặt kế thừa quy định của Luật Thanh niên hiện hành, không làm phát sinh biên chế, bộ máy; là căn cứ cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong việc điều hòa, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng liên ngành về thanh niên; đáp ứng yêu cầu đặc thù của đối tượng; mặt khác đảm bảo phù hợp với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, phù hợp với các căn cứ chính trị pháp lý có liên quan. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Xem xét, quyết định Bộ Thanh niên vào thời điểm thích hợp

Về Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Điều 28), theo ông Bình, một số ý kiến đề nghị làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong dự thảo Luật.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong suốt quá trình lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn nêu cao vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Điều lệ Đảng đã khẳng định Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa; đại diện quyền lợi của thanh niên; phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

Quán triệt chủ trương của Đảng, tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật đã quy định về vai trò, tổ chức, trách nhiệm của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như thể hiện tại Điều 28 dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đã quy định trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hoạt động Tháng Thanh niên; phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên; phối hợp với Bộ Nội vụ tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Liên quan đến quản lý nhà nước về thanh niên (Chương VI), có ý kiến đề nghị trong tương lai cần nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên hoặc Bộ Thanh niên và Thể thao trên cơ sở hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc nghiên cứu thành lập Bộ chuyên trách về công tác thanh niên trên cơ sở hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về thanh niên là ý kiến xác đáng. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng gắn với mô hình tổ chức Chính phủ và hệ thống chính trị, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

 

Nguồn TPO