Nỗi lòng đội viên Dự án 600 ở Lào Cai
17:48 09/12/2015 1275
Công tác tuyên truyền, giáo dục Sau những thành công đáng ghi nhận, góp phần làm thay đổi diện mạo các xã nghèo là nỗi niềm không biết “tỏ cùng ai” của những đội viên Dự án 600 tri thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã (Dự án 600) tại tỉnh Lào Cai.
Những cán bộ mẫn cán
Là người khởi xướng mô hình chuyển đổi từ cây trồng truyền thống (ngô, lúa) sang cây dược liệu atiso, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối, huyện Bắc Hà Phạm Văn Điều đã giúp bà con bỏ tư duy làm ăn theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững. Để có 5 ha cây dược liệu atiso trồng tại xã Na Hối như hôm nay, Phó Chủ tịch Phạm Văn Điều cùng cán bộ xã phải đi đến từng nhà, tuyên truyền, phân tích lợi ích của việc trồng cây atiso, rồi phổ biến cho bà con cách trồng, chăm sóc, thu hái lá atiso đạt hiệu quả kinh tế cao nhất; đồng thời thành lập hợp tác xã (HTX), đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế cao loãng atiso với sự giúp đỡ của UBND huyện. Đến nay, người dân chỉ phải tập trung trồng, chăm sóc cây atiso, còn HTX chịu trách nhiệm thu mua nguyên liệu, nấu thành cao và bán cho đối tác.
Là người khởi xướng mô hình chuyển đổi từ cây trồng truyền thống (ngô, lúa) sang cây dược liệu atiso, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối, huyện Bắc Hà Phạm Văn Điều đã giúp bà con bỏ tư duy làm ăn theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững. Để có 5 ha cây dược liệu atiso trồng tại xã Na Hối như hôm nay, Phó Chủ tịch Phạm Văn Điều cùng cán bộ xã phải đi đến từng nhà, tuyên truyền, phân tích lợi ích của việc trồng cây atiso, rồi phổ biến cho bà con cách trồng, chăm sóc, thu hái lá atiso đạt hiệu quả kinh tế cao nhất; đồng thời thành lập hợp tác xã (HTX), đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế cao loãng atiso với sự giúp đỡ của UBND huyện. Đến nay, người dân chỉ phải tập trung trồng, chăm sóc cây atiso, còn HTX chịu trách nhiệm thu mua nguyên liệu, nấu thành cao và bán cho đối tác.
Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối Phạm Văn Điều trao đổi với người dân kỹ thuật trồng cây a - ti - sô. |
Một trong những người đầu tiên tham gia trồng cây atiso là ông Vàng Chí Lương, thôn Km 6, xã Na Hối. “Được sự giúp đỡ của xã và nhất là Phó Chủ tịch Phạm Văn Điều xuống tận nơi, cầm tay chỉ việc, gia đình tôi đã chuyển đổi 3.000 m2 trồng lúa sang trồng cây atiso. Nếu ngày trước, cũng trên diện tích này, trồng lúa chỉ cho thu nhập 8 triệu đồng thì bây giờ đạt 30 triệu đồng, gấp gần 4 lần, giấc mơ thoát nghèo không còn xa. Tôi mong địa phương sẽ có nhiều cán bộ như Phó Chủ tịch Điều để giúp bà con cách làm, sớm thoát nghèo” – ông Lương chia sẻ.
Hình ảnh Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố Tráng Seo Pao cầm thước đi đo đạc, kẻ vẽ,… rồi xắn tay tham gia đổ đường bê tông liên gia, ngõ xóm không còn xa lạ với bà con nơi đây. Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Seo Pao từ lâu đã trở thành “người một nhà” với bà con xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà). Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, nhưng không theo đuổi ước mơ trở thành kiến trúc sư, Tráng Seo Pao tình nguyện nộp đơn xét tuyển vào Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, quyết tâm trở về gắn bó trên chính mảnh đất quê hương. Sinh ra và lớn lên ở Hoàng Thu Phố, nên Pao hiểu rõ nhất những khó khăn của bà con nơi đây, đặc biệt là khi đường giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, khiến việc đi lại của bà con hết sức vất vả. Từ thực tế đó, Tráng Seo Pao lên kế hoạch, đề nghị huyện ủng hộ việc đổ bê tông các tuyến đường giao thông trong xã, đồng thời tự Pao đi liên hệ, huy động thêm nguồn lực đầu tư. Năm 2012, nhờ sự hỗ trợ của UBND huyện Bắc Hà và sự đóng góp của nhân dân, những đoạn đường bê tông đầu tiên xuất hiện trên mảnh đất này. Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Seo Pao cho biết: “Đến nay, xã Hoàng Thu Phố đã có 13,5 km đường liên gia, ngõ xóm, 5 km đường liên thôn, tất cả đều nhờ công sức của bà con và sự hỗ trợ từ UBND huyện. Từ ngày có đường bê tông, việc đi lại, giao thương trở nên dễ dàng với bà con xã Hoàng Thu Phố”.
