Những ý tưởng táo bạo xây dựng nông thôn mới

18:38 09/09/2012     2073

Công tác tuyên truyền, giáo dục   "Đa số các thủ khoa nhận thức sâu sắc về Chương trình xây dựng nông thôn mới và đề xuất nhiều giải pháp hay, mới, táo bạo và có tính khả thi, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội sẽ hoàn thiện các ý tưởng đó để đề xuất, kiến nghị với Ban chỉ đạo Trung ương, để Chương trình xây dựng nông thôn mới nhanh về đích hơn".
    Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội Hoàng Thanh Vân tại buổi tọa đàm "Thủ khoa với xây dựng nông thôn mới" do Thành đoàn Hà Nội tổ chức vừa qua.

    Tọa đàm "Thủ khoa với xây dựng nông thôn mới" trong khuôn khổ Chương trình gặp mặt và tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện TP Hà Nội năm 2012 chính là tạo cơ hội cho các thủ khoa đóng góp trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhiều thủ khoa sinh ra và lớn lên ở các vùng quê, có nhiều ý tưởng bất ngờ khiến nhiều chuyên gia, lãnh đạo ngành nông nghiệp Thủ đô tâm đắc. Ví dụ như ý tưởng xây dựng "Bộ tiêu chí gia đình hộ nông dân" là nhằm cái đích tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong quần thể xóm, làng, thôn, bản.

a
Các thủ khoa đã có nhiều ý tưởng đóng góp cho việc xây dựng nông thôn mới.

    Phân tích về ý tưởng này, thủ khoa Đỗ Hữu Hưng, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình mạnh thì xóm, làng mạnh. Những tiêu chí cho từng gia đình như: Để rác đúng nơi quy định; chăn nuôi hợp vệ sinh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định; tuyên truyền bảo vệ môi trường…vừa thiết thực về nội dung, vừa là biện pháp giám sát lẫn nhau giữa các hộ nông thôn, có ý nghĩa thúc đẩy thi đua, là rất cần thiết. Các nội dung tiêu chí trong gia đình cũng dựa trên bộ tiêu chí chung của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng phạm vi hẹp, cụ thể hơn, dễ thực hiện. Khi các hộ thực hiện tốt Bộ tiêu chí gia đình, cũng là góp phần thực hiện tốt các tiêu chí chung.

    Một ý tưởng khác cũng được các chuyên gia ngành nông nghiệp ghi nhận và đánh giá cao là sử dụng "Farmbook"- mạng xã hội về nông nghiệp và các nông sản. Đây là kênh thông tin, mạng xã hội hoạt động như Facebook, nhằm giúp nông dân kết bạn, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, thông tin tình hình trồng trọt, chăn nuôi với nhau. Cũng qua kênh thông tin này, các cơ quan chuyên môn, hợp tác xã có thể phổ biến, trao đổi kiến thức chuyên môn với người nông dân; quảng bá các mặt hàng nông sản với doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đặc biệt, cần thiết có thể thiết kế những game mô phỏng các điều kiện, quá trình chăn nuôi, trồng trọt, giúp các thành viên chơi và trau dồi thêm kiến thức.

    Thủ khoa Nguyễn Thị Thu Hương, thành viên nhóm đưa ra ý tưởng Farmbook chia sẻ, thực hiện ý tưởng này không dễ nhưng lợi ích rất lớn và có tính bền vững. Đó là để sử dụng được Farmbook, người nông dân phải có trình độ tin học và phải có thiết bị. Trước mắt, Nhà nước cần có lộ trình phổ cập kiến thức tin học cho cán bộ cơ sở và một bộ phận nông dân; đầu tư máy tính, đường truyền internet cho các điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND các xã; cho nông dân vay vốn mua máy tính thông qua các chương trình… Thực hiện được mô hình này thì sẽ giải được bài toán chuyển giao khoa học, kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân nhanh, phủ rộng và ít tốn kém.

    Ý tưởng biên soạn "Sổ tay kiến thức nông thôn" phát đến từng hộ gia đình cũng được nhiều thủ khoa hiến kế. Nội dung được nhiều thủ khoa đề cập trong sổ tay này là chú trọng truyền thông bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề còn bị bỏ ngỏ ở các vùng quê, khiến tình trạng rác thải bừa bãi, khó phân loại (rác thải trong nông nghiệp và rác thải sinh hoạt lẫn nhau), khó tiêu hủy, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe nông dân ngày một nặng nề.

    Ngoài 3 ý tưởng xuất sắc kể trên, các nhóm thủ khoa còn hiến nhiều giải pháp về các vấn đề hiện đang rất cần thiết như: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; truyền thông thương hiệu làng nghề truyền thống; cách nào xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nông thôn…

    Những ý tưởng nêu trên còn cần phải được xem xét, nghiên cứu một cách thấu đáo, khoa học, song bước đầu đã mở thêm một hướng mới trong việc huy động sức mạnh tổng hợp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thủ đô hiệu quả hơn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội Hoàng Thanh Vân khẳng định, đó là những sáng kiến, đề xuất gợi mở rất hữu ích của các thủ khoa giúp Hà Nội và trung ương bổ sung, hoàn thiện nội dung cũng như biện pháp phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới.