Phát huy tinh thần Chiến thắng Nghĩa Lộ, khơi dậy khát vọng cống hiến của thanh niên Yên Bái

14:44 18/10/2022     686

Công tác tuyên truyền, giáo dục   ĐTN: Nghĩa Lộ là một miền đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá đặc sắc, đây là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng thuộc vùng cửa ngõ phía Đông đi vào vùng Tây Bắc của Tổ quốc. Chiến thắng Nghĩa Lộ năm 1952 là chiến tích mang dấu ấn đậm nét trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mở màn cho Chiến dịch Tây Bắc huyền thoại.

Bảy thập kỷ trôi qua nhưng tinh thần Chiến thắng Nghĩa Lộ mãi còn nguyên giá trị. Tinh thần đó được các thế hệ thanh niên cả nước nói chung và thanh niên Yên Bái nói riêng gìn giữ, lan tỏa, phát huy và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến thắng Nghĩa Lộ, mở màn thắng lợi Chiến dịch Tây Bắc

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, xác định Nghĩa Lộ có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực miền núi Tây Bắc, Thực dân Pháp đã tăng cường lực lượng chiếm đóng, đẩy mạnh xây dựng bộ máy cai trị tay sai của chúng. Chính tại đây, thực dân Pháp đã cho xây dựng một hệ thống đồn bốt kiên cố nhằm án ngữ cửa ngõ Tây Bắc. Chúng bố trí nơi đây là phân khu quân sự mạnh nhất trong 4 phân khu của Pháp ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của chiến trường phía Tây, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Tây Bắc với trận mở màn là tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ vì đây chính là cánh cửa thép miền Tây. Đánh vào phân khu Nghĩa Lộ tức là đánh vào phân khu đầu não, phá tan phòng tuyến sông Đà, tạo thế và lực để quân ta tiến lên giải phóng Lai Châu và toàn bộ khu Tây Bắc.

Ngày 14/10/1952 chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, quân ta tiêu diệt sinh lực địch ở Ca Vịnh, Sài Lương để mở đường số 13 vào Nghĩa Lộ. Ngày 17/10, hai Trung đoàn 102 và 88 thuộc Đại đoàn 308 từ đỉnh cao 1.500 đổ xuống tiến vào chiếm lĩnh trận địa xung quanh Nghĩa Lộ.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Nghĩa Lộ, khơi dậy khát vọng cống hiến của thanh niên Yên Bái

Kế hoạch của Đại đoàn giao cho Trung đoàn 102 tiêu diệt Pú Trạng trước, sau đó Trung đoàn 88 tiêu diệt Nghĩa Lộ phố trong cùng một đêm. Đúng 17 giờ 05 phút, lợi dụng sương mù, Trung đoàn Thủ đô nổ súng tấn công Pú Trạng theo 3 mũi: Tiểu đoàn 54 tấn công mũi chủ yếu từ hướng Bắc; Tiểu đoàn 18 mũi thứ yếu tấn công từ hướng Tây; tiểu đoàn 79 mũi thứ hai tấn công từ hướng Đông. Hỗ trợ chiến đấu còn có 2 đại đội của tiểu đoàn 322 thuộc Trung đoàn 88 tăng cường.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, sau 3 giờ 25 phút ta làm chủ cứ điểm Pú Trạng, tiêu diệt 400 tên địch, bắt sống 117 tên cùng toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.

Rạng sáng ngày 18/10, trên đà thắng lợi, trung đoàn 88 (Trung đoàn Tu Vũ) đánh đồn Nghĩa Lộ phố, sau hơn 2 giờ tấn công, ta tiêu diệt gần 100 tên địch, bắt sống 235 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.

Chiến dịch Tây Bắc mở màn bằng Chiến thắng Nghĩa Lộ giúp cho Nghĩa Lộ, Văn Chấn và tỉnh Yên Bái được giải phóng hoàn toàn khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Chiến thắng Nghĩa Lộ có đã đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở thông đường vào Tây Bắc, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc; làm tiền đề thuận lợi cho các chiến dịch tiếp theo; tạo thế và lực cho trận quyết chiến, quyết thắng ở Điện Biên Phủ sau này.

