Lớp học làm gốm của trẻ em khiếm thị
09:47 23/04/2015 1194
Công tác tuyên truyền, giáo dục Suốt nhiều năm qua, lớp học là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng năng khiếu cho các em nhỏ không may mắn.
Đã 8 năm nay, lớp học làm gốm do thầy Đào Ngọc Huỳnh trực tiếp đứng lớp là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng khả năng sáng tạo cho những em nhỏ khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Thầy Huỳnh đang hướng dẫn các học sinh nặn gốm. |
Lớp học làm gốm cho trẻ khiếm thị được mở ra từ ý tưởng của một nữ họa sĩ người Thụy Điển Elisabeth Persson. Cách đây 8 năm, bà đã đến thăm trường Nguyễn Đình Chiểu và rất đồng cảm với hoàn cảnh của các em nhỏ tại đây. Bản thân bà cũng là một người không may mắn khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. Chính vì thế, họa sĩ người Thụy Điển thấu hiểu được nỗi bất hạnh mà những em nhỏ khiếm thị phải trải qua. Bà nảy ra ý định mang lại cho các em một thứ “ngôn ngữ mới”, bắt đầu từ việc vẽ tranh.
Sau một thời gian tiếp xúc và dạy các em vẽ tranh, bà Elisabeth Persson nhận thấy các em nhỏ trường Nguyễn Đình Chiểu có một đôi bàn tay khéo léo, mẫn cảm nên đã quyết định đưa gốm vào lớp học để các em có thể cầm, nắm, tìm hiểu về thế giới xung quanh.
Cũng vào thời điểm đó, thầy Đào Ngọc Huỳnh (hiện đang công tác tại Báo Lao Động) được nhà trường mời về để hướng dẫn, giúp đỡ các em. Và thế là lớp học làm gốm ra đời.
Hàng tuần vào cuối giờ chiều thứ 7, thầy Đào Ngọc Huỳnh lại đến dạy cho các em khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu làm đồ gốm, đây cũng là khoảng thời gian mà các em vừa tan lớp học văn hóa. Thầy và trò có 2 tiếng cùng nhau thỏa sức sáng tạo cùng với đôi bàn tay và trái tim thay cho đôi mắt thiệt thòi. Lớp học hiện tại có khoảng 20 học sinh.
Tâm sự về lớp học, thầy Đào Ngọc Huỳnh cho hay: “Khi mới nhận lớp học, tôi nhận thấy những khó khăn phải trải qua để đưa các em đến với thế giới nghệ thuật. Đối với những em nhỏ khiếm thị, thế giới của các em, sự hình dung của các em là mênh mông và vô hạn, nó khác hẳn với những điều mà người có đôi mắt sáng hình dung được”.
Ban đầu tiếp xúc với các em, thầy Huỳnh đã gặp rất nhiều khó khăn, thầy đã phải bắt đầu dạy các em từ những thứ đơn giản nhất như: Gấp giấy, cho các em dùng tay cảm nhận những con vật, hoa quả để các em có những hình dung đầu tiên, sau đó mới trực tiếp tiếp xúc với đất. Đó là một quá trình dài và kiên nhẫn.
Bắt đầu từ những hình khối tròn, vuông đơn giản, đến nay các em đã có thể sáng tạo nên những hình con vật, đồ vật phức tạp hơn. Niềm vui của người làm thầy đó là nhìn các em khôn lớn và trưởng thành từng ngày, có những em hiện đã và đang học chuyên ngành điêu khắc và nghệ thuật.
Em Hà Anh, một em nhỏ khiếm thị trong lớp học làm gốm chia sẻ: “Em thường nặn bát đĩa và con vật, khi được nặn đất em thấy rất vui vì nhờ đó mà em khám phá được thế giới động vật, thực vật. Và quan trọng hơn là em đã tự làm được những sản phẩm từ đôi bàn tay của mình”.
Những nỗ lực của các em nhỏ khiếm thị tại lớp học làm gốm của thầy Đào Ngọc Huỳnh đã được khẳng định bằng 4 cuộc triển lãm. Những tác phẩm nghệ thuật của các em đã được công nhận, đó chính là niềm vui của cả thầy và trò sau những khoảng thời gian dài khó khăn, nhẫn nại.
Một số hình ảnh về lớp học: