Những phó chủ tịch xã tuổi hai mươi

13:23 21/03/2012     5402

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Những tân phó chủ tịch (PCT) xã là trí thức trẻ tình nguyện của Dự án 600 trí thức trẻ nhận nhiệm vụ PCT xã các huyện nghèo (Dự án 600) đầu tiên đã bắt tay vào việc.
Các trí thức trẻ tỉnh Cao Bằng trước giờ chia tay về làm việc tại các xã nghèo của tỉnh
Các trí thức trẻ tỉnh Cao Bằng trước giờ chia tay về làm việc tại các xã nghèo của tỉnh
Nhanh chóng vượt qua sự bỡ ngỡ ban đầu, những tân PCT xã nghèo đã thực sự vào cuộc, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con dân bản, nhằm tìm ra cách làm ăn đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất để người dân xã mình có “của ăn, của để”.

“Nếm mùi” gian khó

Chu Phương Huân (SN 1989) tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên, Khoa nông lâm kết hợp được phân công về xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây, núi đá độ dốc lớn, đi lại khó khăn. Toàn xã chỉ có 107 ha là đất nông nghiệp nhưng có đến 70% hộ nghèo. Ngô, đỗ tương, lạc là ba cây trồng chính của xã. Lớn lên ở thị xã Cao Bằng, Huân ý thức rõ việc một sinh viên vừa mới ra trường đã đảm nhận công việc PCT xã tại địa bàn khó khăn như thế sẽ gặp không ít trở ngại.

Tháng đầu nhận công tác, PCT xã tuổi 23 đã nhận thử thách. “Khi nhận nhiệm vụ xử lý một số tình huống tranh chấp đất đai, em lúng túng vì chưa nắm rõ được thực trạng đất ở địa phương”, Huân không ngần ngại chia sẻ. Cậu PCT xã trẻ tuổi cũng kể, ở xã, những người nhiều tuổi am hiểu về địa phương và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nhưng họ không nói được tiếng phổ thông. Người dân của xã chủ yếu là người dân tộc Nùng và Mông, bởi thế, việc giao tiếp của PCT trẻ người Tày phần nào bị hạn chế.

Tương tự như Huân, Bùi Thị Hồng, tân PCT xã Đa Thông (huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng) tuy về nhận nhiệm vụ tại nơi mình đã sinh ra nhưng Hồng cũng gặp khá nhiều bất lợi trong giao tiếp. Đa số đồng bào là người dân tộc Mông, trong khi Hồng lại là người Tày, nói tiếng Mông không thạo. Hiện nay, song song với việc quan sát và quen dần với công tác mới, Hồng cũng ngày đêm trau dồi tiếng Mông. Từ ngày được nhận chức PCT xã đến nay, Hồng đã đi đến được 15 xóm, nơi xa nhất cách trung tâm xã khoảng 20 cây số, có đoạn đi được bằng xe máy, có đoạn phải đi bộ mới vào được.

“Đồng bào ở đây có thói quen đi làm rẫy là mang theo rượu. Nhiều hôm em tới để tìm hiểu xem bà con trồng ngô có đúng kỹ thuật hay không, đồng bào cứ bắt phải uống rượu thì mới nói chuyện được. Em chưa quen uống như thế nên bị choáng đầu. May mà có người cán bộ đi cùng mới yên tâm”, Hồng chia sẻ.

Không may mắn được ở gần nhà như thế, Vi Thị Xuân Hồng (người Nùng, SN 1989) là PCT xã Sỹ Hai (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) phải ở lại trụ sở của xã luôn. “Nơi làm việc cũng là nơi ăn, nghỉ của em”, Hồng cho biết. “Chủ yếu là ăn cơm với rau rừng thôi”, Hồng kể. Chính vì thế, cô PCT xã cố sắp xếp công việc để mỗi tuần về thăm bố mẹ ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng một lần, sau đó, khi trở lại xã, Hồng “khuân” theo đồ ăn dự trữ cho tuần tới. Ở đây, mặc dù chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng nhưng có một bộ phận là người dân tộc Mông nên Hồng cũng gặp khó khăn về ngôn ngữ khi đi làm việc tại các xóm.

