Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
16:37 26/03/2024 12903
Công tác tuyên truyền, giáo dục ĐTN: Đúng dịp niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sáng 26/3 tại Hà Nội đã diễn ra Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia".
Tham dự chương trình có đồng chí Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Thị Thu Hà - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, Nguyễn Văn Gấu - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phạm Tất Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; các Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng: Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia".
Cùng dự có các đồng chí Ban Bí thư T.Ư Đoàn: Nguyễn Ngọc Lương - Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBKT T.Ư Đoàn; đồng chí Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm thường trực UBQG về thanh niên Việt Nam; đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; đồng chí Nguyễn Minh Triết - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban Trung ương Đảng, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; cùng 300 đại biểu thanh niên, đại diện cho hơn 20 triệu thanh niên cả nước.
Trước khi bắt đầu chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đã tặng hoa cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn. Thủ tướng cũng tặng quà cho 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và 09 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 để chúc mừng những thành tích xuất sắc mà các bạn đạt được trong năm qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng Ban Bí thư Trung ương Đoàn nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Chuyển đổi số đã trở thành một trọng tâm quan trọng, không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng. Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Thanh niên là lực lượng năng động, sáng tạo, nhạy bén, làm chủ khoa học - công nghệ; là lực lượng xung kích, chủ lực, tạo sự bứt phá, giá trị mới trong chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” là chủ đề xuyên suốt trong Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp mặt và đối thoại với thanh niên năm 2024.
Thủ tướng Chính phủ tặng quà chúc mừng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023
Thủ tướng tặng quà cho 09 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023.
Phát huy tinh thần “5 sẵn sàng”
Phát biểu khai mạc Đối thoại, đồng chí Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho biết, đây là lần thứ hai Thủ tướng gặp mặt và đối thoại với thanh niên từ sau khi có Luật Thanh niên năm 2020. Sau đối thoại năm 2023 với chủ đề: “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”, các vấn đề thanh niên quan tâm, kiến nghị về cơ bản đã được giải quyết và được thông báo rộng rãi theo quy định.
Đồng chí Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn phát biểu khai mạc chương trình
Theo đồng chí Bùi Quang Huy, chủ đề chương trình đối thoại năm nay được xác định là “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia” nhằm khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, đồng thời kỳ vọng thanh niên Việt Nam phát huy cao tinh thần “5 sẵn sàng” như thông điệp mà Thủ tướng đã gửi gắm đến thanh niên Việt Nam tại Chương trình đối thoại năm 2023, đó là: Sẵn sàng bảo vệ mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Sẵn sàng giữ vững bản lĩnh, ý chí, khát vọng vươn lên; Sẵn sàng thích ứng và làm chủ trong cuộc cách mạng 4.0; Sẵn sàng tiên phong trong chuyển đổi số; Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, xông pha việc khó, việc mới khi Tổ quốc cần”.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với sứ mệnh là chủ nhân tương lai, là rường cột của nước nhà, thanh niên chính là lực lượng gương cao ngọn cờ chuyển đổi số Việt Nam, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển.
Các bạn ĐVTN mang tới những tiết mục văn nghệ sôi nổi, trẻ trung, đậm chất thanh niên mở đầu chương trình
Đồng chí Bùi Quang Huy mong muốn các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia đối thoại với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, cởi mở và trí tuệ, tập trung vào việc tìm hiểu cũng như đề xuất, hiến kế về các vấn đề liên quan đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng
Bạn Nguyễn Thành Trung - học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi: Vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê, ước tính có đến 35% người dùng internet của Việt Nam có nguy cơ đối diện với các nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp như thế nào về vấn đề này để đảm bảo an toàn không gian mạng?
Bạn Nguyễn Thành Trung, Học sinh Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm đặt câu hỏi. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) Nguyễn Huy Dũng cho rằng, an toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải để dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, trong 3 năm vừa qua, Việt Nam đã có những thay đổi và nhiều bước chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng. Cụ thể, Liên Hợp Quốc đã xếp chúng ta vào 25 nước dẫn đầu trong số 193 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, công việc mà chúng ta phải làm rất nhiều, các giải pháp Thủ tướng đã chỉ ra rất rõ trong Chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia.
