Nhìn lại chặng đường của đội ngũ tri thức trẻ thuộc Dự án 600
10:40 29/11/2013 2468
Công tác tuyên truyền, giáo dục Được triển khai từ năm 2011, dự án thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại 63 huyện nghèo trong cả nước được khởi động đã tạo được sự quan tâm rất lớn của dư luận, đặc biệt là thế hệ trẻ. Có thể nói đây là bước đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, là sự tin tưởng, bố trí và sử dụng đối với trí thức trẻ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Tri thức trẻ đến với vùng đồng bào còn gặp nhiều khó khăn |
Sau khi tuyển chọn, đến tháng 10/2012, đã có 580 trí thức trẻ được chọn đến các xã vùng cao để làm Phó Chủ tịch xã. Và sau 2 năm triển khai thực hiện, theo đánh giá của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, 580 đội viên bước đầu đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, trong đó có nhiều đội viên được đánh giá là hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đó là tín hiệu đáng mừng cho thành công của Dự án trong giai đoạn tiếp theo.
Sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương
Để có được những kết quả bước đầu như vậy, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của các đội viên tại các xã đội viên về công tác thì không thể thiếu sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành và đặc biệt góp phần vào thành công bước đầu của Dự án là sự ủng hộ, quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và nhân dân của 62 huyện và 580 xã mà các đội viên về công tác.
Tri thức trẻ Ngô Thị Hương, Phó chủ tịch xã Hóa Phúc huyện Minh Hóa đã từng chia sẽ rằng: “Ở quê chưa một lần nhìn thấy sên vắt. Khi cùng các cán bộ và chủ hộ bước vào vườn keo đã đến tuổi khai thác, bỗng đâu dưới chân ngoe nguẩy những sên vắt mà như người dân nơi đây thường nói là sên như mầm giá đậu, hoảng quá, chị kêu cứu thất thanh nhưng một hồi rồi cũng trấn tĩnh lại. Vì chị biết không chỉ trong rừng cây mà ở các vùng sản xuất cây hoa màu khác cũng nhiều như thế. Mà công việc đâu phải ngồi bàn giấy cả đời để tránh được sên vắt! Thế là vừa đi, vừa bắt sên để theo đoàn tìm hiểu hết mô hình này đến mô hình khác..”.
Còn đối với Phạm Văn Bắc tâm sự: “Trọng Hóa là xã biên giới rẻo cao, có nhiều bản, giao thông đi lại cách trở, nhưng với sức trẻ thì những điều này em không ngại. Mà lo lắng nhất là sự bất đồng ngôn ngữ, nên để hiểu được phong tục tập quán, điều kiện sản xuất và đời sống của bà con là hết sức khó khăn.
Đó chỉ là những khó khăn về thời gian đầu làm quen với cuộc sống, nhận nhiệm vụ tại địa phương và giờ đây những khó khăn đó đã được khắc phục dần nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo của chính quyền địa phương nên đến thời điểm này, các đội viên Dự án đã tự tin và đã phát huy năng lực của mình để cống hiến giúp bà con nhân dân thoát nghèo, phát triển kinh tế xã hội.
Còn đó nhiều khó khăn, thử thách
Bên cạnh những kết quả, thành công bước đầu Dự án 600 đạt được trong giai đoạn I thì vần còn đó nhiều khó khăn, thử thách, vì vậy ngay trong báo cáo Sơ kết giai đoạn I, Dự án 600 tri thức trẻ tại Quảng Bình cũng đã chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế còn tồn tại như: Đội ngũ đội viên tri thức trẻ kinh nghiệm thực tế còn hạn chế, công việc ở cơ sở đa dạng, phức tạp; thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân nên đòi hỏi các cán bộ cấp cơ sở phải linh hoạt; Do điều kiện một số xã còn khó khăn, nên chưa có phòng làm việc riêng đang làm ghép nhưng vẫn đảm bảo công việc; Các đội viên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng quản lý nên khi tiếp xúc với dân, làm việc với đồng nghiệp, đội viên chưa mạnh dạn đề xuất những biện pháp, sáng kiến, cách làm của bản thân do đang còn có sự e dè, sợ không thành công; Một số cán bộ, công chức của một số xã còn có sự đố kỵ, tư tưởng cục bộ chưa thực sự phối hợp công tác với đội viên, đặc biệt đối với những đội viên ở địa phương khác đến công tác do chưa hiểu hết mục đích, mục tiêu của Dự án 600; Lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm, giúp đỡ đội viên về nhận công tác tại UBND xã...
Ngoài ra, tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 dự án thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại 63 huyện nghèo trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để thực hiện tốt chương trình thí điểm, các Bộ, Trung ương Đoàn, các địa phương cùng nhau thống nhất đây là dự án nhằm tăng cường nguồn nhân lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp cũng như nhân dân có trách nhiệm tạo môi trường, tạo điều kiện để cán bộ trẻ được khẳng định, được cống hiến, được trưởng thành từ thực tiễn. Đây là nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, cho hệ thống chính trị. “Phải nhận thực rõ yêu cầu này để có quan tâm, chỉ đạo đúng mức. Trong đó, phải hết sức tạo điều kiện cho các đội viên hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ là nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt mà còn là giao việc, hướng dẫn, giúp đỡ các đội viên”. Những nhận định, đánh giá từ thực tiễn triển khai, thực hiện giai đoạn I Dự án 600 đã được các cấp, bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương nhận rõ và đang có những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để bước vào giai đoạn tiếp theo với những kết quả tốt hơn.
Với sự chung tay, hỗ trợ từ Chính phủ đến chính quyền các địa phương, đội ngũ tri thức trẻ sẽ ngày càng khẳng định mình và tự tin làm tốt nhiệm vụ ở giai đoạn tiếp theo.