Bất lợi là thế nhưng nhiệt huyết và trách nhiệm là thế mạnh của các trí thức trẻ tình nguyện. Chu Phương Huân bộc bạch: “Em rất mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé và kiến thức mình đã được học để giúp bà con tìm ra cách làm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, giúp bà con đủ ăn, đủ mặc, có của ăn, của để”. Còn với Vi Thị Xuân Hồng, ngay tháng đầu tiên, vừa làm quen địa bàn đã bắt tay ngay vào việc hỗ trợ bà con địa phương sản xuất ngô hàng hóa nhằm tăng thu nhập.

Được sẻ chia, thêm tin tưởng

Trải qua gần một tháng ở cương vị PCT xã, thuận lợi cơ bản với Chu Phương Huân là sự tạo điều kiện về nhiều mặt của cán bộ, chính quyền, đoàn thể địa phương. “Cán bộ cũng như các tổ chức đoàn thể, chuyên môn trong xã đón tiếp rất niềm nở, tạo mọi điều kiện thuận lợi về chỗ ăn, chỗ ở, trang thiết bị để em làm việc”. Huân đặc biệt ấn tượng với lời nhắn nhủ của người cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy xã: “Phải “ba cùng” với bà con thì mới hiểu và giúp bà con được”.

Được phân công phụ trách mảng kinh tế của xã, Huân đã xây dựng “Đề án phát triển lợn đen hàng hóa tại xã Hạ Thôn”. Huân bày tỏ: “Em muốn cho bà con thấy chăn nuôi có thể đem lại thu nhập cao, sản phẩm bà con làm ra có thể trở thành thương hiệu có uy tín. Trong nhiệm kỳ 5 năm, em sẽ cố gắng thực hiện thành công đề án này để giúp bà con có được nguồn thu nhập cao và bền vững”. Hiểu thêm về địa phương, lại được động viên, khuyến khích và hỗ trợ về kinh nghiệm, Huân tâm sự: “Biết được bà con ở đây tuy điều kiện tự nhiên khó khăn nhưng có chí làm giàu, em thấy mình rất tự tin khi làm việc”.

Cũng như Huân, Bùi Thị Hồng cũng được chính quyền hỗ trợ. Ban đầu Hồng chưa thạo tiếng của đồng bào nên Hồng được bố trí một cán bộ người Mông đi cùng để vừa “hộ tống” vừa kiêm phiên dịch. Dù không ít vất vả, nhưng cô gái trẻ vẫn tràn đầy lạc quan và khát vọng cống hiến. Hồng đang triển khai “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống lúa, ngô mới vào sản xuất nông nghiệp ở xã”. Do địa hình không thuận lợi nên bước đầu, xã đang cấp giống cho bà con làm thí điểm, chờ kết quả để so sánh với giống cũ. “Nếu thành công, sẽ làm rộng hơn. Còn nếu không thì em lại tìm cách khác”, Hồng cười.

Tính đến nay, 44 trí thức trẻ đã về với 44 xã nghèo của 5 huyện nghèo tại tỉnh Cao Bằng. Cùng với Cao Bằng, 18 đội viên làm PCT xã tăng cường cho 18 xã của 2 huyện nghèo của tỉnh Kon Tum là Kon Plông và Tu Mơ Rông cũng đã về nhận nhiệm vụ. Theo chị Phan Thị Thủy (Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum), Đoàn Thanh niên là đơn vị phối hợp thực hiện sẽ theo sát quá trình công tác của các đội viên để có những tham mưu kịp thời với Ban Quản lý dự án trong trường hợp cần thiết, để các trí thức trẻ tại địa phương thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Hàng chục trí thức trẻ tình nguyện đầu tiên về với vùng đất khó đang tiến những bước đầu tiên đầy hăm hở. Trí thức trẻ rõ hơn ai hết những kỳ vọng, niềm tin mà nhân dân địa phương gửi gắm. Và chính họ cũng rất cần được thấu hiểu, sẻ chia và hỗ trợ để có thể hoàn thành nhiệm vụ.