Trong đó có 2 điểm nổi bật, thứ nhất là 3 lực lượng chủ chốt để đảm bảo an toàn an ninh mạng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TTTT. Ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các hệ thống thông tin của các cơ quan doanh nghiệp và người dân.
Chia sẻ về những giải pháp bảo vệ thông tin cho người dân trước những nguy cơ trên mạng mà Chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia đã chỉ ra, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, đối với người dân, chiến lược đã chỉ ra 2 giải pháp quan trọng: Thứ nhất là bảo vệ từ sớm, từ xa, từ lớp mạng, tức là ở đây là trách nhiệm của nhà mạng và các đơn vị cung cấp viễn thông, internet phải có trách nhiệm bảo vệ cơ bản cho người dùng; thứ hai là bảo vệ thiết bị đầu cuối. Mỗi người chúng ta có thể cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị khác nhau như máy tính, ipad, điện thoại. Trên mỗi thiết bị như vậy sẽ có những công cụ bảo vệ trực tiếp, gọi là bảo vệ lớp 2, lớp cơ bản.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: An toàn an ninh mạng được coi là chiếc phanh của chiếc xe chuyển đổi số, không phải dừng chiếc xe này lại mà để chúng ta yên tâm đi nhanh và an toàn hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, người dân có thể truy cập vào địa chỉ www.khonggianmang.vn. Đây là nơi Bộ TTTT tiếp nhận và giải đáp mọi thắc mắc của người dân về an ninh mạng, đồng thời cung cấp các công cụ miễn phí để người dân tự bảo vệ mình.
Thứ trưởng mong muốn thanh niên sẽ là lực lượng xung kích trên không gian mạng, trước hết là tự bảo vệ mình, sau đó là hướng dẫn bạn bè, người thân cùng được an toàn trên không gian mạng.
Trả lời thêm câu hỏi của bạn Nguyễn Thành Trung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Cái gì cũng có hai mặt, tích cực và cả tiêu cực. Sự phát triển nào thì đi đôi với những cản trở, hạn chế. Quan trọng nhất là chúng ta vững tâm xử lý vấn đề có hiệu quả, dũng cảm đối mặt. "Tôi mong các bạn trẻ luôn giữ được thăng bằng trong bất cứ trường hợp nào, dù thắng lợi hay thất bại, thắng không kiêu, bại không nản. Chúng ta phải luôn đặt con người và sự vật trong sự vận động và phát triển; phải xem là việc bình thường khi có thuận lợi này thì sẽ kèm theo khó khăn khác, quan trọng nhất là phải vững tâm để xử lý các vấn đề đặt ra một cách có hiệu quả, trong cuộc sống cũng như công việc", Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng Chính phủ: Phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước.
Thủ tướng cho biết: Thứ nhất, Chính phủ phải hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng. Thứ hai là phân công các bộ ngành xử lý các vấn đề nếu có sự cố. Thứ ba là phải nâng cao năng lực xử lý các vấn đề an ninh mạng bằng nhiều biện pháp khác nhau. Thứ tư là đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân để nâng cao cảnh giác và có các biện pháp phòng ngừa, trong đó các bạn trẻ phải làm nòng cốt, đi đầu về vấn đề này.
Thủ tướng cho rằng, phong trào thanh niên muốn "sống" được thì phải gắn lợi ích giữa cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước. Tại sao phong trào "Ba sẵn sàng" ngày xưa lại có sức sống như thế? Vì phong trào này mang lại lợi ích hòa bình, thống nhất cho mỗi cá nhân và cho đất nước.
"Trước đây, tôi đã đề nghị Trung ương Đoàn tập trung triển khai 3 phong trào thanh niên: Phong trào học tập công nghệ thông tin; phong trào học tập ngoại ngữ và phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường. Ba phong trào này vừa gắn bó với lợi ích của mỗi người, vừa gắn bó với lợi ích của cả quốc gia, tất nhiên chúng ta đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết và trong lợi ích chung thì có lợi ích riêng", Thủ tướng chia sẻ.
Đột phá của kết nối, chia sẻ dữ liệu là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Doanh nhân trẻ Lê Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH In Nhật Hàn đặt câu hỏi: Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Vậy trong thời gian tới, Chính phủ có giải pháp gì để kết nối liên thông các dịch vụ từ dữ liệu này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trẻ khai thác, sử dụng trong quá trình vận hành doanh nghiệp?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp nói chung đã là việc được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai rất quyết liệt trong 3 năm qua, chứ không phải việc thời gian tới định làm gì nữa. Điểm đột phá là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai cho giai đoạn vừa rồi.
