Quảng Bình: 46 năm tưởng nhớ vụ thảm sát thôn Quyết Thắng
15:54 14/01/2019 2549
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Cứ vào dịp Xuân về, trái tim thế hệ trẻ Quảng Bình lại trào dâng niềm xúc động, bồi hồi tưởng nhớ về vụ thảm sát bi thương thôn Quyết Thắng (13/1/1973) đã khiến 156 người con anh hùng ngã xuống, dâng hiến tuổi xuân xanh của mình vì độc lập tự do của dân tộc.
46 năm trôi qua, Quyết Thắng hôm nay là bức tranh sáng màu, là suối nguồn chảy mãi để thế hệ trẻ nhìn lại ghi nhớ, phải biết ơn, phải trân trọng nền hòa bình đang có.
Ký ức bi thương
Một buổi sáng cuối Đông, ngồi trò chuyện cùng chúng tôi về vụ thảm sát thôn Quyết Thắng, đôi mắt người cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Xon- Trưởng thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ngân ngấn lệ. Ông Xon kể lại, sáng sớm ngày 13/1, hàng trăm Thanh niên xung phong thuộc các đơn vị Thanh niên xung phong Cù Chính Lan Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Hưng 283, công nhân Cảng Gianh 309, binh trạm 16 bộ đội xăng dầu, bộ đội thông tin và nhân dân Hợp tác xã Quyết Thắng đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá từ các tàu thuyền vào kho để phục vụ cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Không gian lặng lẽ bỗng chốc bị phá vỡ bởi máy bay chiến đấu của Mỹ quần đảo trên bầu trời, thay nhau nhào lộn, ném bom xuống Cảng Gianh nhằm chặn đứng nguồn chi viện chiến lược của ta qua vùng “Luỹ thép Nam sông Gianh”.
Tuổi trẻ trên mảnh đất anh hùng Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.
Khoảng 10 giờ cùng ngày, các tốp máy bay phản lực Mỹ từ Hạm đội 7 đã tiến hành ném bom bắn phá cảng Gianh khiến một số chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong ta bị trọng thương. Đến trưa, dù đã ngớt tiếng máy bay quần đảo, rú rít nhưng trên nhiều nẻo đường xã Thanh Trạch vẫn sặc mùi bom đạn. Các thanh niên xung phong, công nhân cảng, bộ đội xăng dầu Binh trạm 16 tranh thủ về thôn Quyết Thắng ăn cơm, số thương vong được chuyển đến bệnh xá dã chiến để cấp cứu, người già, trẻ em hối hả sơ tán đề phòng B52 đến ném bom rải thảm.
Bát cơm đang còn xới vội, người bị thương đang băng bó giữa chừng, cụ già, trẻ em đang dắt díu nhau chạy trên đường thì bỗng dưng hàng loạt bom B52 của giặc Mỹ dội xuống ầm ầm, lửa khói mù mịt, mặt đất rung lên bần bật. Cây cối, nhà cửa… trong thôn xóm trở nên hoang tàn, đổ nát bởi bom rải thảm của địch. Thi thể của các bộ đội, thanh niên xung phong và người dân địa phương ngã xuống biến dạng, không còn nguyên vẹn. Tất cả tạo nên cảnh tượng tang thương đến khủng khiếp. Kể đến đây, nước mắt người cựu thanh niên xung phong già trào ra, nghẹn ngào.
Những thế hệ người dân Quảng Bình hôn nay luôn tưởng nhớ, tự hào về quá khứ với những hy sinh, cống hiến anh dũng của lớp lớp cha anh đi trước.
Trước sự ác liệt của chiến tranh và những trận ném bon tàn bạo, liên tục của địch, quân và dân thôn Quyết Thắng gạt nước mắt và đau thương đào bới trong đống đất đá vụn vỡ để tìm kiếm, khâm liệm, chôn cất 156 người hy sinh trong cuộc oanh tạc mang tính thảm sát của máy bay Mỹ.
