Học nghề để thực hiện ước mơ
08:20 10/06/2014 1328
Công tác tuyên truyền, giáo dục Hoàn cảnh đã buộc hai bạn trẻ dưới đây gián đoạn việc học để lo cho người thân, gia đình...
Hoàn cảnh đã buộc hai bạn trẻ dưới đây gián đoạn việc học để lo cho người thân, gia đình...
Ngoài giờ học Thảo cắt cỏ thuê để mưu sinh - Ảnh: M.TÂM |
Tuy nhiên các bạn đã chọn trường nghề để thực hiện ước mơ của đời mình...
Sẽ học tiếp lên cao
Tiếng là ở thành phố nhưng nhà của bạn Trần Anh Quốc, 18 tuổi, lớp trưởng lớp trung cấp chuyên nghiệp, ngành kế toán Trường cao đẳng Nghề An Giang, nằm sâu hút qua khu nghĩa địa trên đường đất ngoằn ngoèo.
Bốn giờ sáng Quốc đã dậy phụ mẹ làm tàu hủ, nấu sữa đậu nành... và chuyển đồ bằng xe đạp phụ mẹ. Quốc tâm sự: “Nồi tàu hủ, lò than, chén bát... cộng thêm mấy chục bịch sữa cũng nặng gần chục ký. Một mình mẹ gánh cực lắm nên em phải chuyển lên xe phụ một đoạn đường để mẹ đỡ mệt...”. Xong Quốc đến trường. Chiều Quốc tranh thủ đến các chợ xin vỏ dừa về nhóm lửa. Tối mới rảnh rang ngồi vào bàn học.
Chàng trai 18 tuổi này hoạch định tương lai đời mình: “Sẽ hoàn tất chương trình học nghề, lấy bằng kế toán xin việc làm. Khi có chỗ làm ổn định, sẽ tranh thủ vừa làm vừa học liên thông lấy bằng đại học...”.
Quốc bộc bạch sở dĩ đi đường vòng, chọn ngã rẽ vào trường nghề cũng vì kinh tế gia đình quá khó khăn. Cha làm nhân công bốc vác gạo, mẹ gánh tàu hủ, sữa đậu nành đi bán dạo. Biết nhà khốn khó, mới mười mấy tuổi Quốc đã biết phụ ba mẹ đi bán vé số, làm phụ hồ kiếm tiền mua sách vở.
Nhà nghèo nhưng Quốc luôn là học sinh giỏi suốt mấy năm trung học. Quốc dự định học xong THPT sẽ nộp đơn thi vào ngành công an, nhưng ước mơ trên không thành. Mẹ bệnh nghỉ bán gần cả tháng, nhà bị vây bởi bao nhiêu khó khăn, Quốc quyết định nghỉ học, đi làm phụ hồ đỡ đần gia đình sau khi tốt nghiệp THCS năm 2008.
Sợ mình sẽ nao lòng trước hình ảnh bạn bè cắp sách đến trường nên Quốc chọn những nơi xa tận huyện Phú Tân, Chợ Mới hoặc sang các tỉnh khác như Kiên Giang, TP Cần Thơ... để làm. Có khi hàng tháng trời Quốc ở lì tại các công trình.
Thời gian dài rời xa trường lớp, nỗi khát con chữ tưởng đã lắng xuống, nhưng Quốc quyết quay lại học tiếp sau gần hai năm gián đoạn với suy tính rất thận trọng: “Học nghề ba năm, học THPT cũng ngần ấy. Nhưng học xong THPT muốn chọn nghề phải học tiếp cao đẳng, đại học mất 3- 4 năm, vị chi khoảng 6-7 năm. Hoàn cảnh không cho phép. Tốt nhất là học nghề trước, có việc làm ổn định sẽ học tiếp lên cao. Quan trọng là mình có đủ ý chí, nghị lực để đến đích...”.
Quốc phụ mẹ đem tàu hủ, sữa đậu nành ra chợ - Ảnh: M.TÂM |
Bắt đầu dẫu muộn màng
23 tuổi, Nguyễn Thị Thanh Thảo ở khu vực Thới An, phường Thuận An, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ, mới bắt đầu năm nhất ngành kế toán chuyên nghiệp Trường cao đẳng Nghề An Giang. Câu chuyện học muộn của Thảo trải qua bao sóng gió...
Ba mất năm Thảo 5 tuổi, mình mẹ phải bươn chải bằng nghề bơm vá, sửa xe, làm thuê làm mướn để lo cho hai con. Làm quần quật, ăn uống kham khổ, khiến sức khỏe bà xuống dốc rồi ngã quỵ bởi bệnh tai biến mạch máu não phải nằm trên giường bệnh một thời gian. Chi phí sinh hoạt, thuốc thang điều trị hằng ngày cho mẹ đã đẩy gia đình vào cảnh khốn khó.
Cảnh nhà thiếu hụt buộc anh em Thảo đứng trước chọn lựa giữa con đường đi học hay vào đời mưu sinh. Năm đó Thảo học lớp 9, anh trai học lớp 10. Và Thảo nhận lấy phần thua thiệt về mình.
Nhớ lại, Thảo kể: “Anh Hai có tên trong danh sách học sinh giỏi toàn quốc của trường, nghỉ học sẽ rất uổng. Còn em chỉ học kha khá. Nếu hai anh em cùng đi học chắc chắn việc học chẳng đi đến đâu...”.
Thảo xin làm công nhân ở công ty may mặc. Lương công nhân cộng với tiền công anh Hai đi làm phụ hồ cũng đủ cả nhà chi tiêu. Vừa làm Thảo vừa đi học bổ túc văn hóa. Đang học tiếp lên THPT thì công ty kinh doanh thua lỗ phải đóng cửa, Thảo phải đi nhổ cỏ, may đồ thuê, phụ rửa chén bát cho các tiệm cơm...
Lận đận vài năm, mãi đến khi anh Hai hoàn tất chương trình đại học, tìm được việc làm trong một công ty ở TP Cần Thơ, Thảo quyết quay lại trường nghề học ngành kế toán. tin the gioi , tin quan su , pink wallpaper , 3d wallpaper , apple wallpaper
23 tuổi, khá trễ so với các bạn cùng trang lứa nhưng Thảo vẫn tự tin: “Dẫu muộn, nhưng em vẫn rất vui vì còn cơ hội quay lại chọn nghề để thay đổi số phận mình theo chiều hướng tốt đẹp hơn...”. Thảo chọn trường nghề ở An Giang, cách nhà 14km, để có thể đi đi về về, tiện lợi trong việc làm thêm và chăm sóc mẹ.
Tweet