Kỷ niệm 150 năm ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2020): Cách mạng là sáng tạo

08:50 22/04/2020     2433

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Trong lịch sử nhân loại đã có không ít những nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị và nhà cải cách xã hội có sức thu hút quần chúng mạnh mẽ, phát động họ đứng lên đấu tranh chống áp bức, bất công, nhưng có lẽ chỉ có V.I. Lênin mới có khả năng hiểu thấu những nhu cầu bức bách của sự phát triển xã hội.

Tên tuổi của V.I. Lênin vô cùng thân thiết đối với hàng triệu triệu người trên hành tinh của chúng ta. Lênin đã hiến dâng cả cuộc đời, trí tuệ thiên tài, tri thức rộng lớn, nghị lực vô tận của mình cho sự nghiệp vĩ đại - sự nghiệp đấu tranh giải phóng những người lao động khỏi ách áp bức dân tộc và áp bức xã hội, cho hòa bình và tương lai tươi sáng của các dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.

 

V.I.Lênin (1870-1924)

 

Trong lịch sử nhân loại đã có không ít những nhà tư tưởng, nhà hoạt động chính trị và nhà cải cách xã hội có sức thu hút quần chúng mạnh mẽ, phát động họ đứng lên đấu tranh chống áp bức, bất công, nhưng có lẽ chỉ có V.I. Lênin mới có khả năng hiểu thấu những nhu cầu bức bách của sự phát triển xã hội. Và hơn nữa, V.I. Lênin có khả năng tìm ra những đột phá quyết định, nắm thời cơ và tạo thời cơ, mang đến cho cách mạng một sức mạnh dời non lấp biển. V.I. Lênin đã đi vào lịch sử như một nhà tư tưởng, nhà cách mạng vĩ đại: về mặt lý luận, Người đã phát triển toàn diện chủ nghĩa xã hội khoa học do C. Mác và Ph. Ăngghen sáng lập; còn về mặt thực tiễn, chính Lênin là người đầu tiên tổ chức thành công cuộc cách mạng XHCN trên thế giới. Đó là Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đầu thế kỷ XX.

Đột phá chủ nghĩa đế quốc: Chúng ta biết rằng những năm đầu thế kỷ XX, thời Lênin sống là thời kỳ thống trị của chủ nghĩa đế quốc, có Lênin và có Cách mạng Tháng Mười, thời đại ấy là thời đại cách mạng vô sản. Vì vậy có thể nói: sự sáng tạo của tư tưởng Lênin trước hết phải kể đến việc tìm khâu đột phá vào chủ nghĩa đế quốc, làm rung chuyển thế giới. Bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917 ở nước Nga, V.I. Lênin đã chứng minh cho cả thế giới biết rằng: Chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tư bản lũng đoạn nhà nước là đêm trước của cách mạng vô sản.

 

V.I.Lê nin trong một buổi nói chuyện với công-nông-binh Nga sau khi giành chính quyền về tay nhân dân, bước vào xây dựng đất nước (Ảnh: tuyengiao.vn)


Về mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH): Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, mô hình CNXH mà Lênin tìm kiếm, xây dựng thực chất là một khai phá đầy sáng tạo. Lênin viết: Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người XHCN cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống … V.I. Lênin xây dựng cuộc sống mới XHCN ở Nga. Kể cả chính sách "Cộng sản thời chiến" hay chính sách "Kinh tế mới" được áp dụng trong những thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, càng chứng minh tính đúng đắn và sáng tạo tuyệt vời của V.I. Lênin trong quá trình đấu tranh cách mạng.

Từ những luận điểm lý thuyết, mô hình xây dựng CNXH, Lênin đã thể hiện sự vận dụng tài tình những tư tưởng của học thuyết C. Mác vào điều kiện cụ thể của nước Nga lúc đó. Lênin tìm mọi biện pháp để phát triển lực lượng sản xuất, chủ trương phát triển chủ nghĩa tư bản Nhà nước bên trong nhà nước chuyên chính vô sản v.v...

Tiếc thay, sau khi Lênin qua đời, mô hình CNXH do Người phác họa những nét ban đầu không được kế thừa đúng đắn và phát triển một cách sáng tạo. Mặt khác, theo học thuyết Mác - Lênin, để xây dựng thành công một phương thức sản xuất cao hơn chủ nghĩa tư bản thì tất yếu phải là một công việc đầy khó khăn và lâu dài, đòi hỏi tính tự giác cao và không ngừng sáng tạo một cách có nguyên tắc. Nhưng thực tế CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu vào những thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX có lúc đã không sáng tạo, thậm chí ở giai đoạn tồn tại cuối cùng của nó ( cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 thế kỷ XX), những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin còn bị phá vỡ nghiêm trọng. Thiếu sáng tạo hoặc nhân danh sáng tạo mà từ bỏ nguyên tắc đều là những nguyên nhân trong rất nhiều nguyên nhân làm đổ vỡ CNXH hiện thực ở Liên Xô (cũ) và các nước XHCH ở Đông Âu vào cuối thế kỷ XX.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng Lăng V.I.Lênin ngày 16.7.1957 (Ảnh:nongnghiep.vn)

 

Trong cuộc trường chinh của dân tộc ta, nhất là kể từ khi tiếp cận chân lý Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - không hề coi chủ nghĩa Mác - Lênin là một "khuôn vàng, thước ngọc" sẵn có, một bộ "sách tra cứu" nằm lòng, có thể mở ra là áp dụng được mọi điều, mọi nhẽ cho các cuộc đấu trang cách mạng; trái lại, với phép biện chứng duy vật lịch sử và tư duy năng động, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu luôn biết vận dụng một cách sáng tạo nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin (như kim chỉ nam cho mọi hoạt động nhận thức và hành động) vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống xâm lăng và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới trên đất nước ta trong suốt 90 năm qua là một minh chứng hùng hồn cho điều đó. Tuân theo di huấn của V.I. Lênin, Đảng ta hiểu rằng: Sáng tạo cách mạng chính là việc giữ vững nguyên tắc và mềm dẻo về phương pháp; giữ vững mục đích và mềm dẻo khi sử dụng phương tiện. Nguyên tắc cao nhất của Lênin là xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân - hạt nhân lãnh đạo xây dựng CNXH. Mục đích là điện khí hoá, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Nhưng phương tiện, giải pháp sử dụng để thực hiện luôn phải linh hoạt. Nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện sẽ là sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến đổ vỡ và thất bại.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: "V.I.Lê-nin là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất". Người còn nói: "Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lê-nin muôn đời bất diệt".

Nhân dịp Kỷ niệm 150 ngày sinh V.I. Lênin năm nay, trong mỗi chúng ta có thêm niềm tự hào về Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu, về nhân dân ta anh hùng; cũng như về tình hữu nghị thủy chung, son sắt giữa nhân dân Liên Xô trước đây (nay là Liên bang Nga) với nhân dân Việt Nam. Trong sự nghiệp xây dựng CNXH và công cuộc đổi mới của đất nước ngày hôm nay - nhất là thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"- trách nhiệm của mỗi chúng ta là càng phải làm cho tinh thần Lênin, sức sáng tạo của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn sống động và tỏa sáng.

Cách mạng phải sáng tạo. Đó là bài học của hôm qua, hôm nay và mai sau./.

 

Nguồn Báo điện tử Tổ Quốc