Nhờ kết nối, chia sẻ dữ liệu thời gian vừa qua, người dân nói chung và các bạn trẻ nói riêng đã được thụ hưởng rất nhiều lợi ích, ví dụ như số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với Ủy ban quốc gia là trong mùa tuyển sinh vừa rồi có hơn 97% thực hiện đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Hay mỗi bạn trẻ ngồi đây đều có thể mở một tài khoản ngân hàng rất dễ dàng bằng điện thoại di động thay vì phải ra tận nơi như trước đây. Đây là thành quả của nỗ lực kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian vừa qua.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập và vận hành nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hiện nay có khoảng hơn 200 tổ chức nhà nước và doanh nghiệp đã kết nối chia sẻ dữ liệu với nền tảng này, trung bình, nền tảng này có 3 triệu giao dịch một ngày. Vì vậy các doanh nghiệp trẻ muốn tìm hiểu về kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có thể liên hệ trực tiếp với Cục Chuyển đổi số quốc gia hoặc lên trang Thông tin điện tử của Cục Chuyển đổi số quốc gia để tìm hiểu quy định, quy trình thủ tục để thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua đã cùng các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy nền tảng dữ liệu mở. Các doanh nghiệp trẻ có thể lên khai thác trên nền tảng dữ liệu mở này mà không cần đáp ứng điều kiện gì.
Trả lời thêm về câu hỏi này, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã thông tin sơ lược về quá trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với công cuộc chuyển đổi số, trong đó trung tâm là Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư phục vụ xác thực định danh và chuyển đổi số tầm nhìn 2025 đến 2030.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin về quá trình triển khai Đề án 06 và xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, từ nghiên cứu các nước trên thế giới và kinh nghiệm chúng ta làm trong giai đoạn vừa qua cho thấy có 6 bước phải cần lưu ý trong quá trình chuyển đổi số cũng như thực hiện Đề án 06, đó là:
Thứ nhất, phải có quyết tâm chính trị và nền pháp lý phù hợp, đầy đủ với công cuộc chuyển đổi số.
Thứ hai, là phải có hạ tầng công nghệ, tức là các thiết bị phần cứng và phải có bộ phần mềm để thực hiện.
Thứ ba, là phải có dữ liệu vì tất cả mà không có dữ liệu thì sẽ không tạo nên được kết nối, chia sẻ.
Thứ tư, là phải có một giải pháp bảo mật.
Thứ năm, là con người công nghệ, những chuyên gia về công nghệ theo từng lĩnh vực như lĩnh vực về phần mềm, bảo mật, thiết bị và công nghệ. Đấy là những chuyên gia sẽ nghiên cứu, đưa ra giải pháp.
Thứ sáu, là ngân sách để đầu tư cho thiết bị công nghệ, xây dựng phần mềm, tạo lập, làm giàu dữ liệu.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc thông tin, hiện nay Việt Nam đã có trên 105 triệu dân và có 89 triệu người đã được định danh và định danh mức độ 2, có trên 75 triệu công dân được cấp Căn cước công dân gắn chip điện tử. Như vậy thông qua việc xây dựng dữ liệu dân cư với khẩu hiệu "Đúng – Đủ - Sạch – Sống" chúng ta đã có dữ liệu rất chính xác.
Theo Nghị quyết 175, ngày 30/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng trung tâm dữ liệu dân cư quốc gia. Tại đó sẽ có 8 luồng dữ liệu sẽ xây dựng đó là dữ liệu dân cư quốc gia, dữ liệu quốc gia về đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, cán bộ công chức, thủ tục hành chính, tổng hợp quốc gia.
Trên những nguồn dữ liệu chính như vậy, cùng các dữ liệu chuyên ngành, chúng ta phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia, có kết nối, chia sẻ hiệu quả và tạo dần nên nền văn minh xã hội sau chuyển đổi số, người dân ít phải dùng giấy tờ, ít phải gặp cơ quan công quyền; đồng thời tạo nên nền kinh tế số, phòng chống tội phạm, cụ thể là phòng ngừa tham nhũng vặt, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng.