Theo đánh giá của cấp ủy đảng, chính quyền xã Hoàng Thu Phố, Phó Chủ tịch Tráng Seo Pao là người tận tâm với công việc, rất gần dân, sát dân để nắm tâm tư, nguyện vọng của bà con. “Những tuyến đường mà Pao cùng cán bộ và nhân dân xã làm tuy nhỏ, nhưng đã mang lại ý nghĩa lớn, giúp người dân trong xã đi lại thuận lợi, nông sản được tiêu thụ nhiều hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Năm 2016, xã sẽ bố trí đồng chí Pao thử sức ở lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nếu làm tốt, xã sẽ có phương án đề xuất lên cấp trên, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đồng chí Pao yên tâm công tác” - đồng chí Lý Seo Sùng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết.
Không chỉ Phạm Văn Điều, Tráng Seo Pao, mà 32 đội viên còn lại của dự án 600 Phó Chủ tịch xã vẫn đang ngày đêm hăng say, cống hiến hết mình cho công việc. Những thành công bước đầu đã chứng minh bản lĩnh và trí tuệ của trí thức trẻ nơi gian khó.
Nỗi lòng các đội viên
Chỉ hơn 1 năm nữa, Dự án 600 Phó Chủ tịch xã sẽ kết thúc, còn bao nhiêu kế hoạch dang dở, dự định cùng bà con đuổi cái nghèo… nhưng phần lớn các đội viên tham gia dự án vẫn chưa biết tương lai của mình sẽ đi về đâu.
Giống như hơn 30 đội viên khác của dự án, đồng chí Bùi Thị Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mế (Si Ma Cai) đã có nhiều cống hiến cho địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, giờ đây chị cũng đang băn khoăn về “điểm dừng chân” tiếp theo của mình khi dự án kết thúc. “Tôi chỉ mong muốn kéo dài thời gian thực hiện dự án, vì bản thân còn ấp ủ nhiều kế hoạch, muốn thực hiện cùng với bà con nơi đây. Nếu dự án kết thúc, tôi mong muốn chính quyền các cấp có thể bố trí, sắp xếp cho tôi một vị trí, công việc phù hợp với năng lực, để được tiếp tục cống hiến sức trẻ trên vùng đất khó…” - Bùi Thị Chung trăn trở.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố Tráng Seo Pao cùng người dân làm đường bê tông |
Cùng chung suy nghĩ, Phó Chủ tịch Phạm Văn Điều chia sẻ: “Gắn bó gần 4 năm với mảnh đất Na Hối, tôi coi đây như quê hương thứ 2 của mình. Na Hối còn nhiều khó khăn, nên tôi mong muốn được ở lại đây, gắn bó với bà con”.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, trong số 34 đội viên thuộc Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, có 33 đội viên đã hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày 19/12/2014, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành hướng dẫn số 52/HD-UBND về hướng dẫn quy hoạch, bố trí, sử dụng đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Theo đó, các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương đã đánh giá, xếp loại, đề xuất 22 đội viên sẽ đưa vào quy hoạch các chức danh chủ chốt trong cấp ủy đảng, chính quyền xã; 12 đội viên còn lại chưa có tên trong quy hoạch. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 3 đội viên của các xã: Mản Thẩn, Cán Cấu, Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai được bầu vào các chức danh Phó Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã.
Đồng nghĩa với đó, 31 đội viên còn lại, dù được quy hoạch hay không, nếu hết thời gian thực hiện dự án, mà không có chức danh thì họ sẽ phải tự tìm cho mình một con đường khác. Tuy nhiên, với những gì họ đã cống hiến cho địa phương trong suốt những năm qua, liệu có nên để họ phải ra đi..?