Lão thành cách mạng Phạm Thị Trinh - suốt đời hy sinh chiến đấu quên mình vì hạnh phúc của mọi người
18:12 16/04/2019 3568
Công tác tuyên truyền, giáo dục Web.ĐTN: Là người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam có tuổi Đảng cao nhất cả nước và cũng là người Đảng viên cuối cùng của năm 1930, cuộc đời đồng chí Phạm Thị Trinh là một tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, đạo đức và nghị lực cho các thế hệ học tập và noi theo.
Cụ Phạm Thị Trinh ký tặng sách, hồi ký tặng cho đoàn viên, thanh niên trong dịp Đoàn công tác của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tới thăm năm 2015 |
Quên mình vì hạnh phúc của mọi người
Là con út sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha và mẹ tham gia phong trào Văn Thân, các anh trai đều hăng hái tham gia cách mạng ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Phạm Thị Trinh sớm giác ngộ, nuôi chí lớn tham gia kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Năm 14 - 15 tuổi, vì tự ái và tức giận các anh Thanh niên cách mạng đồng chí Hội không cho hội họp, chỉ nhờ canh gác, nghe đọc chuyện cụ Phan Bội Châu mà mình mù chữ, đồng chí Phạm Thị Trịnh đã tự mày mò học từng chữ a, b, c… giở sách ra tập ghép vần, rồi biết đọc biết viết, khiến nhiều người ngạc nhiên.
Mùa thu 1930, đồng chí nhận nhiệm vụ rải truyền đơn và được Đảng đào luyện làm công tác tuyên truyền. Đồng chí dám "xuất quỷ nhập thần" diễn thuyết cả ban ngày giữa chợ đông người, làm cho địch rất hoảng loạn.
Tháng 11/1930, đồng chí nhận nhiệm vụ cầm cờ chỉ huy cuộc biểu tình lớn có hàng ngàn người tham gia ở huyện lỵ Sơn Tịnh, buộc tên tri huyện Nguyễn Bính khiếp vía, phải trực diện xin lỗi nhân dân và hứa "đệ trình" những yêu sách lên trên giải quyết.
Hai lần bị địch bắt, bị chúng tra tấn làm lòa cả 2 mắt, bất chấp mọi cực hình tra tấn, thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, đồng chí Phạm Thị Trinh vẫn giữ trọn khí tiết của người cộng sản. Biến nhà tù thành trường học, đồng chí đã tự học chữ, học lý luận cách mạng, học gương đấu tranh của các bậc đàn anh. Đồng chí Phạm Thị Trinh trở thành người cán bộ cách mạng ưu tú và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào tháng 11/1930 khi mới 16 tuổi.
Năm 1931, trước tình hình thoái trào, đồng chí được bầu làm Bí thư Tổng ủy, nhằm gây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở tan vỡ khắp nơi ở các xã Tây Sơn Tịnh. Bị địch truy lùng ráo riết, bà rút vào núi Hòn Dầu, sống nơi không có dấu chân người, chỉ thấy toàn dấu chân voi, cọp… phải làm chòi ngủ trên cây cao. Để tránh khói bay lên bị lộ, phải ăn khoai khô, gạo sống, uống nước khe nhiều ngày, gió mưa lạnh ướt như chuột lội.
Tháng 8/1931, do có kẻ phản bội chỉ điểm, đồng chí bị vây bắt. Trước những chiêu bài dụ dỗ, mua chuộc, đánh đập, tra tấn tàn khốc, đồng chí Phạm Thị Trinh vẫn không hề khuất phục, đĩnh đạc trả lời: "Tôi chỉ có mỗi một nước mẹ là Việt Nam, không có "mẫu quốc" nào khác! Tôi không muốn đế quốc Pháp xâm lược và cai trị nước tôi, điều đó cũng giống như trước đây nhân dân các ông đã đứng lên chiến đấu để không cho quân Đức chiếm đóng nước Pháp. Thử hỏi, thực dân Pháp bóc lột nhân dân tôi tận xương tủy, còn tôi là con gái đang tuổi chưa thành niên, đã bị các ông bắt giam cầm, tra tấn dã man, vậy văn minh của các ông là văn minh kiểu gì?...".
Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ngãi thành công, đồng chí Phạm Thị Trinh là phụ nữ duy nhất có mặt trên Chủ tịch đoàn cuộc mít tinh của tỉnh mừng cách mạng thành công và ra mắt UBND cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. Năm đó, người phụ nữ quê hương núi Ấn sông Trà mới 31 tuổi. Các bạn chiến đấu đã ví đồng chí Phạm Thị Trinh như hạt ngọc sông Trà, con sông quê đồng chí.
