Người trẻ tình nguyện về vùng khó Tây Bắc

23:14 16/12/2015     1872

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Các trí thức trẻ đã về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi (giai đoạn 2013-2020) tại nhiều tỉnh Tây Bắc.
Trực tiếp tham gia tuyển chọn, hướng dẫn, góp ý cho đề án phát triển KT-XH của các đội viên trí thức trẻ tình nguyện, Tiến sĩ Vũ Đăng Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã (Bộ Nội Vụ) cho biết, "Qua theo dõi quá trình xây dựng và bảo vệ đề án, chúng tôi nhận thấy các đội viên đã nắm bắt được tình hình thực tiễn, phân tích thực trạng, bất cập trong công tác quản lý và từng chức danh công chức tại địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng đề án phù hợp với chuyên môn từng chức danh công chức và đề xuất những giải pháp cụ thể có tính khả thi cao”, Tiến sĩ Minh nói.
s
TS Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng vụ công tác thanh niên Bộ Nội vụ trao quyết định khen thưởng cho các đội viên có thành tích xuất sắc trong học tập lớp bồi dưỡng tại Sơn La 2015
Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý môi trường (ĐH Khoa học thuộc ĐH Thái Nguyên), Lường Thị Doan (SN 1991, dân tộc Thái, TP Điện Biên Phủ) hăng hái tham gia Đề án 500 trí thức trẻ với mong muốn được trải nghiệm thực tế và vận dụng kiến thức được học tập trong nhà trường để góp phần giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Với vai trò là đội viên trí thức trẻ tình nguyện (lĩnh vực Địa chính - Xây dựng nông nghiệp và môi trường) về công tác tại xã Ngối Cáy (Mường Ảng, Điện Biên), Doan xây dựng đề án “Thí điểm ủ phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ” giai đoạn 2015-2016 tại bản Ngối (xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng).
Theo Doan, đề án được xây dựng từ thực tế Ngối Cáy là xã miền núi có kinh tế nông - lâm là chủ yếu, nhưng người dân vẫn duy trì thói quen chăn nuôi, canh tác lạc hậu, chưa tận dụng các phụ phế phẩm nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi ít được xử lý nên tác động tiêu cực tới môi trường, sức khỏe người dân.
“Ứng dụng quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp và chế phẩm sinh học là giải pháp tận dụng lợi thế về số lượng tổng đàn gia súc gia cầm lớn với hơn 800 con. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế”, Doan chia sẻ.
Từng làm việc ở nhiều công ty, doanh nghiệp có thu nhập cao tại Thủ đô Hà Nội, khi có thông tin về Đề án 500, Lò Ngọc Hoàng (SN 1991, dân tộc Thái, quê Thuận Châu, Sơn La) cũng bất ngờ đăng ký xét tuyển.
Là cử nhân ngành Kinh tế ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), Hoàng về làm công chức Tài chính - Kế toán tại xã Mường Lèo (huyện Sốp Cộp, Sơn La).
Đây là xã miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Dù có thế mạnh như diện tích rừng tương đối lớn, có suối nước nóng..., nhưng chưa được phát huy hiệu quả.
Để cải thiện thực trạng này, Hoàng xây dựng đề án “Tăng nguồn thu ngân sách xã trên địa bàn” với các hướng giải pháp như: Quy hoạch diện tích trồng rừng, gắn trồng rừng với cơ sở chế biến; vận động các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống gần khu vực suối nước nóng để mở mô hình dịch vụ tắm khoáng kết hợp ăn uống; xây dựng chợ trung tâm tạo môi trường mua bán, giao thương... “Với các giải pháp này, tôi mong muốn sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho người dân”, Hoàng nói.

“Là người con của Sơn La, tôi luôn muốn được cống hiến cho quê hương. Xuất phát từ gia đình thuần nông với những kinh nghiệm hiểu biết về nông thôn, tôi nghĩ những điều này sẽ giúp phát huy tốt những kiến thức được học ở trường”, Lò Ngọc Hoàng cho biết.
Theo Bộ Nội vụ, khác với Dự án 600 (tăng cường Phó Chủ tịch cho các xã thuộc các huyện đặc biệt khó khăn), Đề án 500 tập trung tuyển chọn các trí thức trẻ về làm công chức chuyên môn xã; triển khai trên địa bàn rộng hơn là các xã thuộc vùng khó khăn, vùng dân tộc miền núi. Vì nhận công tác ở những xã khó khăn nên đội viên Đề án 500 phải chấp nhận cuộc sống xa nhà và điều kiện làm việc thiếu thốn, vất vả.
“Tuy nhiên, với tinh thần tình nguyện, nhiệt huyết của tuổi trẻ, các đội viên sẽ sớm hòa nhập với cộng đồng, tháo gỡ khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, lãnh đạo BQL Đề án 500 nói.