Những phó chủ tịch xã trẻ giúp dân thoát nghèo

16:04 28/07/2014     1928

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Trong số 30 phó chủ tịch (PCT) xã thuộc Dự án 600 ở Quảng Nam, có những PCT xã trẻ người dân tộc Cơ Tu năng động, sáng tạo, nhiệt huyết trong công tác. Những “PCT xã 600” được dân vô cùng yêu quý, vì họ đã giúp diện mạo vùng biên dần đổi thay.
Axan là xã nghèo của huyện Tây Giang với tỷ lệ hộ nghèo hơn 60%. Hơn 2 năm nay Axan có vị PCT xã mới là Tơ Ngol Tờ. Nhắc đến Tờ, dân làng ai cùng hết lời khen ngợi Galăng Tabách (giỏi giang) vì từ ngày được phân công về làm PCT xã, Tờ đã giúp bà con vùng biên giới thay đổi nếp nghĩ và cách làm ăn. Được Tờ tận tình tư vấn, nhiều gia đình đã tìm ra cách làm ăn mới, thoát nghèo. Chính quyền xã Axan phấn khởi hơn vì có thêm một vị cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyệt, dám nghĩ dám làm và làm hết sức mình.
5
Phó Chủ tịch xã Tơ Ngol Tờ

Hai năm trước, khi lọt vòng tuyển chọn, Tờ được tập huấn 3 tháng, được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước và được thực tế tại cơ sở để tìm hiểu cách làm một PCT như thế nào. Tờ được huyện ủy phân công về UBND xã Axan làm PCT phụ trách lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, kiêm Trưởng ban nông nghiệp xã.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Giang, tốt nghiệp đại học, Tờ về công tác ngay tại địa phương. Sau 2 năm, Tờ đã góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo cho Axan. Tờ xác định, muốn xóa đói giảm nghèo, phải đổi mới hình thức làm ăn, cây giống, vật nuôi cho bà con, thay vì làm nương rẫy, thả rông như trước đây. Tờ vận động người dân trồng bắp (ngô) lai. Năm đầu tiên (2012) chỉ có hơn 20ha bắp lai mang lại hiệu quả kinh tế. Năm sau, diện tích tăng lên 70ha và năm 2014 đã là 100ha. Năng suất bắp lai đạt 35 - 40 tạ/ha mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dân làng hết sức vui mừng và tin tưởng Tờ.
Vụ hè thu năm 2013 Tờ bắt tay xây dựng mô hình sử dụng phân xanh cho giống lúa lai. Lần đầu tiên, người dân Cơ Tu biết sử dụng phân xanh để trồng trọt. Mười hộ dân trồng thí điểm hơn 6ha lúa lai, bón phân xanh mang hiệu quả cao, tăng năng suất lúa lên 35 tạ/ha. Thành công nối thành công, Tờ vận động người dân trồng 10 ha cây dược liệu đẳng sâm, 10 ha cây tr’đin. Đây là hai loại cây bản địa có giá trị kinh tế cao. Tờ còn vận động người dân trồng các loại cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng như: đậu đen lồng xanh, đậu xanh ĐX 208, cải củ, cải xanh, lúa lai CNR02…
Năm 2013, Tờ còn vận động người dân phát triển chăn nuôi, chuyển đổi hình thức chăn nuôi thả rông kém hiệu quả, nhiều rủi ro sang chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại. Đến nay, Axan đã có 18 trang trại với 350 con bò, hàng ngàn con gia cầm, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho địa phương và dư bán ra thị trường.
Tờ tâm sự: “Được chọn lựa, tin tưởng giao nhiệm vụ, mình rất vui và tự hào. Thấy dân làng mình khổ cực bao đời nay, từ ngày còn đi học, mình nuôi ước mơ được góp sức mình giúp dân làng thoát nghèo. Dân làng còn khổ lắm, mình phải nỗ lực hơn nữa để đền đáp sự yêu thương, tin tưởng của dân làng”.

Phát triển kinh tế hộ gia đình

Ngược lên xã Gary (Tây Giang) giáp ranh nước bạn Lào, Tơ Ngol Thiếu được dân làng quen gọi bằng cái tên “Thiếu 600” để phân biệt với một cán bộ khác của xã cùng tên. Năm 2011, chàng trai Cơ Tu này tốt nghiệp ĐH Kinh tế - ĐH Huế về công tác tại Phòng Nội vụ huyện. Năm 2012, khi Dự án 600 triển khai, Thiếu đăng ký tham gia.
Được phân công về Gary làm PCT xã, Thiếu nhanh chóng bắt tay vào việc giúp dân làng làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình. Thiếu vận động người dân trồng trọt và chăn nuôi một cách bài bản, khoa học. Một năm sau ngày nhậm chức, Thiếu đã vận động dân làng hiến đất và xây dựng được 7 trang trại với tổng diện tích hơn 100ha. Đến nay, xã có 11 trang trại với khoảng 600 con gia súc, hơn 1.100 con gia cầm. Thiếu còn vận động dân làng trồng 60 ha bắp lai và trồng xen đẳng sâm mang lại kinh tế cao…
Đời sống vợ chồng A Lăng Nhắp ở thôn A Roi khấm khá hơn, nhờ biết trồng bắp lai, thảo dược, sâm, và nuôi lợn, gà đúng cách, Nhắp cho biết, tất cả đều nhờ Thiếu tận tình hướng dẫn chỉ bảo. Thấy làm ăn hiệu quả nên Nhắp vận động dân làng cùng làm theo. Đến nay, A Roi dần đổi thay, không còn cảnh thiếu đói như trước.
Thiếu còn được biết đến là đầu tàu gương mẫu, vận động cán bộ trong xã thực hiện phong trào tiết kiệm chi tiêu, bỏ rượu bia, tiệc tùng để dành tiền mua máy tính làm việc. Đến nay, UBND xã Gary đã có 32 máy tính giúp cán bộ vùng cao giải quyết công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Hồ Xuân Danh, Bí thư Đảng ủy xã Gary, cho biết, Dự án 600 đưa về Gary một PCT năng động và tâm huyết. Tơ Ngol Thiếu tuy trẻ nhưng dám nghĩ dám làm, giúp đỡ dân làng phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho người dân vùng biên giới, ông Danh nói.
Cả hai Phó Chủ tịch xã Thiếu và Tờ đều mong muốn, sau này, khi dự án kết thúc, sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với địa phương để được phục vụ dân làng vùng biên.