Sống trong sạch và lương thiện
Cụ Phạm Thị Trinh đã sống qua hai thế kỷ, chứng kiến bao sự đổi thay của đất nước mà vẫn giữ được sự minh mẫn hiếm có. Cụ là tấm gương mẫu mực không chỉ với những hy sinh và cống hiến lớn lao cho đất nước suốt chặng đường cách mạng, cụ còn là nơi neo đậu những tình cảm sắt son.
Hằng ngày cụ Trinh vẫn theo dõi thời sự qua đài, báo. Khi có bạn bè tới thăm, cụ hỏi tình hình trong nước, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng... Gần 90 năm tuổi Đảng, cụ vẫn lo bảo vệ sự trong sạch của Đảng.
Trong đời sống thường ngày, cụ sống đúng mực với mình. Những tiêu chuẩn không dành cho gia đình, cụ trả lại cho nhà nước. Cụ đã nhiều lần trả lại biệt thự 34 Lý Nam Đế, nhà trong khu tập thể 38 Trần Phú, nhà ở khu tập thể Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội)...
Từ ngày nghỉ hưu, cụ Trinh chuyển hẳn ra khu vực ngoại thành, tăng gia sản xuất để tự lo cuộc sống. Dư âm của những năm tháng tù đày khiến sức khỏe của cụ bị ảnh hưởng nhiều, nhưng cụ đã tự khắc phục bằng cách tập dưỡng sinh. Thêm vào đó, cụ còn tham gia câu lạc bộ thơ để rèn luyện tinh thần và cả viết sách về lịch sử phụ nữ... Cụ kiệm lời, còn các con cứ nhìn vào tấm gương của mẹ để tự soi mình mà học theo.
Gia đình đông con, cụ Trinh luôn dạy các con phương châm sống trong sạch và lương thiện ngay cả khi xã hội đang có nhiều biến động. “Các con khó đến đâu, mẹ hỗ trợ đến đó. Còn khả năng chỉ có thế, thì không nên cố tìm một vị trí cao hơn. Như thế vừa khổ mình vừa khó cho tổ chức, lại tạo nên sự bất công trong xã hội”.
Dù đã cao tuổi, nhưng cụ Phạm Thị Trinh vẫn giành sự quan tâm đặc biệt tới thế hệ trẻ, đặc biệt là lực lượng thanh niên. Cụ thường xuyên theo dõi những hoạt động, phong trào của thanh niên cả nước qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ Trinh luôn có niềm tin mãnh liệt vào thế hệ thanh niên, nhất là những đảng viên trẻ.
Cụ đã từng chia sẻ sự xúc động với các cán bộ, Đảng viên trẻ về tinh thần yêu nước của tuổi trẻ. Các bạn không ngại khó khăn gian khổ khi ra các đảo canh giữ vùng biển đảo, lên biên giới của Tổ quốc; xung phong ngược núi phục vụ bà con dân tộc còn khó khăn; tổ chức các hoạt động tình nguyện thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh... Cụ rất vui và tự hào khi thấy thế hệ trẻ đã làm những điều này...
Cụ mong muốn thanh niên, đặc biệt là các đảng viên trẻ có trình độ, có học thức phải cố gắng học tập, rèn luyện tư tưởng để trở thành lực lượng xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng và bảo vệ Tổ quốc; luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tiếp tục truyền thống cha anh đi trước xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng đáng kế tục thế hệ đi trước. Bởi tuổi trẻ là tương lai của đất nước.
Với lòng yêu nước và ý chí nghị lực phi thường, Cụ Phạm Thị Trinh đã để lại cho đời một nhân cách đẹp đẽ lạ thường, nhân cách của một con người luôn tự lực tự cường đi lên bằng chính đôi chân của mình, hòa chung cuộc đời mình với cuộc đời của đất nước và nhân dân; không hề đòi hỏi một đặc lợi nào cho cá nhân, chỉ biết suốt đời hy sinh chiến đấu quên mình vì hạnh phúc của mọi người.
Đồng chí Phạm Thị Trinh (Lân), sinh ngày 08/3/1914, cán bộ Lão thành cách mạng, Đại biểu Quốc hội khóa II, III, nguyên Ủy viên Đảng Đoàn, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; quê quán: Thôn An Phú, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi; tham gia hoạt động Cách Mạng từ tháng 9 năm 1930, vào Đảng tháng 11 năm 1930. 105 tuổi đời, 89 năm tuổi Đảng với rất nhiều cống hiến cho Đảng, cho phụ nữ, nhân dân, cụ Phạm Thị Trinh đã thanh thản về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và công tác, đồng chí luôn sâu sát với phong trào Phụ nữ. Cuộc đời và những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp Cách mạng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã góp phần tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam. Đồng chí Phạm Thị Trinh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Hai, Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Cụ là nữ đảng viên duy nhất tại Việt Nam được trao tặng Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng. |