Chúng tôi đang phấn đấu theo chỉ tiêu Thủ tướng đề ra là đến năm 2025 đứng trong 70 nước là chính phủ điện tử trên thế giới và đến năm 2030 chúng ta sẽ là top 50 nước khai thác hiệu quả chính phủ điện tử.
Giải pháp về thể chế và đổi mới công nghệ là cực kỳ quan trọng trong chuyển đổi số
Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Thư, Công chức xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội: Cải cách thủ tục hành chính luôn gắn chặt chẽ với chuyển đổi số. Vậy, xin Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngoài yếu tố con người thì Việt Nam có giải pháp như thế nào về thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 được phê chuẩn tại Nghị quyết 76 của Chính phủ, trong đó cải cách thủ tục thành chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cùng với đó là việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số quốc gia.
Để góp phần đẩy nhanh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân, trên thực tế việc cải cách thủ tục hành chính chưa được như ý muốn, còn nhiều tồn tại, việc kết nối cải cách thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu từ chuyển đổi số chưa đồng bộ, do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục tồn tại này.
Song song với các giải pháp như trên, bên cạnh thái độ, tinh thần trách nhiệm của người tiếp nhận hồ sơ tại các cơ quan hành chính thì giải pháp về thể chế và đổi mới công nghệ cũng là giải pháp cực kỳ quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường. Ảnh: VGP
Theo Thứ trưởng Triệu Văn Cường, về thể chế, Chính phủ đã chỉ đạo rất sát việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để làm sao đơn giản, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết không đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật những thủ tục hành chính, nếu thực sự cần thiết đưa vào thì phải đơn giản, dể hiểu.
Thứ hai là đẩy mạnh, sửa đổi các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, những cái nào lỗi thời phải lược bỏ.
Thứ ba là phải hoàn thiện, bổ sung những quy định về thủ tục hành chính và chuyển đổi số cho đồng bộ.
Về nội dung chuyển đổi số, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối với việc triển khai thủ tục hành chính.
Về giải quyết điểm nghẽn trong Đề án 06 thì như vừa rồi đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã nói rất rõ. Tôi xin không đề cập đến nữa.
Điều quan trọng nữa là Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải quan tâm đến đầu tư cơ sở vật chất cho giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số.
Có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo
Trả lời thêm về câu hỏi của ĐVTN, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thứ nhất, cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ đang thúc đẩy việc này rất tích cực, đã lấy năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia; đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (về dân cư, đất đai, môi trường…) và chỉ đạo việc hoàn thành cơ sở dữ liệu các bộ ngành, địa phương, đồng thời phát động phong trào xây dựng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội. Các cơ sở dữ liệu này phải kết nối với nhau, tạo thuận lợi cho các chủ thể trong việc khai thác.
Thứ hai, việc cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Để cải cách thủ tục hành chính có nhiều giải pháp, nhưng hai giải pháp rất cơ bản là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để người dân và doanh nghiệp đỡ phải tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ, cơ quan hành chính.
Giảm khoảng cách chuyển đổi số giữa nông thôn với thành thị
Chị Mai Thị Tươi, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân, Thái Bình đặt câu hỏi: Hiện tại chuyển đổi số tại các khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn do có nhiều rào cản. Ví dụ như cơ sở hạ tầng cũng như là nhận thức của bà con. Vậy Chính phủ có những giải pháp như thế nào để thu hẹp khoảng cách chuyển đổi số giữa nông thôn, vùng sâu, vùng xa với thành thị và việc đưa những cán bộ trẻ có năng lực chuyển đổi số về với vùng nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa sẽ như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta đang ở một thời điểm hết sức quan trọng của đất nước khi đã đi được 1/3 chặng đường của Chiến lược 10 năm và đi được hơn một nửa kế hoạch 5 năm. Thách thức thì rất nhiều, mục tiêu đề ra rất lớn cho phát triển đến năm 2030 rồi đến 2045, nhưng cơ hội thì không phải thiếu. Vấn đề bây giờ làm thế nào để nắm bắt được cơ hội hiện thực hóa được cơ hội để vượt qua được thách thức, xây dựng được một đất nước Việt Nam hùng cường và phải đạt được các mục tiêu của Đại hội XIII đã đề ra. Đây là một trách nhiệm hết sức lớn đối với chúng ta trong đó lực lượng thanh niên là lực lượng nòng cốt, lực lượng tiên phong gánh vác những sứ mệnh này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi trả lời câu hỏi của thanh niên tại chương trình. Ảnh: VGP
Đối với câu hỏi về khoảng cách về chuyển đổi số giữa vùng nông thôn với thành thị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đúng là đang còn khoảng cách này do nhiều điều kiện chủ quan, khách quan khác nhau. Giải pháp tựu trung vào những việc mà Chính phủ và các bộ, ngành phải tiếp tục làm trong thời gian tới: Trước hết là phải thực hiện hiệu quả đồng bộ và toàn diện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai là phải nâng cao công tác tuyên truyền, truyền thông để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trẻ của người trẻ đối với vai trò của chuyển đổi số trong phát triển đất nước.
