Kết nối giới trẻ với nghị trường

17:02 31/03/2015     869

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Sáng 27/3, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ đã ra mắt tại Hà Nội. Nhóm bao gồm 70 đại biểu Quốc hội từ 45 tuổi trở xuống được thành lập theo Nghị quyết 899/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông Đinh Công Sĩ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Phó chủ tịch Thường trực nhóm, Nhóm các nghị sĩ trẻ được thành lập nhằm mục đích tạo diễn đàn để các đại biểu Quốc hội trẻ có thể giao lưu trao đổi, thảo luận về những vấn đề giới trẻ hiện nay đang quan tâm, nhất là việc lồng ghép những vấn đề đó vào các hoạt động của Quốc hội như lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu Quốc hội trẻ được trang bị thêm kiến thức cũng như kỹ năng trong các hoạt động dân cử nói chung. Phóng viên Báo CATP đã có cuộc trao đổi thêm về vấn đề này.

- PV: Vậy Nhóm nghị sĩ trẻ sẽ có đóng góp gì tại IPU 132 lần này, thưa ông?


- Ông Đinh Công Sĩ: Trước mắt chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, ví dụ như Trung tâm đại biểu dân cử hay các Ủy ban Hội đồng dân tộc của Quốc hội tổ chức các hội thảo hay hội nghị chuyên đề về các lĩnh vực mà đại đa số giới trẻ đang quan tâm, từ đó tạo ra những tiếng nói chung và mạnh mẽ nhất khi tham gia vào các hoạt động của Quốc hội để đóng góp, nhất là trong quá trình xây dựng pháp luật.

Khi xây dựng nhóm này, chúng tôi cũng mong muốn đây là một diễn đàn có thể thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm với các diễn đàn của thanh niên ở các nghị viện các nước trên thế giới, cũng như các vấn đề của giới trẻ toàn cầu hiện nay đang quan tâm, như vấn đề nghề nghiệp, việc làm, vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, về thu nhập, lối sống, văn hóa...

Ngay sau khi công bố nghị quyết thành lập, chúng tôi đã bàn về phương hướng tham gia tại Đại hội đồng liên minh thế giới lần này, với hai nội dung lớn: quản trị nguồn nước và vấn đề an ninh mạng. Về quản trị nguồn nước, đây là một nội dung mà IPU 132 tại Hà Nội sẽ thông qua nghị quyết và tại diễn đàn của nghị sĩ trẻ, đoàn Việt Nam cũng đang có những chuẩn bị cho nội dung này.

Ở nội dung thứ hai, chúng tôi nhận thấy vai trò đặc biệt của giới trẻ trong việc phòng chống các mối đe dọa từ việc sử dụng công cụ mạng đối với an ninh các quốc gia cũng như với các tổ chức cá nhân. Đoàn Việt Nam sẽ có một số kiến nghị như kêu gọi các nước trong liên minh nghị viện thế giới kêu gọi các quốc gia không tiến công lẫn nhau trên không gian mạng bất kỳ dưới hình thức nào; khuyến nghị Liên hợp quốc xây dựng Công ước quốc tế về bảo đảm an ninh và an toàn không gian mạng; khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác trao đổi đào tạo nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật - công nghệ và chia sẻ thông tin phòng chống tội phạm; phối hợp thành lập nhóm chuyên gia ứng cứu an ninh mạng khi có sự cố xảy ra.

Ngoài ra, đoàn Việt Nam cũng khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường xây dựng năng lực an ninh thông tin các quốc gia của mình và khuyến nghị giới trẻ các quốc gia thành viên khai thác tài nguyên mạng có hiệu quả, tích cực, chống lại các hành vi thông qua mạng làm phương hại đến các tổ chức và các quốc gia.

- PV: Như ông nói ở trên, có thể hiểu rằng Nhóm nghị sĩ trẻ sẽ mang tiếng nói của người trẻ đến nghị trường. Vậy nhóm đã có kế hoạch gì để biến điều này thành hiện thực?

- Ông Đinh Công Sĩ: Dù mới thành lập nhưng chúng tôi đã lên ý tưởng, sau khi ban hành quy chế hoạt động, Nhóm nghị sĩ trẻ của Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan trong và ngoài Quốc hội để thu thập tiếng nói người trẻ ở nhiều góc độ, lĩnh vực khác nhau, như thanh niên trong khối các cơ quan nhà nước, thanh niên công nhân, thanh niên bên ngoài khu vực đô thị... Chúng tôi mong muốn thông qua các kênh này có thể nắm được những thông tin mang tính tổng quan nhất. Bên cạnh đó, thông qua tiếp xúc cử tri, qua các diễn đàn trên mạng xã hội, các nghĩ sĩ trẻ có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ, mang tiếng nói của họ vào nghị trường như một sự kết nối hữu hiệu nhất.