Nước mắt 3 anh em mồ côi

15:17 16/11/2011     2181

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Cha mất sớm, 3 anh em nương tựa vào mẹ. Nghèo đói, hai người anh, chị phải nghỉ học từ năm lớp 9 đi làm thuê kiếm sống. Và nay, người em út cũng đang phải đối mặt với nguy cơ phải nghỉ học khi người mẹ qua đời sau một tai nạn.
Người phụ nữ tận cùng nỗi khổ

Ông xóm trưởng Lê Văn Đức đã nói với chúng tôi như thế khi hỏi thăm đường vào nhà chị Nguyễn Thị Hoài (xóm 7, xã Nghi Thịnh, Nghi Lộc, Nghệ An). Căn nhà nhỏ khiêm nhường nép mình bên những căn nhà tầng đồ sộ lại càng tuềnh toàng, đơn sơ đến tội nghiệp. Trong mùi hương cay mũi, cái nóng càng trở nên ngột ngạt hơn.

"Căn nhà này được anh em bên ngoại giúp đỡ sau khi bố em qua đời được ít lâu. 7-8 năm trời rồi nhưng nhà vẫn chưa thể làm nổi cái cửa để đóng lại khi có gió mùa. Hôm trước mẹ còn động viên 3 anh em cố gắng tích cóp để lắp cái cửa cho cái nhà đỡ trống trải. Ước nguyện chưa thành thì mẹ đã bỏ 3 anh em đi rồi…”, Cần Văn Thành - cậu con trai cả của chị Hoài thổn thức. Nước mắt của cậu con trai 20 tuổi khiến những người có mặt không khỏi bùi ngùi.


3 anh em trước bàn thờ mẹ

Khi chị Hoài lấy anh Cần Văn Hải thì anh Hải đã qua một đời vợ. Sau một cơn bạo bệnh, chị ấy ra đi để lại cho chồng một đứa con mới chưa tròn tuổi. Gửi con về nhà ngoại, anh Hải sống thui thủi một mình. Chị Hoài thương lắm. Về làm vợ anh rồi, hai vợ chồng nai lưng làm lụng nhưng cuộc sống vốn chẳng dễ dàng lại càng khó khăn hơn khi lần lượt Cần Văn Thành (SN 1991), Cần Thị Tâm (SN 1994) và Cần Thị An (SN 1997) chào đời.

Cuộc sống của gia đình nhỏ này càng khốn khó hơn khi anh Hải bỗng nhiên sinh bệnh. Những lúc tỉnh táo thì thôi, mỗi khi lên cơn anh nọc vợ con ra đánh một trận nhừ tử. Ấy thế nhưng khi tỉnh anh lại làm cật lực để bù đắp cho vợ con. Sau một đêm túng quẫn, anh quyết định giải thoát cho mình bằng một sợi dây phanh xe đạp để lại cho chị Hoàn 3 đứa con, hồi đó bé An mới được 6 tuổi.


Gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai chàng trai 20 tuổi

Khó khăn chồng chất lên đôi vai gầy guộc của chị Hoài. Dẫu có cố gắng đến đâu thì cũng chỉ đủ cho con ngày 3 bữa cơm. Chị đã đứt từng khúc ruột, bất lực mà nhìn thằng Thành, con Tâm lần lượt phải bỏ học vì nhà quá nghèo. Rời vòng tay bao bọc của mẹ, Thành và Tâm lăn lộn trường đời kiếm tiền gửi về giúp mẹ trả nợ và nuôi em ăn học.

“Nghèo khó nhưng mự (mợ) ấy sống có tình có nghĩa lắm. Nhà ai có việc, hàng xóm đau ốm là mự ấy lăn xả vào giúp như thể việc của mình. Tôi chưa thấy ai khổ như mự ấy. Để cho con đủ ngày 3 bữa cơm mự Hoài không nề hà việc chi cả, từ gặt, cấy thuê, phụ hồ, dọn hố tiêu… việc chi mự cũng làm miễn là kiếm được đồng tiền chính đáng. Rứa mà năm mô cũng thuộc diện hộ nghèo. Mự ấy buồn lắm, bảo: “Nhà em 3 người làm nuôi một người học mà vẫn cứ nghèo”. Vừa rồi 3 mẹ con động viên nhau làm lụng để thoát khỏi “danh hiệu” hộ nghèo mà nhiều người vẫn đang làm mọi cách “phấn đấu” kiếm một suất để mong được hưởng ít lợi từ chính sách của nhà nước.


Mẹ mất, cô bé Cần Thị Tâm phải nghỉ việc ở nhà gánh vác việc đồng áng

Năm 2010, gia đình mự Hoài chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo. Chưa kịp vui thì xẩy ra cơ sự này. Thật đời tôi chưa thấy ai khổ như mự ấy. Thương lắm nhưng làng xóm ai cũng nghèo, chỉ lo được cho mự ấy đám tang tươm tất. 3 đứa con chị Hoài giờ trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ, có khi con bé An cũng phải chịu cảnh thất học như anh chị nó thôi”, ông xóm trưởng Lê Văn Đức thở dài.

