Quảng Nam: Nhiều Phó chủ tịch xã muốn tiếp tục được ở lại địa phương

11:11 02/12/2015     1308

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Dù hầu hết đội viên dự án 600 được đánh giá là hoàn thành tốt, nhưng chỉ có chưa tới 25% phó chủ tịch xã được bầu vào cấp ủy.
Tiếp tục câu chuyện về bố trí công tác 600 phó chủ tịch xã về 64 huyện nghèo trong cả nước sau khi đề án kết thúc. Có một thực tế mà các trí thức trẻ tham gia đề án cũng như dư luận xã hội băn khoăn là, dù hầu hết 580 đội viên dự án được đánh giá là hoàn thành tốt, thậm chí là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng tại Đại hội Đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ có chưa tới 25% phó chủ tịch xã được bầu vào cấp ủy. Câu chuyện tắc “đầu ra” cho các phó chủ tịch xã tình nguyện đang là một thực tế ở nhiều địa phương.

Tốt nghiệp ngành cử nhân chính trị trường Đại học Sư phạm Huế năm 2011, La Thanh Thủy, 36 tuổi, quê ở thành phố Tam Kỳ, đăng ký thi tuyển Dự án 600. Tháng 3 năm 2012, Thủy được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don, huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

g
ảnh minh họa

Qua 3 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con xã vùng cao Trà Don, Thủy ngày càng được đồng bào nơi đây tin yêu. Xã Trà Don có 3 thôn, thôn xa nhất cách trung tâm xã hơn 4 tiếng đi bộ băng rừng. Xác định thế mạnh của Trà Don là phát triển chăn nuôi, trồng trọt, Thủy tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia...giúp người dân phát triển sản xuất. La Thanh Thủy xuống tận nơi tư vấn, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế. Đến nay, thu  nhập của người dân từ chăn nuôi, trồng trọt được nâng lên; Tỉ lệ hộ nghèo hiện còn 66%, giảm hơn 15% so với năm 2012.

La Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam mong muốn gắn bó lâu dài với đồng bào: “Khi nghe các anh chị ở phía Bắc cũng lúng túng trong việc bố trí, quy hoạch đội viên 600 khi dự án kết thúc thì không chỉ riêng em mà đa số các anh ở ở Quảng Nam đều mong muốn được ở lại để cống hiến thêm sức trẻ.  Bởi vì khi bạn em bước qua năm thứ 3 cũng đã được độ chín, sự trưởng thành và có kinh nghiệm. Nên cũng mong muốn có sự tác động để được ở lại địa phương”.

Là người Ca Dong, sinh ra và lớn lên tại vùng cao Nam Trà My nên khi được  bố trí về làm Phó Chủ tịch UBND xã Trà Mai,  anh Nguyễn Văn Nhân, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế vui mừng khi được công tác tại quê hương mình.

Anh Nhân tâm sự: thời gian gần đây, khi nghe tin việc tiếp tục bổ nhiệm đội viên của Dự án 600 làm phó chủ tịch xã gặp khó khăn, anh hết sức băn khoăn. Anh cho rằng, nếu không được tiếp tục làm việc tại xã thì những người trẻ như mình khó có cơ hội rèn luyện, trưởng thành. "Bản thân tôi là người địa phương. Sinh sống và công tác ở Trà Mai, tôi có nguyện vọng là khi đề án kết thúc, Chính phủ và các cấp cần có sự quan tâm để tôi tiếp tục phục vụ quê hương. Tiếp tục đóng góp những cái mình đã học để địa phương phát triển hơn”.

Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 25 nghìn người, phần lớn là đồng bào các dân tộc Ca Dong, Xê Đăng và Mơ Nông sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. 10 xã của huyện đều thuộc diện nghèo nhất nước.

Thực hiện Dự án tăng cường 600 tri thức trẻ lên công tác tại vùng miền núi đặc biệt khó khăn, tháng 3 năm 2012, huyện Nam Trà My tiếp nhận 10 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND 10 xã vùng cao. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam khẳng định, hầu hết các Phó Chủ tịch xã của Dự án 600 phát huy tốt, giúp dân xóa đói, giảm nghèo: “Tôi thấy đội ngũ 600 trí thức trẻ rất tâm huyết, giúp rất nhiều cho xã. Có nhiều cán bộ được long dân.

Từ đó giúp người dân rất nhiều. Có đội ngũ này về, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin cũng như cách làm việc hiện đại hơn. Họ đã giúp cho đội ngũ lãnh đạo xã có 1 cách làm mới, hiệu quả. Góp phần mạnh mẽ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cụ thể tại địa phương họ công tác. Nhìn chung cán bộ 600 rất là tốt. tôi nghĩ rằng nên phát huy đội ngũ này”.

Các huyện nghèo như Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang tập trung xóa đói giảm nghèo, rất cần một đội ngũ trí thức trẻ, có năng lực và trách nhiệm cao như các đội viên Dự án 600. Sắp tới đây, khi Dự án này kết thúc, nếu các cán bộ trẻ đang làm Phó Chủ tịch UBND xã không được bổ nhiệm lại không những có những tác động bất lợi về chính sách tăng cường cán bộ trẻ của Dự án 600, mà còn gây nên sự lúng túng đối với các xã đặc biệt khó khăn. Các huyện miền núi nghèo đang rất cần đội ngũ trí thức trẻ góp sức tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.