Lan tỏa âm vang Điện Biên

09:14 07/05/2014     1334

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: 60 năm - tròn một hoa giáp, cha ông ta đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu - chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954. Hôm nay, Điện Biên Phủ từ một điểm hẹn lịch sử đã trở thành điểm tựa niềm tin để đất nước ta, dân tộc ta tiếp tục kiến tạo mốc son chói lọi.

5
Tổng duyệt diễu binh trong ngày đại lễ, những hoạt động chào mừng, tri ân trước và trong ngày 7/5
Ảnh: pv

Hôm nay, đường từ Hà Nội lên Điện Biên thay vì mất hàng tháng nay rút ngắn chỉ còn mười tiếng đồng hồ. Trải dài theo con đường lịch sử, những người trẻ hôm nay khó hình dung nổi vì sao và bằng cách nào 60 năm trước cha ông có thể kéo những khẩu trọng pháo 105mm lên những đỉnh cao, thồ hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm bằng những chiếc xe đạp thồ đơn sơ để làm nên chiến thắng vĩ đại ấy.
Có mặt trong dòng người về với Điện Biên hôm nay là những cựu binh trở lại thăm chiến trường xưa, là những người dân công năm xưa thồ hàng. Nhiều người trong họ đã ở tuổi ngoài 80, 90 tuổi.
Tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, chúng tôi có gặp bác Nguyễn Thế Chuân (81 tuổi), cựu chiến binh từng tham gia đánh trận đồi A1 năm xưa, một trong những khách mời của Ban tổ chức tham dự lễ mít tinh vào sáng nay 7/5. Người lính già rưng rưng nước mắt nhớ đến các đồng đội đã hy sinh.

5
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Việt Điểm, 60 năm tuổi Đảng, cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ, ở phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ

Giọng ông chợt hào sảng khi nhắc những ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, máu trộn bùn non đấu trí với địch. Đại đội của ông chính là đơn vị đã đào hàng trăm mét đường hầm, đánh quả bộc phá gần 1 tấn quyết định phá hủy hệ thống hầm ngầm của địch ở đồi A1 để giành chiến thắng quyết định tại địa điểm chiến lược này ngày 6/5/1954.
Cùng có mặt tại nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, Trung tá Nguyễn Trọng Mạo (93 tuổi), Đại đoàn 308, cho biết đây có lẽ là lần hiếm hoi ông có thể tới thắp hương cho các đồng đội. “Còn gặp nhau ở đây là vui lắm rồi”, trung tá Mạo nhắc lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lên thăm Điện Biên Phủ nhân kỉ niệm 40 năm ngày chiến thắng (7/5/1994). Ông nói nguyện vọng cuối cùng của mình là được vào viếng Đại tướng tại Đảo Yến-Vũng Chùa (Quảng Bình) “Như thế, cuộc đời tôi sẽ thật trọn vẹn”.
Vừa kể chuyện, ông Mạo vừa khoe hai tấm huy hiệu cài trước ngực. Một tấm huy hiệu “chiến sĩ Điện Biên" và một tấm huy hiệu đặc biệt vừa được một người bạn Pháp, một cựu chiến binh, một người đứng bên kia chiến tuyến tặng cách đây không lâu. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ với người cựu chiến binh Pháp tên Francois Furnier, một người cũng có thời gian chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Dù bất đồng ngôn ngữ nhưng hai người lính hai chiến tuyến năm xưa ấy vẫn siết chặt tay nhau. Những gì của quá khứ mãi là quá khứ, không thể thay đổi được nhưng giờ họ, hai cựu binh 81 tuổi ấy là những người bạn.
Trong trang phục truyền thống người Thái Đen, nữ dân công năm xưa - bà Lò Thị Hơn (78 tuổi, bản Noong Bua, TP Điện Biên Phủ) đưa cháu gái là Lò Thì Mưa trở lại chiến trường xưa. Với tấm áo cựu binh gắn đầy huy chương, cụ Hơn hồ hởi nói về sự thay đổi của Điện Biên hôm nay “Tôi cũng không biết nói gì, chỉ mong các con, các cháu tiếp nối được truyền thống của cha ông”.
“Tinh thần Điện Biên sẽ tiếp tục được các thế hệ tiếp nối trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay”.

    Chủ tịch nước
Trên đường Võ Nguyên Giáp rực rỡ cờ đỏ, sao vàng, nhiều bạn trẻ khoác trên mình chiếc áo màu xanh hòa bình có in hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ như niềm tự hào riêng của Điện Biên và cả nước.
Những gương mặt trẻ phơi phới trong lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ hôm nay là chứng nhân của hòa bình. Và lễ kỷ niệm chiến thắng không chỉ để nhìn về quá khứ hào hùng mà đó là thông điệp của một dân tộc khát khao hòa bình độc lập bằng mọi giá.
Đêm trước Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” diễn ra với sự tham dự của gần 1.000 nghệ sỹ, diễn viên. Khúc nhạc mở màn “Đường lên Tây Bắc” của 50 nhạc công đến từ Đội Quân nhạc, Đoàn Nghi lễ Quân đội cùng gần 100 nghệ sỹ thuộc dàn hợp xướng Điện Biên đã mở ra một không gian riêng có của mảnh đất Điện Biên anh hùng. Người dân Điện Biên như sống lại thời khắc hào hùng của dân tộc.

