Phải hết sức tạo điều kiện để các đội viên hoàn thành nhiệm vụ

17:04 26/06/2013     3235

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Sáng ngày 26/6, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo.
Được Chính phủ phê duyệt tháng 01/2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4/2011, Dự án nhằm thực hiện 3 mục tiêu: tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ và đã góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ.

Dự án thu hút hàng nghìn trí thức trẻ quan tâm và đã có hơn 1.700 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Qua tuyển chọn, sàng lọc, Ban Quản lý dự án đã chọn được 580 trí thức trẻ cho vị trí Phó Chủ tịch UBND xã.

a
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ ở các xã nghèo


Tại Hội nghị, đánh giá về kết quả triển khai thực hiện giai đoạn I Dự án, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, sau một năm thực hiện dự án, các đội viên Dự án có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Luôn nêu cao tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương; khiêm tốn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm. Có ý thức tổ chức kỷ luật; gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của tổ chức, cơ quan nơi làm việc; chấp hành tốt các quy định của pháp luật; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức; phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nơi công tác.

Qua đánh giá của các xã, huyện, tỉnh có 68/580 đội viên dự án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 11,72%); có 352/580 đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 60,69%) và 160/580 đội viên hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 27,59%)

Các đội viên tích cực bám nắm cơ sở, tìm hiểu phong tục, tập quán địa bàn công tác; có trách nhiệm, tận tâm tận lực với nhiệm vụ được phân công; chủ động nghiên cứu nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Có mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi với cán bộ, công chức ở cơ sở; có tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau; tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cấp trên, của đồng nghiệp và ý kiến của nhân dân.

Bên cạnh mặt đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, dự án còn một số tồn tại, hạn chế như một số cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức, ở địa phương chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của Dự án nên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án cũng gặp một số khó khăn nhất định; đa số đội viên của Dự án chưa có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động quản lý nhà nước ở cấp xã; hầu hết cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có đội viên Dự án về công tác chưa có hướng quy hoạch, đào tạo bố trí và sử dụng đội viên dự án sau khi hoàn thành nhiệm vụ nên phần nào tác động đến tư tưởng của đội viên Dự án và các bộ, công chức ở xã...

Nhiều mô hình, đề án được triển khai

Trong số các đội viên, nhiều đội viên Dự án đã chủ động nghiên cứu, vận dụng kiến thức chuyên môn, kỹ thuật vào việc hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; xây dựng và đề xuất các chương trình, đề án, dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận.

a
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đ/c Lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm với các đội viên dự án 600

Về lĩnh vực kinh tế đã triển khai thực hiện thành công các mô hình, đề án, dự án như: Đề án "Trồng gừng trong bao", Đề án "Phát triển cây cao su" của đội viên Lê Tiên Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Phúc, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị; Đề án "Nhân rộng các mô hình mía nguyên liệu, rau an toàn và bò sinh sản" của đội viên Trần Điệp Trùng Dương - Phó Chủ tịch xã Quế Sơn, Quế Phong, Nghệ An; Đề án "Phát triển Du lịch cộng đồng" của đội viên Nguyễn Thị Huyền - Phó Chủ tịch xã Xuân Cầm, Thường Xuân, Thanh Hóa; Dự án "Trồng chè Shan" của đội viên Ninh Thị Kim Thảo - Phó Chủ tịch xã Bản Xen, Mường Khương, Lào Cai; Dự án "Trồng khoai tây" của đội viên Nguyễn Thành Phong - Phó Chủ tịch xã Tuấn Đạo, Sơn Động, Bắc Giang…

Cơ hội để đóng góp sức trẻ

Các bạn trẻ cho biết, khi về công tác tại xã, các đội viên Dự án luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của bà con nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt các cấp lãnh đạo (cấp tỉnh, cấp huyện) đã thường xuyên cử các đoàn công tác xuống kiểm tra trực tiếp tại các xã có đội viên Dự án để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội viên, kịp thời biểu dương những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại yếu kém trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để có hướng khắc phục trong thời gian tiếp theo.

