Nghiệm thu đề tài khoa học “Đổi mới mô hình tổ chức Đoàn tại một số khu vực đặc thù trong điều kiện hiện nay”

11:21 30/11/2012     2312

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Chiều ngày 29/11 tại Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Hà Nội), Hội đồng nghiệm thu đề tài do TS Lê Văn Cầu chủ trì đã nghiệm thu đề tài khoa học “Đổi mới mô hình tổ chức Đoàn tại một số khu vực đặc thù trong điều kiện hiện nay”, do đồng chí Dương Văn An – Bí thư Trung ương Đoàn làm chủ nhiệm đề tài.
Cùng dự có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu; đại diện Vụ Công tác Thanh niên – Bộ Nội vụ; cùng các Ban Trung ương Đoàn: Ban tổ chức, Ban TN Công nhân và Đô thị, Ban TN Nông thôn và Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương.

Xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động không chỉ là yêu cầu khách quan đặt ra đối với tổ chức Đoàn mà còn là nhiệm vụ tự thân của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, trong đó nhiệm vụ cần thiết và quan trọng nhất hiện nay là đề ra các giải pháp nhằm đổi mới mô hình tổ chức của Đoàn phù hợp với sự phát triển ngày càng phong phú, đa dạng của các mô hình, cấu trúc tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, giáo dục, hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

a
Bí thư Trung ương Đoàn Dương Văn An, chủ nhiệm đề tài phát biểu tại buổi nghiệm thu

Để đạt được mục tiêu trên, Nhóm tác giải đề tài đã tập trung nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đổi mới mô hình tổ chức Đoàn tại một số khu vực đặc thù, từ đó đề xuất xây dựng một số mô hình tổ chức Đoàn phù hợp giai đoạn 2012-2017. Đề tài gồm 3 chương: Cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng Đoàn và yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại một số khu vực đặc thù trong điều kiện hiện nay; Thực trạng mô hình tổ chức của Đoàn tại một số khu vực đặc thù và Giải pháp đổi mới mô hình tổ chức Đoàn tại một số khu vực đặc thù giai đoạn 2012 – 2017.

Đề tài đã đi sâu phân tích thực trạng và những bất cập về mô hình tổ chức Đoàn tại các khu vực đặc thù trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là các khu vực mà ở đó tổ chức Đoàn và hoạt động của tổ chức Đoàn có những điểm riêng đặc trưng, khác biệt, như: khu vực doanh nghiệp (giới hạn trong các Tập đoàn, Tổng công ty có nhiều thành viên, công ty mẹ có nhiều công ty con và quá trình đầu tư đan xen lẫn nhau); khu vực các cơ quan quản lý nhà nước (trọng tâm là ở khối các cơ quan Trung ương, các các bộ, ngành đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương); khu vực đô thị (trọng tâm là ở các phường mà ở đó sự phát triển đô thị, vấn đề nghề nghiệp, việc làm, vấn đề di cư, tạm trú, tạm vắng có những điểm đặc thù, Đoàn phường không có nhiều đoàn viên "gốc", chi đoàn hoạt động kém hiệu quả); khu vực nông thôn có nhiều thanh niên đi làm ăn xa và khu vực các trường đại học, cao đẳng đào tạo theo học chế tín chỉ, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới mô hình tổ chức Đoàn  tại một số khu vực đặc thù giai đoạn 2012 – 2017. Đề tài được thực hiện là cơ sở để Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X xem xét quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn cũng như công tác chỉ đạo sắp xếp mô hình tổ chức Đoàn ở các cấp phù hợp với thực tiễn.

Để có được kết quả phân tích thực trạng và những vấn đề bất cập đặt ra trong mô hình tổ chức Đoàn tại các khu vực đặc thù nêu trên, nhóm tác giả đã tập trung khảo sát thực trạng mô hình tổ chức Đoàn tại các đơn vị Đoàn khối Doanh nghiệp, Đoàn khối các cơ quan ở Trung ương và một số tỉnh, thành tiêu biểu như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Đồng Nai, Thái Nguyên; thực hiện xin ý kiến các trực tiếp đối với các đơn vị đặc thù, xin ý kiến các chuyên gia về vấn đề nghiên cứu.

a
Quang cảnh nghiệm thu đề tài

TS Nguyễn Văn Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức – Điều lệ Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Hội đồng nhận xét, đề tài sử dụng khá nhiều số liệu, bảng biểu; phần lớn những số liệu mà tác giả lựa chọn đều phù hợp; đảm bảo tính thời sự tính đến thời điểm này; các nguồn tư liệu đều đảm bảo độ tin cậy.

TS Tùng khẳng định, sản phẩm có những đóng góp bổ ích và đảm bảo được tính thiết thực phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ của hệ thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Một số kiến nghị mà Đề tài đưa ra là hợp lý, có tính ứng dụng, phù hợp với vấn đề nghiên cứu.

Thay mặt Hội đồng, TS Lê Văn Cầu phát biểu nhấn mạnh, đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao nhất là hiện nay công tác Đoàn đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết mà Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X sắp diễn ra phải xem xét, giải quyết.

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng đã đồng ý thông qua, hoàn thiện chính thức để bảo vệ đề tài trong thời gian tới.