Ngày 30/8, trong lúc trèo cây mít, chị Hoài bị ngã xuống. Cú ngã từ độ cao 3 mét xuống đất khiến chị gãy 2 đốt sống cổ, dập tủy, phù tụy. Đến bệnh viện tỉnh kiểm tra và chuyển thẳng ra bệnh viện Hà Nội. Ra Hà Nội, các bác sỹ lắc đầu vì vết thương quá nặng không thể cứu chữa được nữa. Về nhà, gắng gượng được 3 ngày thì chị tắt thở để lại 3 đứa con thêm một lần mồ côi.

Em phải thay mẹ nuôi em!

Trong ngôi nhà bé tý tẹo, nóng hầm hập như cái hầm mặc dù cửa giả vẫn chưa có. Cả nhà chỉ có 1 cái quạt điện cũ kỹ, thường ngày Thành vẫn nhường mẹ và em ngủ. Còn mùa đông, 3 mẹ con co ro trong căn nhà thông thống gió (em Tâm đi làm giúp việc chỉ ngày giỗ tết mới về). Căn nhà đã được dựng lên từ 7 năm nay từ sự giúp đỡ của anh em bên ngoại nhưng mãi vẫn chưa thể lắp được cửa sổ và cửa chính bởi chủ nhân của nó quá nghèo.

Trong góc nhà tranh tối tranh sáng, Thành vẫn ngồi nhìn ra phía cửa như vô định. Thường ngày, dù Thành có về muộn thế nào thì mẹ vẫn ngồi đó đợi Thành về mới chịu ăn cơm. “Hồi đó học không giỏi nhưng em thích đi học lắm. Nhưng em đi học thì mẹ em phải khổ nhiều nữa. Em quyết định bỏ học mặc dù mẹ hết sức khuyên ngăn”.

14 tuổi, Thành khăn gói lên huyện miền núi Quế Phong đi mổ gà, nấu cơm, giặt giũ cho người bà con làm nghề chạy chợ. Được 1 năm, lại đi trông coi vật liệu cho một chủ thầu xây dựng trong làng rồi xin làm phụ hồ, mỗi ngày kiếm được 35.000 đồng. Bằng sự chịu khó học hỏi, dần dần Thành được ông chủ quý mến và cân nhắc lên làm thợ xây chính.

Thành cho biết: “Tiền công mỗi ngày 100.000 đồng, cộng với tiền công mỗi tháng 1,5 triệu của em Tâm và tiền mẹ làm ruộng, trông nom, quét tước nhà cửa cho chú hàng xóm cũng đủ để mấy mẹ con sống tằn tiện. Mẹ động viên 2 anh em cố gắng để mùa đông này lắp cái cửa gỗ cho nhà kín gió đỡ lạnh nhưng giờ thì mẹ không có cơ hội được sống trong căn nhà kín đáo đó nữa rồi chị ạ”.

Giờ em định tính sao? - tôi hỏi. Thành buồn bã thở dài. Tiếng thở dài của chàng thanh niên 20 tuổi sớm phải lăn lộn với đời để gánh vác gia đình nghe thật xót xa. “Mẹ mất rồi, 3 anh em không thể tan đàn xẻ nghé được, em cũng động viên em Tâm nghỉ việc ở nhà chăm lo vườn tược, ruộng đồng. Em phải đi làm trả nợ. Sau khi lo cho mẹ đi viện và tiền ma chay, giờ em đang phải “gánh” 1 khoản nợ lên tới 20 triệu đồng. Ông ngoại già yếu, các cậu mự cũng khó khăn lắm. Còn bên nội còn những ai em cũng không biết ngoài người anh cùng cha khác mẹ hiện đang vừa đi học vừa đi làm trong Nam. Hồi ấy bố em lúc tỉnh, lúc mê nên cũng chẳng biết tổ tông, dòng giống ở mô mà tìm.


Liệu Cần Thị An có chịu chung cảnh thất học như những người anh, chị của mình?

Em phải thay mẹ nuôi em An ăn học đến nơi đến chốn. Em và Tâm đã phải nghỉ học rồi, không thể để em An cũng phải thất học được. Em chỉ mong trời cho sức khỏe để làm lụng nuôi các em. Ước mơ của em là em An có thể tiếp tục được đến trường rồi thi đại học. Cứ nghĩ đến khi em An vào đại học thì khổ cực thế nào em cũng chịu được”.

Nói đến đó, Thành xin phép ra sân sửa sang cái giường cũ. Đây là cái giường cưới của bố mẹ Thành: “Hơn hai chục năm rồi, các chân giường đã hư hỏng hết, phải lấy gạch để kê, nan giường cũng ọp ẹp hết cả rồi nhưng trước lúc mất, mẹ nhất định không cho đốt. Mẹ bảo để lại 3 anh em còn có cái ngả lưng. Em cũng sửa lại để em An, em Tâm dùng. Có cái giường, chúng em còn cảm nhận được hơi ấm của mẹ chị ạ.”. Sống mũi tôi cay cay khi nghe chàng trai 20 tuổi trải nỗi lòng của một người anh thay cha mẹ nuôi em.