“Luồng gió mới” cho các xã khó khăn
11:37 05/09/2015 2462
Công tác tuyên truyền, giáo dục Được triển khai từ đầu tháng 6/2014 theo đề án “Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” (Đề án 500) của Bộ Nội vụ, trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao, vừa qua, 35 trí thức trẻ đã được nhận quyết định phân bổ về 35 xã khó khăn thuộc 6/13 huyện, thị, thành phố trên địa bàn Hà Tĩnh.
Trí thức trẻ tình nguyện
Để trở thành đội viên của Đề án 500, 35 đội viên đã trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao, phải vượt qua 390 ứng viên khác tham gia ở 5 chức danh công chức cấp xã, cụ thể: văn phòng - thống kê, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường.
Để trở thành đội viên của Đề án 500, 35 đội viên đã trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao, phải vượt qua 390 ứng viên khác tham gia ở 5 chức danh công chức cấp xã, cụ thể: văn phòng - thống kê, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường.
ĐVTN Đại học Hà Tĩnh xuất quân mùa hè xanh tình nguyện |
Sau vòng loại hồ sơ và phỏng vấn, 35 đội viên được tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng mềm do Bộ Nội vụ tổ chức trong thời gian 3 tháng tại Trường Chính trị Thanh Hóa. Trong đó, có 1 tháng các đội viên phải về xã thực tế, nắm bắt tình hình, xây dựng đề án phát triển KT-XH địa phương. Kết thúc khóa tập huấn, các đội viên chính thức nhận nhiệm vụ về các địa phương theo chức danh cụ thể.
Tốt nghiệp cao học loại giỏi chuyên ngành triết học, Nguyễn Văn Dương (SN 1988, ở xã Kỳ Trung, Kỳ Anh) đã quyết định trở về quê hương đăng ký xét tuyển Đề án 500. Sau hơn 1 năm kiên trì theo đuổi, Dương chính thức trở thành đội viên của đề án, nhận nhiệm vụ trên chính nơi mình sinh ra. Anh cho biết: “May mắn đối với tôi là được nhận nhiệm vụ trên chính quê hương mình. Tôi mong muốn được trải nghiệm thực tế và vận dụng kiến thức đã được học góp phần xây dựng quê hương”.
Rời Thạch Hội (Thạch Hà) lên nhận công tác tại xã Hương Lâm (Hương Khê) với chức danh địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, đội viên Nguyễn Thị Lương (SN 1991), tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế có lúc tỏ ra khá lo lắng. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, giờ đây, chị đã thực sự yên tâm gắn bó với mảnh đất này. Chị Lương vui mừng: “Không chỉ tạo điều kiện cho tôi được mượn phòng nội trú của giáo viên để ở mà trong công tác chuyên môn, các chú, các anh chị trong cơ quan luôn nhiệt tình hướng dẫn”.
"Luồng gió mới” thổi về các xã khó khăn
Địa phương mà các trí thức trẻ về nhận nhiệm vụ đều có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, xã miền núi thuộc 5 huyện: Hương Khê, Nghi Xuân, Vũ Quang, Lộc Hà, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Vì vậy, ngoài đáp ứng kiến thức chuyên môn, sức khỏe, các đội viên phải có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt huyết, không ngại khó, ngại khổ.
Bà Phan Thị Tố Hoa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Để trở thành đội viên của đề án, các bạn trẻ phải trải qua nhiều kỳ xét chọn kỹ càng từ Sở Nội vụ đến Bộ Nội vụ. Trong 35 đội viên, có 3 đội viên trình độ thạc sỹ, 32 đội viên trình độ đại học. Tin rằng, với tinh thần tình nguyện, nhiệt huyết của tuổi trẻ, các đội viên sẽ sớm hòa nhập với địa phương, tháo gỡ khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây cũng là cơ hội cho các đội viên thể hiện năng lực, làm cơ sở xem xét bổ sung cho đội ngũ công chức xã trong tương lai”.
Anh Từ Đức Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim (Lộc Hà) cho biết: Tuy mới nhận nhiệm vụ không lâu, nhưng Phạm Văn Quân (chức danh văn hóa – xã hội) đã thể hiện được tinh thần xung kích của tuổi trẻ, tiếp thu công việc nhanh, bắt nhịp tốt với các hoạt động tại cơ quan.
“Hương Lâm vừa có một chị cán bộ trẻ về công tác tại ủy ban. Qua vài lần tiếp xúc, tôi thấy chị luôn niềm nở, nhiệt tình khi người dân đến giao dịch, làm việc, tác phong khá nhanh nhẹn” – chị Đinh Thị Thoa, một hộ dân ở xã Hương Lâm (Hương Khê) cho hay.
Hương Khê là địa phương được bố trí số lượng đội viên chiếm 50% toàn tỉnh (17 đội viên). Ông Hà Văn Đàn - Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Hương Khê chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều ở đội ngũ trí thức trẻ đợt này. Mong rằng, các đồng chí không ngừng học hỏi; bám sát nhiệm vụ của địa phương, đồng thời, mạnh dạn đề xuất ý kiến, tham mưu cấp ủy, chính quyền trong phát triển KT-XH, trở thành những cán bộ được nhân dân tin tưởng, đồng nghiệp quý mến”.
Được biết, thời gian tình nguyện của mỗi đội viên là 5 năm, tuy nhiên, sau 3 năm, nếu đội viên hoàn thành nhiệm vụ, Sở Nội vụ mới tiếp tục xem xét ký hợp đồng 2 năm tiếp theo. Điều này góp phần sàng lọc đội ngũ cán bộ trẻ, đảm bảo phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất của đội viên trong xây dựng, phát triển địa phương.