Hưng Yên: Thủ khoa mồ côi bố

08:48 12/09/2012     2065

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Ưeb.ĐTN: Bố mất từ khi còn nằm trong bụng mẹ, hai mẹ con sống nhờ nghề làm ruộng, mò cua, bắt ốc cực khổ, nhưng Phạm Văn Đích ở xã Hoàng Hanh huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên đỗ thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự, được mọi người nể phục.

M
Mẹ con Đích bên căn nhà được quây bằng gạch ba vanh


Thương mẹ, Đích vươn lên học giỏi

Ngay từ khi sinh ra, tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn song Đích lại rất bụ bẫm và thông minh. Năm lên cấp 1 cho đến cấp 2 Đích luôn là học sinh giỏi. Lên lớp 10, Đích phải đi học xa nhà trên 10km, đạp xe tới trường cũng mất gần nửa tiếng đồng hồ.  Đích cho biết: “khi còn học lớp 9, lớp 10, em mê game lắm. Nhiều khi trốn cả học, đi gần chục cây số để chơi game. Lớp có mấy đứa con trai thì tất cả đều chơi game”. Mẹ đã tìm Đích về, bằng tình yêu thương của mẹ, Đích đã hiểu ra và không còn mải chơi nữa mà tiếp tục tập trung vào việc học. Từ bỏ chơi game, Đích học giỏi lên rõ rệt. Những năm học cấp II đạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp huyện môn tiếng Anh, cấp III Đích liên tục được chọn vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải. Hai lần trường tổ chức thi thử đại học em đều đỗ thủ khoa. 

Nuôi chí lớn đỗ Thủ khoa Đại học

Biết mẹ khi còn là thanh niên luôn có ước mơ được đi bộ đội với 3 lần viết đơn đi bộ đội nhưng không được vì thiếu cân nên mục tiêu của Đích hướng tới các trường Quân sự. Từ lớp 10A6 – một lớp học bình thường trong Trường THPT Trần Hưng Đạo huyện Tiên Lữ, do học tập tốt, em được cô Huyền - giáo viên dạy Toán xin sang lớp 11A2 - lớp chọn do cô làm chủ nhiệm - để tiện theo dõi, bồi dưỡng kiến thức. Sau đó, Đích tiếp tục được chuyển sang lớp 12A1, lớp chọn tốt nhất của trường. Cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bè bạn, đó chính là tiền đề giúp Đích có được thành công. Đích nộp hồ sơ thi vào trường Học viện Kỹ thuật quân sự và đỗ Thủ khoa. Mới đây, Đích là một trong số ít sinh viên được trường tuyển đi đào tạo về quân sự ở nước ngoài nên mẹ sẽ phải xa Đích trong một thời gian dài. Trong căn nhà bé nhỏ, đơn sơ mà đồ vật đáng giá nhất là những tấm giấy khen, giấy chứng nhận cháu ngoan Bác Hồ của Đích, mẹ lại tiếp tục cuộc sống làm thuê, làm mướn để chờ ngày con trở về góp phần bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương.

Được mắt thấy tai nghe câu chuyện của Thủ khoa Đại học Phạm Văn Đích, hơn ai hết mẹ và các thầy cô là những người che chở, thương cảm, động viên và chắp cánh cho Đích vượt qua những ngày tháng khó khăn, vất vả, Đích quyết tâm học giỏi đỗ Thủ khoa đã làm thoả lòng mong ước của người mẹ nghèo lam lũ.