Trong số 156 người hy sinh ngày 13/1/1973 có 32 người dân ở thôn Quyết Thắng. Riêng C283 thanh niên xung phong có 35 chiến sĩ đã ngã xuống. Máu, mồ hôi và nước mắt của bao người lính, thanh niên xung phong, cùng các lực lượng công nhân, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến và nhân dân ta đã nhuộm tím từng tấc đất, tấc đường để viết nên khúc tráng ca bất tử trong dòng chảy lịch sử bất tận của dân tộc Việt Nam.
46 năm trôi qua, thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)- vùng đất anh hùng đang từng ngày thay da đổi thịt, hòa cùng nhịp sống mới. Nhưng đó vẫn là nơi ghi dấu thương đau khó phai tàn. 156 người ra đi, dù các anh, các chị là ai, thì sự hy sinh anh dũng đó đã trở thành tượng đài, biểu tượng bất tử của tinh thần “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Tiếp lửa cho thế hệ trẻ
Năm tháng trôi qua, thời gian có thể làm phai mờ vết tích chiến tranh, nhưng những hình ảnh của vụ thảm sát thôn Quyết Thắng ngày nào vẫn còn hằn sâu trong ký ức mỗi người dân Quảng Bình. Máu đào của các anh các chị đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói, linh hồn của các anh, các chị mãi mãi bất tử cùng với non song đất nước.
Tháng Giêng lại về, lửa truyền thống trên mảnh đất Quyết Thắng lại thêm rực cháy, tiếp thêm sức mạnh cho tuổi trẻ Quảng Bình nêu cao tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Với lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ đi trước, những người đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, hy sinh để giữ gìn độc lập, tự do của đất nước, thế hệ tuổi trẻ Quảng Bình hôm nay đoàn kết, từng bước trưởng thành, sẵn sàng dấn thân và có nhiều cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước. Những cây cầu giao thông vững chãi, từng ngôi nhà nhân ái, các hoạt động thiện nguyện hay sự thành đạt của các doanh nhân trẻ; sự năng động, sáng tạo của đội ngũ công nhân, viên chức trẻ, học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi… Đó là những biểu hiện sinh động cho tinh thần tự tôn dân tộc; vươn lên xây dựng quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” giàu đẹp và phát triển.
Tuổi trẻ trên mảnh đất anh hùng Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Nổi bật là các buổi nói chuyện truyền thống, giao lưu gặp gỡ với các chứng nhân lịch sử; tổ chức tham quan các di tích lịch sử; tổ chức “Hành trình về địa chỉ đỏ”; xây dựng nhà nhân ái; tiến hành trồng cây xanh, tu sửa, chỉnh trang, quét vôi, vệ sinh môi trường trong khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ, các bia tưởng niệm, khu di tích; đảm nhận công trình thanh niên tôn tạo, nâng cấp Bia di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển; giúp đỡ, thăm hỏi tặng quà, chăm nom sức khỏe, y tế cho các đối tượng chính sách. Từ đó, giáo dục cho đoàn viên thanh thiếu nhi về truyền thống cách mạng của quê hương và những cống hiến hy sinh của các thế hệ cha ông.
Những thế hệ người dân Quảng Bình hôn nay luôn tưởng nhớ, tự hào về quá khứ với những hy sinh, cống hiến anh dũng của lớp lớp cha anh đi trước. Đặc biệt, với nhân dân thôn Quyết Thắng cũng như thân nhân các liệt sĩ và tập thể cựu chiến binh C283 tha thiết muốn xây dựng Khu Tưởng niệm làm nơi thờ cúng và tri ân anh linh các liệt sĩ đã ngã xuống trong vụ thảm sát bi thương tại đây.
Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình Trần Quốc Tuấn khẳng định: Việc xây dựng Khu Tưởng niệm không chỉ thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc mà đó là nén tâm hương của người hôm nay tưởng nhớ, tri ân công lao và những đóng góp, hy sinh của bao lớp người đi trước đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh hiến dâng tuổi thanh xuân bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc. Đây còn là một di tích lịch sử cách mạng, một "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống chiến đấu anh dũng của cha anh; đồng thời tiếp lửa cho thế hệ hôm nay và mai sau sống, học tập và làm việc, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước, xứng đáng với những gì mà thế hệ trước đã xây đắp nên./.
Lê Hồng - TĐ Quảng Bình (TN) Tweet