Thứ ba là hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng cho chuyển đổi số; xây dựng các mạng lưới chuyên gia, các doanh nghiệp đã thành công trong phát triển để kết nối, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ cần thiết.
Bên cạnh đó phải đẩy mạnh mạng lưới tư vấn, đây là những việc mà Chính phủ đã và đang làm và sắp tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh.
Riêng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi đã có nhiều hoạt động, chương trình đang triển khai nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ đang triển khai Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã hỗ trợ được cho 13.000 doanh nghiệp. Đây là một chương trình rất có ý nghĩa, Bộ đã triển khai trong 5 năm qua có hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta,… Các bạn có thể tham khảo và tham gia cùng với chúng tôi để có thể nhận được sự hỗ trợ về nguồn lực cũng như các tư vấn hay là các tài liệu cũng như là sự hỗ trợ về công nghệ.
Thứ hai là chúng tôi cũng đang làm Chương trình phát triển nhân tài số phối hợp cùng với Google đã cung cấp được 20.000 suất học bổng cho 83 trường đại học và cao đẳng trên cả nước và năm nay chúng tôi tiếp tục phấn đấu làm khoảng 100.000 suất học bổng nếu các bạn có điều kiện thì tham gia cùng với chúng tôi thì rất là tốt.
Chúng tôi cũng đang làm một chương trình là thách thức Việt Nam (phối hợp với Meta) cũng rất là ý nghĩa để thúc đẩy các giải pháp công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số. Một chương trình nữa được Thủ tướng giao, đó là đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn và IA.
Chúng tôi cũng đang hoàn thiện đề án này và sắp sửa trình với Chính phủ để làm sao mà chúng ta có được nguồn nhân lực tốt nhất cho chuyển đổi số để nắm bắt được các cơ hội, xây dựng đất nước trong giai đoạn tới.
Các bạn cần bất cứ điều gì xung quanh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, những doanh nghiệp trẻ, các bạn thanh niên trẻ cần điều gì có thể liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng giúp khi các bạn cần.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, riêng với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Đảng Nhà nước luôn quan tâm và có các chính sách riêng với các khu vực này. Muốn chuyển đổi số thì phải có sóng và điện, nên Chính phủ tập trung lấp điểm lõm về sóng và điện. Dù có tốn kém nhưng cũng phải làm với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Có những cụm dân cư chỉ 3, 4 hộ dân cheo leo trên núi, thì Viettel, VNPT, EVN… và các cơ quan phải kéo điện và sóng. Cùng với đó, phải có sự ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho người dân, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa.
Có phương án chuyển đổi, đa dạng hóa thị trưởng lao động
Anh Bùi Kim Ngọc - công nhân Công ty Than Uông Bí - TKV đặt câu hỏi: Trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất nhanh, chúng ta đã tận mắt chứng kiến nhiều loại hình nghề nghiệp đang bị đe dọa bởi máy móc và AI có thể làm thay con người. Điều này có tạo ra thất nghiệp không? Chính phủ có giải pháp gì để tránh tạo ra thất nghiệp?
Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động không nhỏ đến việc làm và sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp. Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc vào sự thích ứng của nền kinh tế và sự thích ứng này sẽ diễn ra từ từ nên không xảy ra thất nghiệp hàng loạt. Muốn không thất nghiệp, thanh niên cần trang bị kỹ năng, kiến thức để thích ứng với nền kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Thị Hà cho biết, có 3 nhóm giải pháp mà Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành triển khai, trong đó chú trọng kết nối cung cầu, ứng dụng công nghệ để nâng cao chức năng của trung tâm hướng nghiệp việc làm, thu hẹp khoảng cách giữa nhà tuyển dụng và người lao động…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Hà trao đổi với thanh niên. Ảnh: VGP
Bên cạnh đó, sẽ tạo môi trường, điều kiện để doanh nghiệp và các ngành công nghệ phát triển nhằm tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; tạo việc làm; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; ưu tiên sử dụng nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên.
Trong giáo dục đào tạo, sẽ thu hút sinh viên vào các học ngành khoa học kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, tập trung đào tạo ngành cốt lõi, để tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, quá trình chuyển đổi số làm giảm lao động, tất yếu phải đối mặt với tình trạng đào thải lao động, thất nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có phương án chuyển đổi lao động, đa dạng hóa thị trưởng lao động, tạo việc làm cho những người không đáp ứng được chuyển đổi số. Thủ tướng cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển, nên thanh niên cần nâng cao kỹ năng, trình độ để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết, giải pháp cho thanh niên nông thôn chuyển đổi số có 02 việc mà Chính phủ đã và đang làm đó là nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng về chuyển đổi số và sẽ có chính sách phát triển chuyển đổi số ở vùng nông thôn.
Hỗ trợ thanh niên nông thôn chuyển đổi số
Chị Nguyễn Thị Trâm (Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong) cho rằng nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số. Đối với thanh niên nông thôn làm kinh tế, nền tảng cơ sở hạ tầng kém, thông tin ít, tài chính thiếu, rất khó áp dụng công nghệ mới. Vậy, Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay?"
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng việc chuyển đổi số trong nông nghiệp rất khó, nhưng lại dễ vì rất nhiều cơ hội. Đó là mảnh đất sơ khai, có nhiều công việc cần làm và làm là sẽ mang lại hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng thông tin, Chính phủ đang thực hiện Đề án 06, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó các bạn trẻ làm nông nghiệp có thể thành lập kho dữ liệu cập nhật cùng Đề án 06. Bên cạnh đó, các bạn cần cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, ngoài đi đầu thì phải giúp người khác trong chuyển đổi số.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, chuyển đổi số ở nông thôn cần có người dẫn dắt đó là thanh niên. Đặc biệt với người nông dân cần cầm tay chỉ việc nên chúng tôi rất kỳ vọng thanh niên là người đi đầu.
"Chúng tôi sẽ tập trung vào hỗ trợ thanh niên nông thôn kỹ năng bán hàng trực tuyến. Các bạn cần tiếp cận chuyển đổi số tích cực nhất, để ngoài chuyển đổi số cho mình còn chuyển đổi cho những người xung quanh", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị.
Với xu hướng thanh niên chuyển dịch về nông thôn, chúng tôi hy vọng công cuộc chuyển đổi số sẽ có nhiều chuyển biến tích cực với chính sách chung và những chính sách riêng Thủ tướng đã chỉ đạo.
Nghệ sĩ trẻ ứng dụng công nghệ để quảng bá văn hóa dân tộc
Ca sĩ Hoàng Thị Hồng Ngọc đến từ Nhà hát Ca múa nhạc quân đội đặt câu hỏi: Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật không đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số, là một nghệ sĩ bản thân tôi và các nghệ sĩ trẻ rất mong muốn Chính phủ quan tâm, chia sẻ những giải pháp, ứng dụng chuyển đổi số ứng dụng trong lĩnh vực này. Chúng tôi cần làm gì để có thể tiên phong về chuyển đổi số giúp cho việc phát triển nền công nghiệp văn hóa lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay?
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa là một trong những xu hướng lớn, xu hướng quan trọng trong thời gian hiện nay, để bảo đảm cho chuyển đổi số hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều định hướng chiến lược phát triển văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gần đây nhất là Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị đầu tiên về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có chuyển đổi số.
Bộ VHTTDL cũng đã có kế hoạch chuyển đổi số, đó là Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2021 phê duyệt về Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Ghi nhận những thành công về chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đối với văn hóa, Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tàng, di sản đã ghi nhận những thành công như ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, tại Huế, tại Quảng Nam, TPHCM và rất nhiều địa phương. Mới đây nhất, Bảo tàng Nghệ An đã có không gian trưng bày triển lãm rất đặc sắc và hiện đại. Bảo tàng Mỹ thuật có không gian trưng bày số có lượng truy cập lớn trong thời gian vừa qua.