Thắng lợi ấy có sự đóng góp không nhỏ của thanh niên và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, lực lượng tuổi trẻ Yên Bái đã tham gia tích cực kế hoạch vượt sông của 60.000 bộ đội và dân công phục vụ chiến dịch; tích cực vào công tác dẫn đường cho bộ đội. Trong công tác hậu phương chuẩn bị cho chiến dịch, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã đem bờ vai và sức trẻ của mình, khắc phục khó khăn, vượt qua đèo cao, suối sâu, mưa rét và bom đạn của địch, vận động 5.428 dân công; huy động hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho bộ đội, vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm vào mặt trận.

Lan tỏa ý nghĩa, tinh thần của Chiến thắng Nghĩa Lộ trong thế hệ trẻ

Chiến thắng Nghĩa Lộ là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sức mạnh cả về ý chí, tinh thần và vật chất của một dân tộc khát khao độc lập, tự do, không cam chịu nô lệ. Chiến thắng Nghĩa Lộ là một mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn nói riêng. Từ đây nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái được giải phóng khỏi ách kìm kẹp của chế độ thực dân bao đời nay, làm thất bại âm mưu của địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; Chiến thắng Nghĩa Lộ một sự kiện có ý nghĩa về chính trị, xã hội, quân sự, ảnh hưởng sâu rộng trong toàn tỉnh Yên Bái và các vùng lân cận.

Đối với thanh niên Yên Bái, tinh thần của Chiến thắng Nghĩa Lộ được thể hiện trong hành động, suy nghĩ với niềm tin và khát khao độc lập, tự do, không cam chịu nô lệ, xung kích, tiên phong trong các phong trào cách mạng; đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến thắng Đế quốc Mỹ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả trên nước bạn Campuchia và Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Sau ngày quê hương được giải phóng, tuổi trẻ và nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ, Yên Bái đã phát huy truyền thống đoàn kết, khẩn trương bắt tay vào khôi phục, xây dựng, ổn định cuộc sống mới, tiếp tục đóng góp to lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, tuổi trẻ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã huy động gần 32.000 thanh niên tham gia dân công mở đường 13A; vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm qua đèo Lũng Lô phục vụ chiến dịch, nhiều thanh niên người Thái, Tày, Mường đã hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, hy sinh anh dũng góp phần to lớn cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Giai đoạn từ năm 1954 đến 1975, thanh niên Yên Bái khẳng định rõ nét vai trò trong việc xây dựng quê hương vừa khắc phục hậu quả chiến tranh; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tạo thêm sức mạnh chuẩn bị cho công cuộc xây dựng trong tình hình mới vừa phải đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược và chi viện mạnh mẽ miền Nam. Lớp lớp thanh niên Yên Bái ưu tú, kiên trung đã lên đường nhập ngũ “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng”; dũng cảm chiến đấu, hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho quê hương, đất nước. Nổi bật đó là xây dựng 4 tiểu đoàn với gần 3.000 chiến sỹ trẻ mang tên Yên Ninh lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, trên 10.000 thanh niên Yên Bái tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những thanh niên của quê hương Yên Bái, lên đường ra trận khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi nhưng tâm thế của họ hiên ngang, hùng dũng cùng với tuổi trẻ cả nước lập nhiều chiến công “Đánh cho Mỹ cút, Đánh cho ngụy nhào”. Trong các cuộc kháng chiến, có 5.846 người con mảnh đất Yên Bái đã hy sinh.

Khi non sông nối liền một dải, đất nước thu về một mối, tinh thần của Chiến thắng Nghĩa Lộ lại được khơi dậy mạnh mẽ trong thanh niên bằng những khát vọng cống hiến, đóng góp trí lực trong công cuộc tái thiết đất nước. Lực lượng thanh niên lại là lực lượng đi đầu đem bàn tay, khối óc, sức trẻ của mình để xây dựng quê hương. Thanh niên Yên Bái sôi nổi, hăng hái tham gia vào các phong trào do tổ chức Đoàn phát động như phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”; phong trào “Thanh niên tình nguyện”... Các phong trào của đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; giúp thanh niên có được môi trường để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Những đóng góp của tuổi trẻ Yên Bái đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy; sự định hướng kịp thời, đúng đắn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt chức năng là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, xây dựng thế hệ thanh niên Yên Bái giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tổ chức các phong trào để phát huy thanh niên và chăm lo cho thanh niên.