Tiếp nối tinh thần Điện Biên Phủ

Chiều 6/5, với tấm lòng tri ân những người đã dành cuộc đời mình đóng góp cho công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, ngay khi tới TP Điện Biên Phủ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm gia đình ông Nguyễn Viết Điểm (86 tuổi, nguyên là cựu tù chống pháp năm 1946) và gia đình ông Hoàng Văn Bảy (85 tuổi ở TP Điện Biên Phủ). Họ là những nhân chứng lịch sử, trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu cách đây vừa tròn 60 năm.

5
Tổng duyệt trên đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Như Ý

Điểm đặc biệt ở những người cựu chiến binh Điện Biên là họ không sinh ra ở Điện Biên, người thì sinh ra ở vùng quê Ba Vì, Hà Nội, người thì quê Nghệ An nhưng theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ đã tham gia cách mạng từ năm 1945 và đã trực tiếp cùng biết bao chiến sĩ, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và làm nên chiến thắng vang dội 60 năm về trước. Sau chiến thắng, những người cựu chiến binh, thương binh ấy lại tiếp tục ở lại để xây dựng quê hương Điện Biên cho đến ngày hôm nay.
Tại các gia đình, Chủ tịch nước đã ân cần thăm hỏi sức khỏe và trò chuyện cùng những người cựu chiến binh năm xưa về những ngày đêm máu lửa, anh dũng trong 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Xúc động trước những tấm gương anh dũng mà hết sức bình dị của những người cựu chiến binh Điện Biên năm xưa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Đảng, Nhà nước luôn khắc ghi những đóng góp to lớn của các cựu chiến binh và các lực lượng đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. 60 năm đã qua chiến thắng ấy vẫn còn âm vang mãi đến muôn đời sau”.
“Tinh thần Điện Biên sẽ tiếp tục được các thế hệ tiếp nối trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay”, Chủ tịch nước nói.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã tới viếng các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, thành phố Điện Biên Phủ.
Nghiêng mình trước anh linh những người đã anh dũng hi sinh để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, Đại tướng xúc động cho biết “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là mốc son bằng vàng của dân tộc Việt Nam và từ chiến thắng này, nó đã kết thúc chế độ thực dân tại Việt Nam và Việt Nam đã giành được độc lập. Điện Biên Phủ tạo thành điểm tựa để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thu non sông về một mối”.
“Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, của quân đội trong thời kỳ mới, dân tộc Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam đoàn kết và quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thô”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nói.
Hòa chung vào dòng người không dứt tới thăm Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa mới khánh thành, có sự hiện diện của Tùy viên quân sự các nước tại Việt Nam.
Nếu như tháng 10/2013, những sĩ quan tùy viên quân sự đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì hôm nay tại Điện Biên Phủ một lần nữa họ lại bày tỏ lòng thành kính trước bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh họp bàn cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong ánh mắt của nhiều du khách lại ánh lên sự kinh ngạc khi bắt gặp hình ảnh mô phỏng người lính Cụ Hồ kéo pháo lên những điểm cao, hay những chiếc xe đạp thồ hơn 300kg hàng mỗi chuyến.
Đứng dưới chân tượng đài Chiến thắng, GS.TS ngôn ngữ học và sử học người Đức Dorothy Singer thốt lên “thật kinh ngạc”.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Singer cho biết trước kia ông chỉ biết tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Hồ Chí Minh qua sách vở, tư liệu. Nhưng hôm nay khi tới Điện Biên Phủ, ông đã thực sự thấy được tầm vóc của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.
“Điện Biên Phủ thể hiện sức mạnh phi thường của Việt Nam và tài năng của tướng Giáp. Sức mạnh đó chính là tinh thần yêu nước bất khuất của một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm, vì vậy người Việt đã biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể”, GS Singer nói.
Người Điện Biên trải lòng đón khách
Nếu năm xưa, hình ảnh những “quán tự giác” qua miền Tây Bắc điệp trùng núi non in sâu trong lòng người dân thì nay giữa Điện Biên lịch sử, người Điện Biên đã có những cử chỉ đẹp đón chào du khách như tự nguyện nhường lại một phần nhà ở của mình để đón tiếp các cựu chiến binh. Những bình nước miễn phí của đoàn viên thanh niên ở các địa danh lịch sử như Đồi A1, Hầm Đờ Cát, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, nghĩa trang liệt sĩ thành phố… đã làm mát lòng du khách hôm nay.