Những nữ sinh tự vươn lên trong cuộc sống
12:58 26/11/2012 1659
Công tác tuyên truyền, giáo dục Nhờ nghị lực và quyết tâm, nhiều nữ sinh đã có những bước đi vững vàng trong cuộc sống.
Phong bì tặng mẹĐã nhiều tháng nay, niềm vui của Nguyễn Thị Giang (SV năm thứ 3 Học viện Báo chí tuyên truyền) là mỗi lần về quê là đem tặng mẹ chiếc phong bì, bên trong chưa toàn bộ lương gia sư một tháng của mình.
Nhà thuần nông, bố mẹ Giang chưa bao giờ biết đến đồng “lương” đặt trang trọng trong phong bì bao giờ. Vì thế, nhận tiền của con, bố mẹ cô rất tự hào. Những món tiền nếu không được tiêu đến, mẹ Giang sẽ cất thật kỹ trong ngăn tủ, khóa lại. Còn nếu bất đắc dĩ phải tiêu tiền, thì thể nào mẹ cũng giữ lại phong bì.
Giang cho biết, bắt đầu từ năm nhất cô đã có “lương” từ việc đi gia sư và nhuận bút viết báo. Đến nay, khi học năm thứ ba, Giang không còn phải nhận viện trợ từ gia đình nữa. Những đồng tiền thơm thảo của cô nữ sinh báo chí đã trở thành niềm tự hào của bố mẹ.
Còn Hà Thị Oanh (SV Trường CĐ Mẫu giáo TW) kể, lần đầu tiên cầm 580.000 đồng tiền lương của một tháng trời làm phục vụ bàn sau khi bị ông chủ trừ đầu, trừ đuôi.
Cô giáo mầm non tương lai Hà Thị Oanh đang chuẩn bị dụng cụ thực hành |
Gặp Oanh, ít ai ngờ, cô nữ sinh sở hữu gương mặt mảnh mai, xinh xắn này lại có một nghị lực mạnh mẽ đến thế. Oanh kể: "nhà em trước kia không quá nghèo, nếu không muốn nói là khá giả. Nhưng cách đây vài năm, bố mẹ làm ăn sa sút, cuối cùng thì phá sản. Bố phải đi lái xe thuê, còn mẹ làm công nhân cầu đường, công việc nặng nhọc mà đồng lương chẳng đáng là bao".
Hiểu những lo toan của bố mẹ, Oanh tự nhủ phải gắng đỗ ĐH, gắng tìm việc tự nuôi mình nếu được ra Hà Nội.
Giờ đây, khi đã tích lũy được kha khá kỹ năng ứng xử trong nghề phục vụ bàn cũng là lúc Oanh nhận thấy sự kiên nhẫn, khả năng nắm bắt tâm lý trong chuyên môn của mình tăng lên đáng kể. Nhờ vậy, những tháng ngày đi thực tập trước mắt, Oanh khá tự tin.
Nhận ra rằng, “làm việc, theo cách này hay cách khác đều mang đến những ích lợi bất ngờ” là điều mà “cô giáo tương lai” vô cùng tâm đắc.
Biến mơ ước thành hiện thực
Không chỉ những nữ sinh nhà nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn mới phải vất vả bươn trải làm thêm. Nhiều bạn dù gia đình có điều kiện vẫn sẵn sàng “vượt sướng” đón nhận mọi khó khăn, thử thách.
Nguyễn Thị Vinh – nữ sinh quê thanh hóa Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Thương mại Hà Nội là một người như thế.
Nguyễn Thị Vinh đang nấu ăn tại nhà trọ |
Điều kiện gia đình khá giả, tuy không phải lo lắng về chuyện kinh tế, được mẹ chiều chuộng nhất mực, nhưng khi ra Hà Nội học, Vinh vẫn khao khát đi làm thêm: làm PG, người mẫu, lễ tân… có ai giới thiệu công việc nào phù hợp là Vinh đồng ý.
Không có xe máy, không đi được xe buýt, Vinh cần mẫn đạp xe đi làm, mỗi ngày hàng chục cây số. Cô còn chủ động đăng ký khóa học đào tạo MC, tham gia diễn xuất, đóng phim… Bên cạnh đó, Vinh còn hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện ở trường, lớp khiến nhiều bạn bè trong lớp tròn mắt ngưỡng mộ.
Cô cho biết, thu nhập làm thêm hằng tháng của mình trung bình từ 3 - 5 triệu đồng. Số tiền này Vinh đang dành dụm để mua một chiếc xe máy.
“Mẹ em hằng tháng vẫn chu cấp đầy đủ và không đồng ý cho em đi làm. Nhưng em muốn đi để tự tin hơn, rèn luyện những kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho bản thân…” – Vinh chia sẻ.
Kỳ thực, Vinh rất yêu thích lĩnh vực truyền thông. Hai năm liền thi ĐH, Vinh sống chết chọn khoa Báo chí truyền thông nhưng thi trượt. Đã định rẽ ngang sang học kế toán tại một trường Quốc tế, cuối cùng, Vinh nhận ra ngành học thực sự không phù hợp.
Cô bỏ học để thi vào ngành Marketing thương mại – CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thương mại Hà Nội. Dù mới học năm đầu, song Vinh cảm thấy hứng thú, hơn nữa, lịch học hợp lý nên cô sắp xếp được nhiều thời gian để vừa học, vừa làm.
“Có nhiều con đường để thực hiện một giấc mơ. Em muốn thực hiện giấc của mình thông qua những trải nghiệm làm việc trước, sau đó sẽ học hỏi và tìm hiểu thêm kiến thức lý luận. Em tin rằng những kinh nghiệm thực tế sẽ giúp ích rất nhiều, chỉ cần mình kiên trì, nỗ lực” – Vinh chia sẻ.