Hội thảo trực tuyến góp ý, xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

03:45 03/11/2018     6084

Công tác tuyên truyền, giáo dục   Web.ĐTN: Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2018, ngày 02/11, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý, xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao tặng lẵng hoa cho Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhân Ngày pháp luật Việt Nam

 

Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến những nội dung, quy định trong Luật Thanh niên; phát huy được những giá trị của Luật Thanh niên trong thực tế triển khai.

Tham dự chương trình có các đồng chí đại biểu: Lại Xuân Lâm - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Trung ương Đoàn và Đặng Hoàng Oanh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

Luật Thanh niên được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Thời gian qua, Luật Thanh niên năm 2005 đã từng bước đi vào thực tiễn, là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên và cho việc ban hành các chính sách, pháp luật cho thanh niên; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên và trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và xã hội.

Luật Thanh niên ra đời đã góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Thanh niên cho thấy, một số quy định của Luật Thanh niên đã bộc lộ những bất cập cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên và thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên; phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển thanh niên, công tác thanh niên và sự phát triển của đất nước hiện nay.

Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 đã được đưa vào chương trình dự bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Nội vụ là đơn vị chủ trì soạn thảo Dự án Luật. Dự kiến, Dự án Luật sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019 và trình Quốc hội thông qua tháng 10/2019.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ các hạn chế, bất cập của Luật thanh niên; kiến nghị những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên, tập trung các nội dung cần đưa vào trong Luật sửa đổi, như: vấn đề quyền và nghĩa vụ của thanh niên; vấn đề nghề nghiệp và việc làm của thanh niên; nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, một số quy định cụ thể về chính sách cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên, chế tài thực hiện Luật thanh niên, một số vấn đề liên quan đến bố cục, kỹ thuật lập pháp trong Luật…

Đại biểu Phạm Hồng Nhật, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu ý kiến: Luật thanh niên sửa đổi, bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân luồng giáo dục, đào tạo để tạo cơ hội cho thanh niên được học tập, học nghề, nâng cao trình độ ngôn ngữ, được tư vấn hướng nghiệp, được miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cấp sách giáo khoa… căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng thanh niên.

Từ đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi trách nhiệm của mình sẽ cụ thể hóa và triển khai các chính sách đó trong đời sống trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhà nước cần nâng cao vai trò vị trí, vai trò của Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam làm nòng cốt trong việc tham mưu, đề xuất với Nhà nước xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật đối với thanh niên, tạo điều kiện để Đoàn thanh niên và các tổ chức của thanh niên trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của thanh niên, hỗ trợ thanh niên; phản biện, giám sát quá trình xây dựng và thực thi các chính sách của Nhà nước theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

 

Hội thảo trực tuyến góp ý, xây dựng dự thảo Luật Thanh niên

Các đại biểu tham dự đóng góp ý kiến tại Hội nghị

 

Đại biểu Nguyễn Văn Quân, Đoàn thanh niên Bộ Tư pháp đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh niên (sửa đổi), trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, các tổ chức kinh tế - xã hội đối với thanh niên; những vấn đề về chính sách có liên quan đến thanh niên; các tổ chức thanh niên. Dự thảo Luật cần bổ sung quyền chính trị và quyền được tham gia các hoạt động chính trị của thanh niên, một số quyền đặc thù của thanh niên như học tập, lao động, làm việc... ; quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên để đảm bảo việc hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Luật Thanh niên đạt hiệu quả; quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của thanh niên để khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình thi hành Luật, cũng như việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật Thanh niên, qua đó tạo điều kiện cho thanh niên phát huy và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.

Đến từ Đoàn thanh niên Bộ Công an, đại biểu Đoàn Đắc Chinh nêu ý kiến: Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nay tình hình thanh thiếu niên có hành vi vi phạm pháp luật nói chung, thực hiện hành vi phạm tội nói riêng đang có chiều hướng gia tăng. Trên các phương tiện, thông tin đại chúng, rất nhiều vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, rung động dư luận mà đối tượng thực hiện là thanh niên, thậm chí trong nhóm thanh niên từ 16 đến dưới 18 tuổi. Ngoài trách nhiệm đặt ra đối với các cơ quan chức năng, thì các tổ chức thanh niên có giải pháp gì không? Có cần quy định những nội dung này trong Luật Thanh niên về trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và của các tổ chức thanh niên hay không?...

"Khi tham gia giao thông, chúng ta lại bắt gặp rất nhiều thanh niên vi phạm pháp luật giao thông như không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng hay có những va chạm nhỏ khi tham gia giao thông mà các đối tượng thanh niên sẵn sàng tấn công đối phương, gây mất trật tự công cộng và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác... Vậy chúng ta có thể làm gì để có thể hạn chế được thực trạng này?", đại biểu Đoàn Đắc Chinh đặt câu hỏi.

Đại biểu Ngô Thu Trang, Đoàn Bộ Tư pháp cho rằng: dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) cần thiết kế lại nội dung các quy định đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật soạn thảo văn bản pháp luật, sao cho nội dung mang tính quy phạm hóa, định hướng hành vi, tránh lặp lại nội dung chính sách, mang tính cổ động, định hướng, hoặc đã có tại các văn bản pháp luật khác. Dự thảo cũng cần nghiên cứu và đánh giá tác động về những bảo đảm tài chính, nhân sự và cơ sở vật chất để đảm bảo tính khả thi sau khi dự án Luật được thông qua.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Hữu, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi tại Hội thảo. Đồng chí đề nghị các cấp bộ đoàn tiếp tục tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), đồng thời tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam năm 2018.

Ngay sau hội thảo, Ban Thường vụ Đoàn Khối sẽ tổng hợp các ý kiến của đại biểu Đoàn gửi về Ban soạn thảo Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

 

(CTV Kim Huệ - Đoàn khối các CQTW)- KA