Đối với lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, đây là lĩnh vực tiên tiến áp dụng được nhiều nhất các công nghệ mới, kể cả công nghệ AI tạo dựng, phục dựng được nhiều hình ảnh, số hóa các chương trình biểu diễn.
Về phim ảnh, Bộ VHTTDL đã có những thử nghiệm bước đầu xây dựng những trung tâm phát hành phim trực tuyến.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, mặc dù có những khó khăn bước đầu, nhưng trong lĩnh vực văn hóa đặc biệt là ở bảo tàng, di sản, phim ảnh và biểu diễn trong thời gian qua đã bám sát đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Bộ VHTTDL sẽ cố gắng để có những biện pháp tiếp tục tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhiều hơn nữa, bám kịp với sự phát triển của thế giới và hội nhập quốc tế.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trong văn hóa, có 3 vấn đề quan trọng là tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng. Chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao chất lượng, bản sắc, quảng bá văn hóa và theo kịp thời đại. Các nghệ sĩ có thể dùng công nghệ để quảng bá được văn hóa Việt Nam; tạo ra cơ hội hưởng thụ nhiều hơn và phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy văn hóa dân tộc.
Tại chương trình, sau khi trao đổi, trả lời các câu hỏi của thanh niên, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành cũng đặt ra một số câu hỏi với thanh niên nhằm làm rõ hơn chủ đề của chương trình đối thoại là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia".
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết trân trọng chuyển lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới đoàn viên, thanh niên cả nước nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm tới thanh niên, mong muốn thanh niên phát huy vai trò của mình, Đoàn luôn là lực lượng xung kích, cánh tay đắc lực của Đảng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận chương trình đối thoại
Theo Thủ tướng, cuộc gặp được tổ chức nhằm "chia sẻ, tâm sự, với niềm tự hào về đất nước, dân tộc Việt Nam, tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, tự hào về thanh niên Việt Nam, chúng ta hiểu nhau hơn, hiểu trách nhiệm của mình hơn, cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho nhân dân, cho đất nước".
Đánh giá cao chủ đề của cuộc đối thoại "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", Thủ tướng hoan nghênh những chia sẻ, ý kiến, câu hỏi, đề xuất và kiến nghị rất phong phú, đa dạng, sâu sắc, sát thực tiễn, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, với năng lượng, sức trẻ, sự cởi mở, tinh thần tiên phong, dấn thân, dám nghĩ, dám làm của thanh niên Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực, nhất là nhiệm vụ xung kích trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thay mặt thanh niên cả nước tặng hoa bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành đã tham gia đối thoại với thanh niên.
Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là xu thế tất yếu, là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số.
Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu tới năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP. Việt Nam là quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trong khu vực, nhưng chúng ta xuất phát điểm thấp, do đó mục tiêu là làm sao "đi sau nhưng về trước", theo kịp, tiến cùng và bứt phá vươn lên.
Theo Thủ tướng, có 5 yêu cầu đặt ra về chuyển đổi số đối với nền kinh tế: Xây dựng chiến lược bài bản, tổng thể với lộ trình phù hợp; Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; Đổi mới phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội theo hướng hiện đại, số hóa; Phát huy tính chủ động, sáng tạo, đột phá của mọi chủ thể, nhất là thế hệ trẻ; Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, thanh niên phải là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Thủ tướng đề nghị Đoàn Thanh niên cùng toàn thể thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần "Năm xung kích" trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia:
(1) Xung kích trong nâng cao nhận thức số
(2) Xung kích xây dựng, hoàn thiện thể chế số
(3) Xung kích phát triển hạ tầng số
(4) Xung kích đào tạo nguồn nhân lực số
(5) Xung kích trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp và văn hóa số
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị thanh niên Việt Nam phải có "Sáu khát vọng":
(1) Khát vọng đóng góp, cống hiến
(2) Khát vọng học tập, rèn luyện
(3) Khát vọng đổi mới, sáng tạo
(4) Khát vọng lập thân, lập nghiệp
(5) Khát vọng hội nhập, phát triển
(6) Khát vọng đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, sức mạnh toàn dân tộc