Nhiều phương pháp truyền đạt sinh động, hấp dẫn
20:52 04/09/2017 1620
Công tác tuyên truyền, giáo dục Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng bản lĩnh, lý tưởng, hoàn thiện nhân cách quân nhân. Xác định rõ điều đó, nhiều năm qua, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) đã có những cách làm sáng tạo, đổi mới...
Chúng tôi đến tìm hiểu giờ giáo dục chính trị, truyền thống ở Đại đội 12, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 25. Các chiến sĩ xếp hàng ngay ngắn trong Phòng truyền thống lữ đoàn-nơi trưng bày nhiều tư liệu về lịch sử hình thành, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, về quân đội, Binh chủng Công binh anh hùng và truyền thống “Mở đường thắng lợi”... Chỉ vào một bức chân dung treo trong khung ảnh, Đại úy Trần Văn Hoàn, Chính trị viên Đại đội 12 nêu câu hỏi: "Các đồng chí có biết người trong bức ảnh này là ai không?". Im lặng, không có cánh tay nào giơ lên… Đại úy Hoàn nói tiếp: “Đó là lý do chúng ta phải học tập, tìm hiểu về truyền thống của quân đội, đơn vị và những chiến công của thế hệ cha anh”.
Một buổi giáo dục truyền thống ở Đại đội 12, Tiểu đoàn 4 (Lữ đoàn Công binh 25). |
Một bài học giáo dục truyền thống cho chiến sĩ ở Lữ đoàn Công binh 25 đã được bắt đầu như thế! Từ bức ảnh đồng chí Trần Hiền Quang, Anh hùng LLVT nhân dân, Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Công binh 25 (tiền thân của Lữ đoàn Công binh 25 ngày nay), cán bộ đơn vị đã dẫn dắt để làm nổi bật chiến công của lữ đoàn trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Trong đó, trận đánh tàu địch trên kênh Thị Đội, tháng 12-1953, đồng chí Trần Hiền Quang cùng đồng đội dầm mưa rét, thiếu lương thực, nước uống, chịu đựng muỗi đốt suốt 3 ngày đêm để chờ cơ hội và đã tiêu diệt gọn một trung đội địch, đánh chìm một tàu chiến. Tiếp đó, trong khoảng 4 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Quang đã chỉ huy đơn vị tham gia phong trào du kích, phá hủy 1 xe lội nước, 5 tàu chiến, làm 2 tàu khác của địch bị hỏng nặng, tiêu diệt 46 lính Âu Phi, 12 tên sĩ quan, 491 lính ngụy và phá hủy nhiều vũ khí… Khi được bổ nhiệm giữ cương vị Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Công binh 25, Trung tá Trần Hiền Quang đã chỉ huy trung đoàn mở đường Tám Ngàn (Tri Tôn, An Giang), dài gần 30km, rộng 8m, đi qua khu vực heo hút mà trước đó Pháp, Mỹ nhiều năm không làm nổi. Đây là dấu ấn đầu tiên, khẳng định bản lĩnh của Bộ đội Công binh Quân khu 9…
Theo Thượng tá Bùi Văn Việt, Phó chính ủy lữ đoàn, để những bài giáo dục chính trị, truyền thống thêm sinh động, hấp dẫn, ngoài nội dung theo chương trình chung, lữ đoàn yêu cầu đội ngũ cán bộ chính trị phải tìm hiểu kỹ lịch sử, tham khảo tư liệu do các nhân chứng, cựu chiến binh cung cấp để bổ sung vào bài giảng, khuyến khích sử dụng máy tính trình chiếu, có ví dụ minh họa thực tiễn để bộ đội dễ hiểu, dễ vận dụng. Đơn vị còn tổ chức cho chiến sĩ tham quan nhà truyền thống, bảo tàng, di tích lịch sử, phòng Hồ Chí Minh... để tăng tính trực quan, hạn chế truyền thụ kiến thức một chiều.
Với phương châm giáo dục truyền thống phải sinh động, hấp dẫn, cơ quan chính trị đã tham mưu giúp Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ tích cực tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp truyền đạt để bài giảng thêm thuyết phục, hấp dẫn. Theo đó, nhiều cán bộ đã có ý tưởng, cách làm mới mẻ. Điển hình là Trung tá Trần Đình Công, Chính trị viên Tiểu đoàn 4 đã sáng tác những câu thơ, văn vần để minh họa cho các hoạt động tham quan, tìm hiểu truyền thống, viếng nghĩa trang liệt sĩ, ca ngợi hình ảnh Bộ đội Công binh… giúp chiến sĩ dễ tiếp thu, nâng cao hiệu quả bồi đắp lý tưởng, niềm tin trong đơn vị.
Trung tá Trần Xuân Hợi, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 lại rất tích cực tìm hiểu hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa và giá trị của những ca khúc cách mạng rồi hướng dẫn cho cán bộ chính trị trong tiểu đoàn. Trong giờ giải lao trên thao trường, chính trị viên các đại đội tổ chức chương trình đố vui đoán tên sự kiện, nhân vật lịch sử, tác giả, tác phẩm… thông qua ca khúc. Đây cũng là một cách giáo dục truyền thống nhẹ nhàng nhưng hiệu quả thẩm thấu khá cao.
Chiến sĩ Trịnh Văn Thọ, thuộc Trung đội 10, Đại đội 12 (Tiểu đoàn 4) tâm sự: Với phương pháp truyền đạt sinh động, trực quan, không gò bó thông qua trò chơi, câu thơ, văn vần và các ca khúc cách mạng, chúng tôi hiểu hơn về lịch sử, truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc; từ đó mỗi chiến sĩ nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm của mình, quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.