Tuy vậy, nhiều đội viên cũng gặp không ít những khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ và những  hiểu biết về phong tục, tập quán của nhân dân địa phương. Điều đó dẫn đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, nắm bất tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu ý kiến của nhân dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, là sinh viên mới ra trường, tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn dẫn đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cũng như công tác chỉ đạo đối với nhiệm vụ được giao có lúc chưa kịp thời và còn lúng túng...

Tại Hội nghị, nhiều đội viên Dự án bày tỏ việc tham gia dự án là cơ hội để giúp trí thức trẻ rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn, đồng thời là cơ hội để đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, các đội viên cũng mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, xem xét giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các đội viên dự án yên tâm công tác; phát huy được hết khả năng của mình; định kỳ tổ chức Hội nghị tập huấn để các đội viên được tiếp thu, cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm mới nhằm phục vụ nhiệm vụ công tác tại địa phương được tốt hơn.

Phải hết sức tạo điều kiện để các đội viên hoàn thành nhiệm vụ

Tại Hội nghị sơ kết Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ trong quá trình tổ chức triển khai Dự án, biểu dương tinh thần nhiệt huyết của 580 đội viên Dự án đã tình nguyện về làm Phó Chủ tịch các xã nghèo trong cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện dự án có ý nghĩa thiết thực góp phần đào tạo, tạo nguồn cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở. Qua thực tế thực hiện dự án cũng góp phần xây dựng cơ chế chính sách về cán bộ, về điều chuyển cán bộ... Dự án tuy mới thực hiện được một năm song đã có những kết quả bước đầu, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thủ tướng cho rằng, hầu hết trong số 580 đội viên đều thích nghi với nhiệm vụ mới, nắm bắt nhiệm vụ, tự tin, mạnh dạn đề xuất thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn bó với cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân nơi mình công tác.

a
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự tin tưởng các đội viên Dự án sẽ tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó, tính năng động, sáng tạo, tiên phong, gương mẫu của tuổi trẻ, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà địa phương đề ra.

Thủ tướng cũng phấn khởi cho rằng, trong một năm qua đã có 49 đội viên được kết nạp vào Đảng, 65 đội viên đang học cảm tình Đảng, bổ sung cho đội ngũ của Đảng những trí thức trẻ, đầy năng lực, nhiệt huyết.

Thủ tướng cũng bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của 580 đội viên trong quá trình làm Phó Chủ tịch ở các xã nghèo. Thủ tướng cũng đề nghị các đội viên về làm Phó Chủ tịch xã phải nắm sâu, nắm chắc nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương; nghiên cứu chủ trương chính sách của Đảng ở những địa bàn được phân công để từ đó đề cao trách nhiệm và đề xuất, tham gia hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thủ tướng cũng lưu ý các đội viên hết sức khiêm tốn, gắn bó với tập thể, Đảng ủy, chính quyền, nhân dân ở địa bàn công tác. Phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành từ những việc nhỏ để có uy tín, lòng tin với dân.

Để thực hiện tốt chương trình thí điểm, Thủ tướng đề nghị các Bộ, Trung ương Đoàn, các địa phương cùng nhau thống nhất đây là dự án nhằm tăng cường nguồn nhân lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp cũng như nhân dân có trách nhiệm tạo môi trường, tạo điều kiện để cán bộ trẻ được khẳng định, được cống hiến, được trưởng thành từ thực tiễn. Đây là nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, cho hệ thống chính trị. “Phải nhận thực rõ yêu cầu này để có quan tâm, chỉ đạo đúng mức. Trong đó, phải hết sức tạo điều kiện cho các đội viên hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ là nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt mà còn là giao việc, hướng dẫn, giúp đỡ các đội viên”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với các đội viên Dự án. Bộ cũng quan tâm đến việc bồi dưỡng kiến thức, chẳng hạn về xóa đói giảm nghèo, cải cách hành chính… để các đội viên có thêm kiến thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh cần tiếp tục quan tâm tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức quản lý Nhà nước và kỹ năng cần thiết cho đội viên Dự án. Nội dung và phương pháp tập huấn cho đội viên Dự án phải bám sát yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn công tác của đội viên Dự án, chú trọng nâng cao năng lực tư duy; kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội viên Dự án.