Phong trào “Thanh niên tình nguyện” được triển khai rộng khắp, toàn diện từ tỉnh đến cơ sở; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2017 – 2022, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã triển khai trên 10.352 công trình, phần việc thanh niên giá trị làm lợi 130,4 tỷ đồng; xây dựng mới 19 cầu giao thông nông thôn; 328 nhà nhân ái. Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” với Cuộc vận động “Mỗi thanh niên một ý tưởng sáng tạo” đã được triển khai toàn diện, lan tỏa đến đoàn viên, thanh niên qua đó đã đề xuất trên 30.000 ý tưởng, sáng kiến được đánh giá cao, có tính thực tiễn và hỗ trợ nhiều mặt của đời sống xã hội; Phong trào “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” được chú trọng và triển khai đồng bộ, hiệu quả đến các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh, theo đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên về bảo vệ Tổ quốc.

Các cấp bộ Đoàn tiếp tục sáng tạo đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động đồng hành với thanh niên, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên có cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, lập nghiệp, rèn luyện phấn đấu và trưởng thành đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện hiệu quả vai trò, chức năng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thiếu nhi được học tập, vui chơi, rèn luyện và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Công tác xây dựng Đoàn; mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên có những bước tiến vững chắc. Công tác tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng triển khai nghiêm túc thông qua việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên về Đảng; đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng. Các cấp bộ đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động với hình thức phù hợp để góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…

Hình ảnh thanh niên Yên Bái hăng say lao động, sản xuất; say mê học tập, nghiên cứu khoa học, tích lũy tri thức để lập thân, lập nghiệp; xung kích tham gia tích cực cùng các lực lượng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã trở thành những hình ảnh thân thuộc, tạo những dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng và xã hội, tạo niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với thế hệ trẻ Yên Bái. Thanh niên Yên Bái thời kỳ mới đã thể hiện những tư duy mới, tinh thần sáng tạo không ngừng và luôn bộc lộ khát vọng, hoài bão để đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương.

Khơi dậy khát vọng cống hiến của thanh niên Yên Bái

Trong Chủ đề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khát vọng phát triển đất nước được khẳng định như một tuyên bố chính trị: “…khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”. Nghị quyết Đại hội XIII đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong rất nhiều vấn đề lớn của đất nước, đặc biệt là ở 3 khâu đột phá. Đảng đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với sự tham gia của thanh niên để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX cũng đã xác định một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển nhiệm kỳ 2020 - 2025 đó là: “Khơi dậy khát vọng vươn lên, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”…

Trong giai đoạn đất nước lầm than, thanh niên Yên Bái luôn khát vọng về sự tự do, độc lập của dân tộc. Trong thời kỳ hòa bình, hội nhập, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc như di nguyện và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” luôn là một khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng trong huyết quản của mỗi thanh niên.
Thời gian tới, công nghệ số phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thanh niên. Cấp ủy các cấp luôn quan tâm, đặt niềm tin sâu sắc, kỳ vọng to lớn, tạo mọi điều kiện để chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thế hệ trẻ. Đây là là môi trường thuận lợi cho thanh niên thể hiện vai trò trong đóng góp trí lực xây dựng quê hương. Tuy nhiên, quá trình phát triển của công nghiệp hóa, đô thị hóa, kinh tế thị trường, mạng xã hội là những tác động và thách thức không nhỏ đối với thanh niên Yên Bái.

Từ bài học về sự vận dụng sáng tạo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Yên Bái; tranh thủ thời cơ, biết phát huy tinh thần đoàn kết; tinh thần không ngại khó, ngại khổ để làm nên Chiến thắng Nghĩa Lộ oanh liệt, vẻ vang. Để khơi dậy mạnh mẽ hơn khát vọng cống hiến của thanh niên Yên Bái, trong thời gian tới Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái sẽ triển khai tốt một số nội dung sau: 

Một là, tập trung nâng cao tính chính trị của đội ngũ đoàn viên và tính tiên phong, gương mẫu của đoàn viên, thanh niên; ngăn chặn từ sớm, từ xa những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Triển khai đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh với chủ đề “Khát vọng cống hiến, lẽ sống thanh niên”gắn với những giải pháp quan trọng trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu niên, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng thế hệ trẻ Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Thông qua đó, mỗi đoàn viên, thanh niên đặt lợi ích cá nhân mình hòa chung với dòng chảy của đất nước, của dân tộc, tạo nên sức mạnh cộng sinh to lớn, nhằm góp phần tạo ra những giá trị phát triển mới cho đất nước, của tỉnh.

