Phó Chủ tịch nước gặp mặt gương 48 thầy cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật

04:15 13/11/2018     1088

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Phó Chủ tịch nước mong muốn, các thầy, cô giáo tiếp tục khắc phục khó khăn, đổi mới, đưa ra các sáng kiến trong giảng dạy, phát huy những thành quả cống hiến trong thời gian qua, bám trường, bám lớp, chia sẻ, giúp đỡ học sinh khuyết tật để các em có điều kiện phục hồi chức năng, trưởng thành, hòa nhập cộng đồng.

Trò chuyện với 48 đại biểu trong Đoàn là những giáo viên có nhiều cống hiến trong công tác giảng dạy cho học sinh khuyết tật, Phó Chủ tịch nước chúc mừng các thầy, cô giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

 

Chiều 14/11, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gặp mặt Đoàn đại biểu các thầy giáo, cô giáo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm  2018.

Tham dự chương trình có đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn; cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Văn phòng Chủ tịch nước; đặc biệt là gương 48 thầy cô giáo tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật được tuyên dương trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018.

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Vân, cho biết, trong những năm qua phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội LHTN Việt Nam đã khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng cống hiến trong thanh niên. Trong đó, ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Năm 2015, Chương trình đã tuyên dương 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu, xuất sắc đang công tác ở các trường học điểm lẻ thuộc 64 huyện nghèo. Năm 2016, Chương trình đã chọn và tuyên dương 42 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc đang công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo. Năm 2017, Chương trình đã lựa chọn được 60 gương là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia hoặc đã từng tham gia công tác dạy học, xóa mù chữ cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Tổ quốc hoặc có nhiều đóng góp trong việc vận động nguồn lực giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước tới trường.

Năm nay, chương trình tuyên dương 48 nhà giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong số các gương được tuyên dương, người nhiều tuổi nhất là thầy giáo Vy Văn Vọng (SN 1961) giáo viên Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn; người trẻ tuổi nhất là cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương (SN 1990) giáo viên Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và cô giáo Nguyễn Thị Dang (SN 1990) giáo viên trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn (Bình Định); người có thời gian tham gia dạy lâu năm nhất là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tỉnh Thái Bình dạy học là từ năm 1985 tới nay.

Phát  biểu tại buổi gặp mặt, Phó chủ tịch nước đã bày tỏ sự trân trọng khi gặp mặt các thầy, cô giáo và cho biết, từ xa xưa, ông cha nói "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", đây là nghề cao quý và được tôn trọng. Càng xúc động hơn nữa đây là những thầy cô giáo ngoài tấm lòng yêu nghề, còn có tấm lòng yêu trẻ, kiên trì, tâm huyết, tình thương yêu với trẻ em, đặc biệt trẻ khuyết tật.

"Cần phải nói rằng dạy một đứa trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ đặc biệt càng khó hơn. Hơn nữa còn phải dạy làm người dạy nghề cho những trẻ em có sự khiếm khuyết, điều này cần rất nhiều sự nỗ lực và tình yêu với học sinh. Chính nhờ các thầy cô giáo đã giúp cho nhiều người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng, khiến cho xã hội ta văn minh hơn, nhân văn hơn. Rất cảm ơn các thầy cô giáo đã cùng với ngành giáo dục để giảng dạy, chăm lo cho trẻ em", Phó chủ tịch nước nói.

Ghi nhận những nỗ lực của các thầy, cô giáo, đồng thời biểu dương những đóng góp trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật của các thầy, cô trong suốt thời gian qua. Phó Chủ tịch nước mong muốn các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để đội ngũ giáo viên có điều kiện học tập bài bản các kỹ năng hướng dẫn cho từng đối tượng khuyết tật đặc thù…

 

Phó Chủ tịch nước mong muốn các thầy, cô giáo được vinh danh giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, lan tỏa phẩm chất cao quý của nghề giáo đến các đồng nghiệp, tiếp tục nâng đỡ thêm nhiều thế hệ học trò trở thành người có ích cho xã hội.

 

Theo Phó Chủ tịch nước, Việt Nam hiện có hơn 8% dân số là người khuyết tật, trong đó gần ¼ là trẻ em khuyết tật. Việc quan tâm, chăm lo, hỗ trợ cho người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng là trách nhiệm cần sự chung tay của toàn xã hội.

Phó Chủ tịch nước mong muốn, các thầy, cô giáo tiếp tục khắc phục khó khăn, đổi mới, đưa ra các sáng kiến trong giảng dạy, phát huy những thành quả cống hiến trong thời gian qua, bám trường, bám lớp, chia sẻ, giúp đỡ học sinh khuyết tật để các em có điều kiện phục hồi chức năng, trưởng thành, hòa nhập cộng đồng.

 

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho các thầy, cô giáo tiêu biểu.

 

Phó chủ tịch nước cũng lắng nghe những chia sẻ, tâm tư của các thầy, cô giáo trong công tác giảng dạy trẻ, như: thiếu các giáo viên chuyên biệt, khó khăn trong giáo trình giảng dạy và quan tâm hơn nữa đến các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên có điều kiện học tập kỹ năng, hướng dẫn, dạy cho từng đối tượng khuyết tật.

 

Nằm trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018, các đại biểu sẽ tham dự các hoạt động như: viếng lăng Bác; thăm quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám; gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tham gia Gala chào mừng; tham gia hội thảo “Phát triển công tác xã hội trong chăm sóc và giáo dục đối với người khuyết tật”…

Lễ tuyên dương chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 sẽ diễn ra vào tối ngày 15/11/2018 tại Thủ đô Hà Nội.

 

Bảo Anh