Luật Thanh niên (sửa đổi): Thanh niên có nghĩa vụ phản bác các hành vi tiêu cực và sai trái
08:44 07/02/2018 1053
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Chiều 6/02, đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia và sinh viên các trường Đại học có chuyên ngành Luật tại Hà Nội đã tham gia Hội thảo nhằm thảo luận xây dựng Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) để bổ sung một số quyền mới của thanh niên, nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn và có tác động tích cực đến thanh niên trong quá trình đất nước đổi mới.
Các đồng chí: Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ và Nguyễn Thị Ngà, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam chủ trì hội thảo |
Thanh niên có nghĩa vụ phản bác các quan điểm tiêu cực và hành vi sai trái
Nhiều chuyên gia tại hội thảo đã nhận định, quyền và nghĩa vụ thanh niên đối với văn hóa chưa được tách rõ, nhất là trong bối cảnh giao lưu văn hóa, hội nhập toàn cầu sâu rộng như hiện nay.
Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch góp ý sửa đổi, bổ sung làm rõ quyền và nghĩa vụ thanh niên theo hướng cụ thể hóa. Đồng chí đề nghị bổ sung quy định thanh niên là những đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi thụ hưởng văn hóa theo quy định; bổ sung nghĩa vụ thanh niên trong đấu tranh các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa; bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ để thanh niên thụ hưởng, tiếp cận các giá trị văn hóa thực sự.
Đồng chí Nguyễn Hồng Kiên, Chuyên viên cao cấp Vụ Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên & Nhi đồng của Văn phòng Quốc hội đề xuất quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hưởng thụ, tiếp cận các giá trị văn hóa trong Luật thanh niên (sửa đổi), đặc biệt trong các giá trị văn hóa về vui chơi, giải trí, đi kèm với trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ các giá trị văn hóa hay nghệ thuật.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, phải bổ sung nghĩa vụ của thanh niên trong việc đấu tranh, phê phán cái xấu, cái ác, lạc hậu; chống các quan điểm hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa; phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về văn hóa.
Một số vấn đề được góp ý tại hội thảo như: Cách tiếp cận luật sửa đổi; sửa đổi về bố cục; chi tiết thêm về quyền lợi và nghĩa vụ các nhóm đối tượng; Chế tài trong phát triển thanh niên; Cơ chế điều tiết, phối hợp thực hiện chính sách đối với thanh niên của các Bộ, ngành; ưu tiên nhiều hơn cho thanh niên nhưng cũng cần kèm theo nhiều chế tài để thể hiện rõ trách nhiệm của thanh niên đối với xã hội; Cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng trẻ theo các nhóm đối tượng cụ thể. |
Các chủ thể xã hội chăm lo phát triển thanh niên
Theo TS.Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và Phát triển, Luật thanh niên 2005 chỉ mới tạo được hành lang pháp lý trong quy định quyền và trách nhiệm của thanh niên, trách nhiệm của các chủ thể xã hội trong chăm lo phát triển thanh niên, nhưng chưa đề cập sâu tới nội dung an sinh xã hội.
TS. Miều nhấn mạnh, bên cạnh cần chính sách phát triển thanh niên, khuyến khích thanh niên tự khởi nghiệp, học nghề; khuyến khích các đối tượng thanh niên như: thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên di cư, thanh niên tôn giáo, thanh niên tài năng… về làm việc tại những địa bàn đặc biệt khó khăn. Các chủ thể trong xã hội như: nhà trường, gia đình, doanh nghiệp, dịch vụ công, lực lượng vũ trang, tôn giáo,…có quyền lợi và trách nhiệm tham gia phát triển thanh niên và đảm bảo an sinh xã hội cho thanh niên.
Đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp trao đổi đã thông tin về nhiều hạn chế trong Luật thanh niên 2005 cần được bổ sung và sửa đổi như: chưa quy định cụ thể cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và đảm bảo sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật cho thanh niên đã làm cho thanh niên chưa phát huy và thực hiện đầy đủ các quyền này.
Ngoài ra, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong ban hành, tổ chức và thực thi chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa thể hiện rõ rệt; việc tổ chức lấy ý kiến thanh niên ở một số nơi còn mang tính hình thức, kiến nghị của thanh niên chưa được giải quyết thỏa đáng.
Bên cạnh đó, nhiều nơi chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho việc phát huy vai trò của thanh niên tham gia góp ý, xây dựng chính sách, pháp luật cho thanh niên do chưa có quy định chế tài đảm bảo thi hành Luật.