Hai là, tiếp tục kiên trì và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giáo dục cho thanh niên, nhất là giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, giáo dục những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mỗi giai đoạn phát triển đòi hỏi tổ chức Đoàn phải luôn làm mới mình, bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội. Các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh phải truyền được cảm hứng, khơi dậy những khát vọng cao đẹp và hành động để hiện thực hóa những khát vọng đó trong mỗi thanh niên bằng những chương trình, hoạt động cụ thể. Hoạt động giáo dục cho thanh niên phải bắt nhịp nhanh hơn trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và xu hướng biến đổi nhanh chóng của giới trẻ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tiện ích của internet, mạng xã hội để tập hợp, định hướng, giáo dục thanh, thiếu niên.

Tiếp tục thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tích cực xây dựng các điển hình tiên tiến đi đầu trong xây dựng lối sống lành mạnh, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, ích kỷ; Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - Tổ chức Đoàn - xã hội trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ toàn diện về mọi mặt.

Ba là, xác định giáo dục thông qua phong trào hành động cách mạng là phương thức trọng tâm, mang lại hiệu quả cao, như V.I. Lê-nin đã từng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Đoàn thanh niên là phải tổ chức hoạt động thực tiễn của mình thế nào để khi học tập, khi tổ chức nhau lại, khi tập hợp nhau lại, khi đấu tranh, tầng lớp thanh niên ấy tự giáo dục mình và đồng thời cũng giáo dục cho tất cả những ai đã công nhận họ là người dẫn đường chỉ lối, để trở thành những người cộng sản. Phải làm cho toàn bộ sự nghiệp giáo dục, rèn luyện và dạy dỗ thanh niên ngày nay trở thành sự nghiệp giáo dục đạo đức cộng sản trong thanh niên”. Các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 40-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhất là các nhiệm vụ đòi hỏi vai trò xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ như: đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển các thành phần kinh tế; chuyển đổi số; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, chăm lo phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên…

Đổi mới trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, định hướng cho thế hệ trẻ tỉnh nhà, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.  Chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, bám sát trọng tâm công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, đảm bảo triển khai hiệu quả, thực chất, không phô trương, hình thức; vừa giáo dục truyền thống, bồi đắp thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, vừa tạo môi trường tốt cho thanh niên rèn luyện, trải nghiệm, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ học tập lý luận chính trị đối với đoàn viên. Chú trọng các nội dung rèn luyện về lý tưởng cách mạng, nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, gắn nội dung rèn luyện với việc khắc phục biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đoàn viên, thông qua chương trình “Rèn luyện đoàn viên”.

Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, không ngừng tu dưỡng rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác; thực sự là người bạn gần gũi của thanh niên, không kiêu căng, tự mãn, xa rời thanh niên, xa rời thực tiễn; không rơi vào suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, của tỉnh đòi hỏi người cán bộ đoàn phải luôn tiên phong, có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, biết làm, năng động và sáng tạo, luôn sẵn sàng gạt bỏ “cái tôi” sang một bên vì lợi ích chung, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Chú trọng rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ đoàn gắn với việc đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ đoàn, hội, đội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đoàn.

 Năm là, phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao cả số lượng và chất lượng việc giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” trong tình hình mới. Chủ động đào tạo, bồi dưỡng, phát huy cán bộ trẻ, đặc biệt là những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; qua đó, tạo nguồn cán bộ trẻ chất lượng cao giới thiệu để bổ sung cho cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Tham mưu cấp ủy đưa cán bộ trẻ có năng lực của các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội sang làm công tác đoàn thanh niên.

Trong mỗi thanh niên bao giờ cũng có ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên và khát khao được cống hiến. Khát vọng đó ở từng thời điểm, từng lứa tuổi có thể khác nhau, độ chín chiều sâu có thể cũng khác nhau nhưng chắc chắn rằng thanh niên luôn mong muốn đóng góp nhiều nhất cho quê hương, cho cộng đồng và xã hội. “Khát vọng sẽ là định hướng cao đẹp để mỗi bạn trẻ nỗ lực cố gắng, phấn đấu không ngừng hàng ngày, qua từng công việc của mình”.

Mỗi thanh niên Yên Bái sẽ luôn “cháy” trong mình ngọn lửa tinh thần Chiến thắng Nghĩa Lộ; ngọn lửa của tinh thần dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tinh thần đó hiện hữu bằng những việc làm sáng tạo, chủ động triển khai các phong trào; bằng sự xung kích đi đầu trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, tích cực tham gia chuyển đổi số. Tuổi trẻ Yên Bái sẽ đóng góp xứng đáng trong quá trình xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030./.

 

BTV Tỉnh đoàn Yên Bái khóa XV